Anh Diệp Gia Hào được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có những cống hiến lớn lao trong việc gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật Lân Sư Rồng. Cùng trò chuyện với anh để hiểu thêm về bộ môn thú vị nhưng cũng đầy thách thức này!
Nghệ nhân Ưu tú Diệp Gia Hào đã gắn bó với nghệ thuật Lân Sư Rồng nhiều năm liền
Tiết lộ lí do theo đuổi đam mê với bộ môn Lân Sư Rồng, anh Diệp Gia Hào chia sẻ: “Từ lúc 5 tuổi là tôi đã thích xem múa Lân múa Rồng. Gần nhà tôi cũng có đội Lân Sư Rồng. Tết ai cũng đều thích loại hình này hết, ra đường thấy múa Lân là thấy rộn ràng. Ở đâu có tiếng trống múa Lân là tôi có mặt ở đó. Ba mẹ nhiều khi cũng la vì thấy mình học xong là đi tập môn này. Nhưng vì quá yêu thích nên sau này tôi xin ba mẹ cho tham gia đội Lân Sư Rồng đi trình diễn cho mọi người xem dịp Tết. Đến năm 21 tuổi, tôi đã đủ vững chãi để thành lập một đội Lân Sư Rồng của riêng mình mang tên Hào Dũng Đường”.
Anh Diệp Gia Hào cho biết, anh cảm thấy rất hạnh phúc khi được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì những cống hiến của mình cho nghệ thuật Lân Sư Rồng trong suốt hàng chục năm qua đã được công nhận. Bên cạnh đó, anh dẫn dắt đội Hào Dũng Đường gặt hái được nhiều giải thưởng lớn về Lân Sư Rồng trong nước lẫn quốc tế.
Phải thả hồn vào linh vật và có sự phối hợp nhịp nhàng trong các động tác
Để đạt được thành công nhất định như hiện tại, Nghệ nhân Ưu tú Diệp Gia Hào cũng đã trải qua không ít khó khăn trên con đường tập luyện và trình diễn. Anh chia sẻ: “Mất 2 - 3 năm để có thể biểu diễn chuyên nghiệp Lân Sư Rồng. Để điều khiển linh động chú Lân, thứ nhất là phải có thể lực, thứ hai là thả hồn vào linh vật để diễn ra hình ảnh một chú Lân sống động. Lân có lúc buồn, lúc vui, lúc giận và có cả những lúc sợ hãi thì mình phải diễn sao cho ra đúng thần thái đó. Người đứng sau phải đứng vững để đỡ người làm đầu Lân. Những người trong đội phải tập luyện rất nhiều mới không bị té.
Ông Địa có nhiệm vụ dẫn chú Lân đi hái lộc cho gia chủ. Mỗi đoàn đều có sự sáng tạo riêng về trống, chiêng để kết hợp với phần trình diễn thật uyển chuyển. Lân phải tìm đường xem có chướng ngại vật không để di chuyển đến chỗ hái lộc. Trong đó, động tác khó nhất là người đội đầu Lân bay trên không, xoay 360 độ, phải có sự kết hợp chuẩn xác giữa đầu và đuôi.
Đối với múa Rồng, điều khó khăn nhất là sự phối hợp nhịp nhàng của 9 người, chú trọng về vấn đề thể lực và các động tác phải chính xác để tạo ra hình dáng con Rồng đẹp nhất”.
Cần nhiều công sức tập luyện để mang đến màn trình diễn tốt nhất
Nghệ nhân Ưu tú Diệp Gia Hào cũng chia sẻ thêm: “Hiện nay, bộ môn nghệ thuật Lân Sư Rồng đã được đưa vào thể thao và có nhiều sự quan tâm của nhà nước. Liên đoàn Lân Sư Rồng TP.HCM đã hỗ trợ cho đội của chúng tôi rất nhiều. Tương lai tôi dự định cùng các bạn đồng nghiệp soạn thảo và cho ra mắt sách dạy về biểu diễn cũng như cách chế tác Lân Sư Rồng, để truyền kinh nghiệm lại cho những người có cùng niềm đam mê”.
Để bảo tồn và phát huy nét đặc sắc của nghệ thuật Lân Sư Rồng, anh Diệp Gia Hào đã cống hiến không ngừng nghỉ suốt cả thời thanh xuân của mình cho đến hiện tại. Hành trình của anh với Lân Sư Rồng đã truyền cảm hứng cho nhiều người về sự kiên trì theo đuổi đam mê và khát khao gìn giữ bộ môn nghệ thuật này.
Bạch Dương (Ảnh: NVCC)