Khu căn cứ Vũ Quang là nơi đóng đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX nằm trong dãy rừng nguyên sinh thuộc xã Hương Quang, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Khu căn cứ địa của nghĩa quân Phan Đình Phùng nằm cách trung tâm thị trấn Vũ Quang và đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 25km theo tuyến tỉnh lộ 5 hướng về phía biên giới Việt Nam - Lào. Trước đây, có thể chạy xe dọc theo những cánh rừng nguyên sinh vào “đồn tiền tiêu” của căn cứ. Từ sau khi Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang được triển khai xây dựng, chỉ còn con đường độc đạo di chuyển bằng thuyền, sau đó tăng - bo bằng xe máy đi sâu vào bên trong.
Phan Đình Phùng sinh năm 1947, quê ở làng Đông Thái, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1876, ông đậu cử nhân. Một năm sau, ông đậu Đình nguyên Tiến sĩ, được bổ làm Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình), sau đó được đổi về Kinh đô Huế, giữ chức Ngự sử Đô sát viện. Cụ Phan nổi tiếng về tính cương trực và khẳng khái. Năm 1883, khi thấy Tôn Thất Thuyết phế Dục Đức, lập vua Hiệp Hoà, cụ đứng lên phản đối và bị Tôn Thất Thuyết đuổi về quê. Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng đã đứng ra chiêu tập quân sĩ chống Pháp, xây dựng căn cứ tại vùng núi rừng Hương Sơn, Hương Khê (thuộc huyện Vũ Quang ngày nay).
Bia kỷ niệm khởi nghĩa Hương Khê và chiến thắng Vũ Quang
Từ bến đò, tăng-bo bằng xe máy khoảng 20km qua những con đường đèo dốc khúc khuỷu sẽ đến “đồn tiền tiêu” - nơi đặt nhà bia tưởng niệm Phan Đình Phùng và nghĩa quân, mà người dân địa phương thường gọi là “miếu thờ cụ Phan”. Ngay lối vào miếu thờ có hai cây cổ thụ mọc đối xứng nhau sum suê, xanh tốt như chí khí lẫm liệt của cụ.
Chúng tôi dừng xe thắp hương tại nhà bia tưởng niệm trước khi vào thành. Nhà bia được xây xong tháng 7 năm 2002, nằm cạnh tỉnh lộ 5 và cách chân thành hơn hai cây số về phía đông, tức là cách thị trấn Hương Đại gần bốn chục cây số, cách bản Kim Quang hơn một cây số về phía tây. Tương truyền nơi đây là đồn tiền tiêu của chiến khu Vụ Quang.
Người dân ở đây vẫn gọi nhà bia là đền thờ Phan Đình Phùng, và ngay trên tấm biển chỉ dẫn giao thông cắm gần điểm giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh và tỉnh lộ 5 ở thị trấn Hương Đại vẫn đề như thế. Thực ra đây chỉ là một nhà bia tưởng niệm, chỉ “thờ” độc nhất một chiếc “Bia kỷ niệm khởi nghĩa Hương Khê và chiến thắng Vũ Quang” do giáo sư Đinh Xuân Lâm soạn thảo nội dung, một mặt khắc Việt ngữ, một mặt khắc Pháp ngữ khá sắc nét.
Nội dung ghi trên bia nêu bật ý nghĩa cuộc khởi nghĩa Hương Khê và công trạng của các vị lãnh tụ với lời kết: “Tinh thần yêu nước chống xâm lược của Phan Đình Phùng, Cao Thắng và nghĩa quân Hương Khê đời đời sống mãi!”.
Nơi đèo heo hút gió này, nhà bia tưởng niệm gây một cảm giác vừa linh thiêng, vừa u uẩn, và có phần hoang sơ như một cái miếu hoang do thiếu hơi ấm dấu chân người.
Sau khi thắp hương, chiếc xe máy tiếp tục đưa chúng tôi tiến sâu hơn về phía đại ngàn. Càng đi núi rừng càng hun hút, mênh mang. Đi tiếp chừng hai cây số, chúng tôi gặp dãy núi đá dựng đứng kéo dài theo hướng đông-nam. Đây chính là dãy núi mà nghĩa quân đã chọn để đóng quân, dân địa phương gọi là chân thành cụ Phan.
Giấu xe vào một hốc cây ven đường, chúng tôi nhanh chóng mất hút giữa rừng già.
