Sự trở lại ngoạn mục của “Cá mập siêu bạo chúa” (The Meg) không chỉ thu hút khán giả bởi màn đối đầu giữa con người và hung thần đại dương với hàm răng sắc nhọn, mà họ còn tò mò muốn biết những câu chuyện đằng sau màn ảnh.
"Cá mập siêu bạo chúa" hứa hẹn sẽ công phá màn ảnh rộng
Sự ra đời của kịch bản hoàn hảo
Dựa trên cuốn tiểu thuyết ăn khách Meg: A novel of deep terror của tác giả Steve Alten, cuốn sách đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của nhà sản xuất Belle Avery. Ngay khi đọc cuốn sách đó, Belle đã nhận thấy tiềm năng để chuyển thể nó trở thành kịch bản của một bộ phim thuộc thể loại phiêu lưu, hành động ăn khách. Và bà tin chắc bộ phim sẽ có sức hấp dẫn rất lớn đối với khán giả trên toàn thế giới vì cá mập luôn là một loài sinh vật mà con người tò mò muốn được tìm hiểu.
Từ sự quyết tâm đưa “hung thần đại dương” này lên màn ảnh, nguồn cảm hứng từ cuốn truyện của Steve Alten, các biên kịch Dean Georgaris, Jon và Erich Hoeber đã bắt tay nhau để chuyển thể cuốn sách đó lên màn ảnh rộng.
"Cá mập siêu bạo chúa" dựa trên cuốn tiểu thuyết gốc của tác giả Steve Alten
Ban đầu, nhóm nhà biên kịch này không định bắt tay hợp tác với nhau mà mỗi người sẽ tự viết một kịch bản riêng. Nhưng sau đó, nhà sản xuất đã gợi ý, thay vì sẽ có ba kịch bản rồi mọi người phải mất thời gian ngồi chọn lựa sao không thử ngồi lại cùng nhau. Và rồi, những ý tưởng tốt nhất của mỗi người được tập hợp lại để tạo nên một kịch bản duy nhất và hoàn hảo nhất.
Đối với người cầm trịch bộ phim, Jon Turteltaub thừa nhận việc ngồi ghế đạo diễn bộ phim này là một thử thách đầy thú vị. Nó mang lại cho ông cảm giác mới mẻ và hào hứng bởi trước giờ ông chưa từng “đụng” đến đề tài về quái vật khổng lồ chứ chưa nói gì về một bộ phim riêng về loài cá mập.
Hồi sinh siêu cá mập cổ đại
Cá mập siêu bạo chúa lật mở những huyền thoại về siêu cá mập Megalodon (Meg), sinh vật cổ đại được cho là đã tuyệt chủng vào hơn 2 triệu năm trước. Vì vậy, ê-kíp đã tiến hành những nghiên cứu về loài Meg và cá mập ngày nay trước khi hồi sinh siêu cá mập lên màn ảnh.
Meg là loài cá mập lớn nhất trong lịch sử, với chiều dài hơn 18 m, kèm bộ răng sắc nhọn. Lực cắn của nó lên tới 18 tấn đủ để làm bẹp rúm một chiếc ô tô tầm trung. Bộ xương của Meg cũng giống như xương của loài cá mập ngày nay được cấu thành từ sụn hơn là từ xương. Vì thế, rất ít dấu tích của loài này còn sót lại, ngoại trừ răng và những đốt sống hóa thạch.
Megalodon là siêu cá mập được cho là đã tuyệt chủng hơn 2 triệu năm
Bên cạnh sự chênh lệch về mặt kích thước, có rất nhiều điểm khác biệt đáng kể giữa Meg và loài cá mập hiện đại, đó chính là lớp da và số lượng mang. Trong phim, Meg có nhiều mang hơn loài cá mập bình thường vì ê-kíp phỏng đoán rằng ở môi trường không có oxy ở đáy đại dương, mang của loài vật này sẽ tiến hoá hơn.
Còn với lớp da, tổ thiết kế quyết định sử dụng màu nâu với những mảng đậm nhạt phân bố không đồng đều. Meg đã trải qua rất nhiều trận chiến với những loài vật khác, vì thế trên da của nó sẽ có những vết sẹo vết trầy xước.
Đặc điểm đáng sợ nhất của Meg chính là cách mà nó tiêu diệt con mồi. Miệng của nó rất to, trong đó có tới hàng trăm chiếc răng sắc nhọn được xếp thành hàng ngay ngắn để xé xác những nạn nhân tội nghiệp. Một khi đã sa vào miệng của Meg, không ai có hi vọng có thể thoát ra ngoài.
Megalodon có thông số cơ thể vượt trội hơn hẳn các loài cá mập khác
Sau khi đã hoàn chỉnh tạo hình của Meg, ê-kíp đã phối hợp với các công ty chuyên xử lý kỹ xảo để thổi hồn sống động cho sinh vật này. Mọi người đã nghiên cứu cơ chế di chuyển của loài cá mập, và tiến hành những thử nghiệm trên máy tính để tìm hiểu vì sao Meg lại có thể đạt được tốc độ lớn ngang ngửa một chiếc thuyền có gắn động cơ. Nhóm đã mất rất nhiều thời gian để các khối cơ trong cơ thể của Meg trông sẽ thật sống động dưới lớp da nâu khi nó chuyển động.
Mang đại dương về phim trường
Việc ghi hình bộ phim sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu thực hiện trên đại dương nhưng làm được điều này quả thật không dễ. Để gạt bỏ được những trở ngại đó, nhóm thực hiện đã xây dựng hai bể nước lớn tại phim trường Kumeu Film Studios ở Auckland (New Zealand). Với sức chứa lần lượt lên tới 2,5 triệu lít nước và 1,26 triệu lít nước, hai chiếc bể này giờ đã trở thành một công trình hạ tầng của làng điện ảnh New Zealand.
Đạo diễn Jon turteltaub sẽ cho khán giả cảm giác hoàn toàn khác các phim về cá mập trước đây
Nước ở hai chiếc bể chứa này đã được lọc thông qua một hệ thống được gọi là Ozone. Về mặt cơ bản, hệ thống đó sẽ giúp nước trong bể trở nên trong vắt và tinh khiết hơn. Một trong số những vấn đề của việc quay phim dưới nước là nếu nước đục ngầu, bạn không thể tẩy trùng cho nó được.
Dĩ nhiên, ê-kíp có thể sử dụng hiệu ứng hình ảnh để nước trông trong hơn, nhưng bạn sẽ không thể nhìn thấy được điều đó qua ống kính máy quay. Hiếm khi có một bể nước đặt ngoài trời mà nước lại ấm và trong sạch, được làm việc trong một không gian như vậy, quả là một thuận lợi cho cả quay phim lẫn diễn viên.
Cảnh trong phim "Cá mập siêu bạo chúa"
Khi thực hiện Cá mập siêu bạo chúa, đạo diễn Jon Turteltaub luôn muốn mang lại cho người xem niềm vui lẫn cảm giác sợ sệt, lo lắng. Thay vì để khán giả phỏng đoán những câu chuyện làm nên bộ phim này, thì bài viết trên đây đã phần nào giải đáp trí tò mò.
Và như bộ phim đã đề cập, còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá đang tồn tại trong lòng đại dương. Nếu bạn muốn biết đó là gì, khán giả hãy đón xem bộ phim Cá mập siêu bạo chúa.
Quốc Bảo