Kinh thành Huế - Dấu ấn vàng son của thời nhà Nguyễn (Phần 2)

Bên trong Kinh thành Huế là một vòng thành nhỏ hơn, gọi là Hoàng thành (Đại Nội Huế). Đây là nơi đặt các cơ quan trọng yếu của triều đình nhà Nguyễn xưa kia. Nằm trong cùng của công trình này là Tử Cấm Thành - cũng là nơi ở chính của hoàng gia ngày trước.

Cổng Đại Nội Huế

Trước khi bước chân vào khu vực Hoàng thành Huế, từ trên cầu Phú Xuân, qua cửa kính ô tô, tôi đã thấy Kỳ đài phủ rêu xanh với ngọn Quốc kỳ bay phấp phới. Kỳ đài nằm im lìm chính giữa mặt nam kinh thành Huế, thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh, cũng là nơi treo cờ của triều đình. Kỳ đài có kiến trúc tương đối lớn, gồm: đài cờ và cột cờ. Đài xây gạch, gồm 3 tầng như 3 hình tháp cụt xếp chồng lên nhau. Đây không chỉ là vị trí trung tâm của Thành phố Huế mà còn là một biểu tượng của mảnh đất Cố đô qua rất nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.

Sau lưng Kỳ đài, Hoàng thành sừng sững náu mình sau Ngọ Môn – một trong 4 cửa chính của Hoàng thành, nằm phía Nam kinh thành Huế. Đây là một tổng thể kiến trúc khá phức tạp, đồ sộ nguy nga, nhìn từ xa như một tòa lâu đài tráng lệ, nhưng cũng rất gần gũi, hài hòa với phong cảnh thiên nhiên và tâm hồn, tình cảm của con người xứ Huế. 

Phía trên Ngọ Môn là Lầu Ngũ Phụng. Vật liệu chủ yếu để xây dựng Ngọ Môn và Lầu Ngũ Phụng đều là những vật liệu sẵn có xa xưa như những phiến đá dài, gỗ lim,... Nhưng nhờ vào bàn tay điêu khắc điêu luyện, Ngọ Môn và Lầu Ngũ Phụng ngày nay vẫn nổi tiếng là một biểu tượng mỹ thuật của thời nhà Nguyễn, với những đường nét hoa văn tinh xảo đã được “cung đình hóa” từ nghệ thuật điêu khắc dân gian, cách phối màu đơn giản nhưng vẫn toát lên được khí chất hoàng gia ngày trước, đem lại cho du khách tham quan một vẻ đẹp cổ xưa nhưng cũng không kém phần sang trọng. 

Đại Nội nhìn từ xa

Về tên gọi, thì căn cứ trên la kinh (la bàn) của địa lý phong thủy Đông phương, phía nam vốn thuộc hướng “ngọ” trên trục “tý - ngọ” (bắc - nam). Vậy nên cái tên Ngọ Môn cũng xuất phát từ đó, mang ý nghĩa về không gian, phương hướng chứ không mang ý nghĩa thời gian như nhiều người vẫn lầm tưởng. Là cổng chính nhưng Ngọ Môn không được sử dụng nhiều vì mang tính nghi thức rất cao. Xưa kia cổng thường đóng kín, chỉ mở trong những dịp đặc biệt như khi Vua ra vào Hoàng Thành có đoàn ngự giá, hay trong những dịp tiếp đón sứ thần ngoại quốc quan trọng của Hoàng Cung.

Nhắc đến biểu trưng của quyền lực thời nhà Nguyễn thì phải nói đến điện Thái Hòa. Điện Thái Hòa là nơi đăng quang của vua triều Nguyễn. Đây được coi là trung tâm của đất nước, là biểu trưng quyền lực của Hoàng triều Nguyễn. Điện, cùng với sân chầu, là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình.

Cung điện được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc. Mái điện lợp ngói hoàng lưu ly, kiểu mái chồng diêm. Dải cổ diêm được phân khoảng ra thành từng ô hộc để trang trí hình vẽ và thơ văn trên những tấm pháp lam. 197 bài thơ được thảo theo lối nhất thi nhất họa là một trong những điểm đặc biệt của điện. Trong điện Thái Hòa hiện còn lưu giữ chiếc ngai vàng của các vua triều Nguyễn.