Tôi như bị lạc giữa mê hồn trận, thực sự choáng ngợp trước vẻ nguyên sơ của các tầng thảm thực vật nguyên sinh. Chắn ngang lối đi là những gốc cây cổ thụ mấy người ôm không xuể. Tầng thấp hơn là chằng chịt cây dây leo đan kín trên đầu. Phía bên phải lối đi là vách đá dựng đứng đen sì hàng ngàn năm tuổi, là một trong hai dãy núi mà tướng quân Cao Thắng đã chọn để xây dựng Khu căn cứ Vụ Quang.
Đa dạng thảm thực vật nguyên sinh dọc lối vào thành cụ Phan
Chúng tôi lọt dần vào “gọng kìm” của hai bức tường thành nằm ở hai phía tả ngạn và hữu ngạn sông Rò Vền. Con sông này chảy ở phía tây thành gặp con sông Cà Tỏ chảy từ phía đông thành hợp lưu tạo nên đầu nguồn sông Ngàn Trươi.
Nằm cách ngã ba sông hơn một cây số về phía Nam là bãi Cà Tỏ. Tương truyền, đây chính là nơi Phan Đình Phùng và Cao Thắng tập luyện nghĩa quân bắn súng, cưỡi ngựa và các kỹ năng chiến đấu trước khi được phân về các đồn quân.
Theo các nhà nghiên cứu, bãi Cà Tỏ cũng nằm trong khu vực diễn ra trận đánh nổi tiếng nhất của nghĩa quân – trận “sa nang úng thủy”. Bãi tập ấy hôm nay trước mắt tôi chỉ là bạt ngàn lau lách, lau phất cờ xám ngả nghiêng trong cơn gió khoáng đạt chốn biên thùy.
Bãi Cà Tỏ - tương truyền là một trong những nơi diễn ra trận "Sa nang úng thuỷ" nổi tiếng của nghĩa quân Phan Đình Phùng
Cuộc hành trình của chúng tôi vẫn tiếp diễn. Non một giờ tầm nhìn bị tán lá rừng che lấp, mắt tôi bỗng vỡ òa khi chân bước chông chênh bên lưu vực sông Rò Vền. Chỉ còn cách cổng thành 300 mét – người dẫn đường cho biết. Chúng tôi leo lên hai phiến đá lớn nằm ở phía tả ngạn ngay chân dãy tây thành chắn ngang lối đi. Tôi ném một hòn đá xuống vực, bọt tăm sủi lên mấy phút mới thôi. Mặt nước gợn sóng lăn tăn kích thích lũ cá mát nhảy lên đớp mồi lao xao.
Tương truyền, hai phiến đá này là vị trí canh gác của nghĩa quân, nên người dân thường gọi là “hai phiến đá canh phòng”. Từ đây có thể phóng tầm mắt quán xuyến hết lối vào cổng thành, cả dãy tây và đông thành. Đảo mắt nhìn quanh một lượt, bất giác như có một luồng điện chạy dọc sống lưng tôi. Vẻ huyền bí của núi rừng càng trở nên bí hiểm hơn trong một không gian hẹp, với sự hội tụ của núi cao, vực sâu và cảnh hoang dã nguyên thủy của thảm thực vật.
Hai "phiến đá canh phòng" phía hữu ngạn sông Rò Vền, từ đây lên đến cổng thành chừng 300m
Sông Rò Vền chảy giữa dãy Đông và Tây thành, tạo nên thế trận hiểm yếu cho thành cụ Phan
Sau ít phút nghỉ chân, tôi lại ngoan ngoan lần theo dấu chân của người dẫn đường tiến sâu vào phía cửa thành. Những phiến đá mồ côi nhẵn thín do sự bào mòn của dòng chảy tạo cho ta cảm giác chống chếnh khi đặt chân lên. Gần ba mươi phút sau thì bàn tay tôi chạm được vào vách đá cổng chính của thành. Cảm xúc dâng trào làm cay cay sống mũi. Cổng thành rộng chừng chục mét, là điểm nối giữa dãy đông và tây thành. Cả một rừng cây choán hết lối vào thành. Phía sau cổng thành là mặt thành, là căn cứ của nghĩa quân. Tương truyền, đây là nơi tướng quân Cao Thắng đã xây dựng sở chỉ huy, nhà hậu cần và hệ thống kho quân lương.., dấu tích hiện nay còn lại là... một rừng cây cổ thụ.
Trong đầu tôi lúc này đã hiện rõ dáng vóc một Khu căn cứ địa nằm chon von trên hai dãy núi đá hiểm hóc, lưng tựa vào dãy Giăng Màn hùng vĩ, xung quanh là dòng chảy của hai con sông, tạo nên một thế chiến lược đắc địa “vừa có thế công, vừa lợi thế thủ”.
(Còn tiếp)
Văn Nguyễn