Kể chuyện Sài Gòn xưa

Kim thời dị sử, quyển tiểu thuyết trinh thám đầu tiên ở nước ta

Truyện thầy Lazaro Phiên là tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở nước ta, xuất bản năm 1887. Sang đầu thế kỷ 20, một loạt tiểu thuyết khác ra đời, nhưng riêng quyển "Kim thời dị sử" được xem là quyển tiểu thuyết trinh thám ra đời sớm nhất.


Thành phố Chợ Lớn dọc theo kênh Tàu Hũ (ảnh năm 1866)

Trong lịch sử tiểu thuyết Việt Nam, Truyện thầy Lazaro Phiên là tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở nước ta, xuất bản năm 1887. Sang đầu thế kỷ 20, một loạt các tiểu thuyết khác nối tiếp ra đời như Hoàng Tố Oanh hàm oan của Trần Chánh Chiếu (1910), Phan Yên ngoại sử của Trương Duy Toán (1910), Ai làm được của Hồ Biểu Chánh (1912), Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu (1915), Nghĩa hiệp kỳ duyên của Nguyễn Chánh Sắt (1920), Kim thời dị sử của Biển Ngũ Nhy (1921), Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh (1923).

Đa số các tác phẩm này đề cập các vấn đề tâm lý – xã hội, riêng quyển Kim thời dị sử của Biển Ngũ Nhy được xem là quyển tiểu thuyết trinh thám ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Sách do nhà xuất bản Inprimerie Moderne L.Héloury et S.Montégout, Sài Gòn, cho ra đời năm 1921, nhưng trước đó đã được đăng trên Công Luận Báo từ tháng 10/1917.


Góc đường Jaccaréo và Marins những năm 1920 (nay là góc đường Tản Đà và Trần Hưng Đạo B)

Vài nét về tác giả và tác phẩm

Nhà văn Biểu Ngũ Nhy tên thật là Nguyễn Bính, sinh năm 1888 tại Trà Vinh. Ông học tại trường trung học Mỹ Tho (Collège Le Myre de Villers), rồi ra học trường thuốc ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (Médecin Indochinois) khóa đầu tiên của trường thuốc Hà Nội (lúc bấy giờ, chính quyền thực dân Pháp chưa mở Trường đại học Y để đào tạo bác sĩ).

Khi còn đi học, ông có làm thơ theo kiểu Đường thi và viết một số bài đăng báo. Từ năm 1917, ông đã giữ tiết mục “Truyện mật thám” đăng trên Công Luận Báo, chuyên dịch các tác phẩm trinh thám nước ngoài ra tiếng Việt như “Chuyện ác lai ác báo”, truyện “Chúa bọn Sở Khanh”.

Ông có viết một số sách về y khoa, như các cuốn “Phong tình bịnh chứng”, “Nam nữ hôn nhân”, “Sanh dục vệ sinh”.

Ông mất ngày 22/7/1973 tại Phú Nhuận, hưởng thọ 87 tuổi.

Tác phẩm sáng tác hoàn chỉnh đầu tiên của ông là Kim thời dị sử, ngay khi ra đời đã được văn giới đương thời đánh giá rất cao. So với các tiểu thuyết xã hội tâm lý cùng thời, Kim thời dị sử có văn phong khá hiện đại, không theo lối chương hồi, không có lối văn biền ngẫu. Cốt truyện có những tình tiết ly kỳ hấp dẫn, thắt mở hợp lý, đầy kịch tính và thu hút người đọc từ đầu đến cuối, khả năng trần thuật linh hoạt, mạch lạc.

Tuy nhiên, trong buổi phôi thai của tiểu thuyết trinh thám, tác phẩm Kim thời dị sử không tránh khỏi những nhược điểm như kết cấu không hoàn chỉnh, nhiều chi tiết sắp đặt không hợp lý, sự kiện diễn ra có chỗ không lô-gích.

Lăng Cha Cả năm 1867

Tóm tắt nội dung của truyện

Nội dung truyện kể lại 2 vụ trộm do Ba Lâu thực hiện.