Cả hai công trình Ngọ Môn và điện Thái Hòa đều được xây dựng quay về hướng Nam, vốn được xem là hướng để nhà vua quay mặt nghe thiên hạ. Lấy hình tượng rồng làm biểu tượng chính, cả hai công trình được xây dựng đồ sộ, hoành tránh để xứng tầm với chức năng của mình. Trong tâm thức người dân Việt, rồng vẫn là biểu tượng cố kết cả dân tộc, gắn liền với tư duy nông nghiệp cầu cho mùa màng bội thu. 

Điện Thái Hòa

Những kiểu thức trang trí khảm sành sứ nơi này ngoài chức năng chuyển tải những nội dung ẩn chứa của công trình là nơi các vị thiên tử thay trời hành đạo, chứng kiến các sự kiện trọng đại của triều đình, còn là những biểu tượng nghệ thuật nhấn mạnh vai trò của không gian kiến trúc với những biểu hiện tâm linh; phản ánh sự giao hòa thiên, địa, nhân trong tâm lý ứng xử với thiên nhiên của người Huế. Những mảng màu tương phản với tông vàng chủ đạo tượng trưng cho đấng cửu ngũ chí tôn cũng đem lại hiệu quả thị giác lớn, khiến toàn bộ Hoàng thành như bao phủ bởi ánh nắng.

Sâu trong cùng của Kinh thành Huế, vòng thành thứ ba cũng là vòng thành cuối cùng chính là Tử Cấm Thành. Tử Cấm thành là trung tâm sinh hoạt hằng ngày của vua và hoàng gia triều Nguyễn. Tử Cấm thành có vị trí sau lưng điện Thái Hòa, được khởi xây năm Gia Long thứ 3 (1804) gọi là Cung thành và các vua triều Nguyễn xây dựng thêm. Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822), vua đổi tên là Tử Cấm thành, nghĩa là thành cấm màu tía. Theo nghĩa hán tự, chữ Tử có nghĩa là màu tím, lấy ý theo thần thoại: Tử Vi Viên ở trên trời là nơi ở của Trời, Vua là con Trời nên nơi ở của Vua cũng gọi là Tử, Cấm Thành là khu thành cấm dân thường ra vào.

Duyệt Thị Đường hiện nay là nơi biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế

Trong Tử Cấm thành có khoảng 50 công trình kiến trúc với qui mô lớn nhỏ khác nhau được phân chia làm nhiều khu vực, tổng số công trình đó biến động qua các thời kỳ lịch sử. Khu vực cung Càn Thành, từ Đại Cung Môn đến điện Càn Thành bao gồm cả điện Cần Chánh, điện Văn Minh, điện Võ Hiển, Tả Vu, Hữu Vu. Từ điện Cần Chánh trở ra phía trước là nơi vua thiết thường triều cùng các cận thần. Từ bức bình phong sau lưng điện Cần Chánh trở về bắc là phần Nội Đình. Đây là khu vực ăn ở, sinh hoạt của vua và gia đình cùng những người phục vụ.

Khu vực Cung Khôn Thái nằm ở phía bắc cung Càn Thành, bao gồm điện Khôn Thái, điện Trinh Minh... là nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng Quí Phi và các phi tần mỹ nữ thuộc Nội Cung. Ở phía đông là khu vực phục vụ việc ăn uống, sức khỏe và giải trí của vua, bao gồm Thượng Thiện đường, Thái Y viện, Duyệt Thị Đường, vườn Thiệu Phương, vườn Ngự Uyển...

Đại Nội mang vẻ đẹp kì bí khi đêm xuống

Trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bao biến động lịch sử, các công trình kiến trúc trong Kinh thành Huế đã bị phá hoại hơn nửa, nhiều công trình nay chỉ còn là phế tích phủ rêu xanh. Thế nhưng, khi đặt chân vào Hoàng thành Huế xưa cũ, ngắm nhìn những gì còn sót lại, lòng người hẳn vẫn sẽ sửng sốt và có chút choáng ngợp với nét cổ kính, uy nghiêm, in đậm phong vị cung đình ngày đó. 

Dẫu đã trải qua hơn 200 năm gió mưa, nhiều chi tiết trang trí của các công trình trong Kinh thành Huế vẫn khoe sắc rực rỡ. Chính cái hòa sắc nóng của điêu khắc trang trí trên kiến trúc lại là điểm nhấn sang quý trong cái màu xanh bao la của trời đất, cỏ cây. Trong cái nhìn toàn cảnh, điêu khắc trang trí trên kiến trúc không hề lòe loẹt, trái lại đó là cái đẹp hài hòa với thiên nhiên, tựa như một quầng sáng rực rỡ, ánh lên giữa bao la, xanh ngát của cỏ cây, đất trời xứ Huế.

Song Anh