Vụ thứ nhất: Ba Lâu cướp hai muôn đồng (20.000 đồng) của hãng Bi Đen. Lược truyện như sau:

Thiệt là con một gia đình làm nghề đánh cá ở Biển Hồ (Campuchia), được gởi xuống Sài Gòn học ở trường Taberd. Tại trường, Thiệt kết bạn anh em với Trần Minh Lộng, con một điền chủ ở Bãi Xàu (Sóc Trăng). Vì cha mẹ mất sớm, Thiệt phải nghỉ học, về Biển Hồ để nối nghiệp cha. Nhưng Thiệt lại mê một người phụ nữ tên Năm Nhỏ, rồi cờ bạc thua phải bán hết sản nghiệp cha để lại. Cuối cùng, phải đi làm mướn cho hãng Giáp Đắc (chuyên bán đồ sắt và các đồ gia dụng bằng kim khí) của ông chủ hãng tên Bi Đen. Vì cờ bạc, Thiệt thâm lạm của hãng 2.000 đồng. Thiệt toan tự tử, thì bỗng đâu người bạn cũ là Trần Minh Lộng (Ba Lộng) xuất hiện, đưa cho Thiệt 2.500 đồng, nói là đang buôn bán khá giả nên tìm cách giúp đỡ đàn em.

Tình cờ, một hôm Thiệt đọc báo Công Luận thì thấy tin: Hãng Bi Đen tại Sài Gòn bị mất trộm hai muôn đồng, Ba Lâu là chánh đảng bọn trộm. Thiệt vừa đọc xong tờ báo thì đêm đã khuya. Bỗng nghe có tiếng tri hô ăn trộm, chàng mở cửa ra xem thì có một người mặc bộ đồ đen, mặt bịt khăn đen nhảy vào ôm choàng Thiệt, xô lật nhào xuống đất và nói nhỏ: “Qua đây em, qua chính là Ba Lộng đây”. 

Thì ra Ba Lâu chính là Ba Lộng, vừa thoát khỏi một cuộc truy lùng của cảnh sát và bị đạn bắn trúng vai. Thiệt bèn đưa Ba Lâu về một căn nhà bí mật ở ngoại ô Nam Vang (Pnom Pênh) rồi nhờ một bác sĩ quen đến băng bó vết thương. Một tuần sau, vết thương Ba Lâu đã lành, thì cảnh sát lại đến vây nhà.

Ba Lâu bố trí cho tay chân và Thiệt trốn khỏi nhà an toàn. Ba Lâu ở lại đối phó với cảnh sát. Súng nổ, lửa phát cháy, Ba Lâu lăn xuống hầm bí mật, thoát chết về gặp lại Thiệt.

Sau đó, Ba Lâu giả làm thầy đội, giải thoát cho đồng bọn, cướp được 300 đồng và một chiếc nhẫn ngọc là đồ quốc bảo của triều đại nhà Minh ở Trung Quốc.

Vụ thứ hai: Ba Lâu cướp 6 muôn đồng (60.000 đồng) của Chà Xã Tri.

Ba Lâu giả mạo điện tín của Anatharia là Chà Xã Tri (người Ấn Độ thời đó được gọi là Chà, chuyên làm nghề Xã Tri tức là cho vay lấy lãi) ở Trà Keo, yêu cầu Xã Tri Chánh ở Nam Vang, đem tiền xuống Sài Gòn cho vay để giành mối với hãng Bi Đen.

Theo kế hoạch của Ba Lâu, đồng bọn là Tám Hoành, Sáu Hổ sẽ cướp xe, bắt cóc tài xế, đón Ba Lâu cùng ba tên Chà chạy về Sài Gòn. Cảnh sát được người báo tin, lập tức đuổi theo xe Ba Lâu. Sau khi lấy trọn 6 muôn đồng, Ba Lâu trói ba tên Chà và bỏ ba tên Chà vào mép rừng. Ba Lâu cho xe chạy đụng lan can cầu để xe rớt xuống sông rồi sang xe khác chạy về Nam Vang. Cảnh sát tới nơi, giải cứu được ba tên Chà thì Ba Lâu đã tẩu thoát.

Mở đường cho dòng tiểu thuyết trinh thám

Nghiên cứu tiến trình văn học ở miền Nam, các học giả đều thống nhất đánh giá Kim thời dị sử của Biển Ngũ Nhy là tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của Nam bộ và của Việt Nam viết theo kiểu phương Tây. Học giả Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “Tác phẩm là cái mốc đánh dấu sự có mặt của một thể loại mà sau này Phú Đức và Nam Đình ở miền Nam cũng như Thế Lữ và Phạm Cao Củng ở miền Bắc là những người kế tục”.

Sau Kim thời dị sử, một loạt tiểu thuyết trinh thám kết hợp với hành động phiêu lưu mạo hiểm ra đời, mà bậc nhất là những tác phẩm của Phú Đức và Nam Đình.


Đại lộ Tổng đốc Phương năm 1930 (nay là đường Châu Văn Liêm)

Trần Vĩnh An