Theo dấu thành lũy cụ Phan

Kỳ 2: Số phận mộ phần và nhà thờ cụ Phan

Theo sử sách, mộ phần của Đình nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng đã bị bọn thực dân khai quật, thi thể bị đốt lấy tro trộn vào thuốc súng bắn xuống dòng sông La trước sự chứng kiến của đông đảo mọi người để thị uy.

Chân dung nhà yêu nước Phan Đình Phùng

Phút lâm chung bi tráng

Cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng lãnh đạo diễn ra trong 10 năm trời (1885-1895) là đỉnh cao nhất của phong trào Cần Vương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây có thể ví như một trong những trang sử bi hùng của dân tộc.

Lo sợ trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, tháng 7/1895, thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn sai Nguyễn Thân - một kẻ nổi tiếng về cơ mưu và tàn bạo làm Khâm sai đại thần dẫn 3.000 quân vào đàn áp, dồn nghĩa quân vào con đường cùng.

Lúc này, vị tướng tài ba Cao Thắng cũng không còn nữa, lương thực lại thiếu trầm trọng. Trước những khó khăn đó, nhưng chủ tướng Phan Đình Phùng vẫn làm nên chiến thắng Vũ Quang nổi tiếng (26/10/1894) tại sông Ngàn Sâu (Vũ Quang, Hà Tĩnh) dùng kế “sa nang úng thuỷ” của Hàn Tín tiêu diệt hàng trăm tên giặc.

Ngày 28/12/1895, Phan Đình Phùng qua đời, hưởng dương 49 tuổi. Sự hi sinh của cụ Phan diễn ra trong khi cuộc chiến giữa nghĩa quân và giặc Pháp còn hết sức cam go, nhiều tướng lĩnh không chịu nổi đã ra đầu hàng triều đình, số khác chạy sang Xiêm và một số khác tiếp tục chiến đấu cho đến chết. 

    

Lối lên mộ cụ Phan

Theo nhà nghiên cứu Đào Trinh Nhất, trước khi mất, cụ Phan Đình Phùng đã sắp đặt mọi việc, dặn dò các tướng sau khi cụ qua đời không được tiếp tục chiến đấu mà phải đầu hàng để trở về cuộc sống bình thường, và để lại một bài thơ tuyệt mệnh với những câu chứa chan cảm khái: 

Chín trùng thánh chúa nơi quê lạ.
Bốn bể nhân dân chốn lửa nồng. 
Trách vọng càng cao càng gánh nặng. 
Tướng môn riêng thẹn với anh hùng” 

(Nguyên văn chữ Hán-Bản dịch của GS Lê Thước).

Trước khi cụ nhắm mắt, tiếng khóc vang trời, hàng chục tướng sĩ tự vẫn theo chủ tướng, một số người quá xúc động đã kiệt sức chết theo. Mặc dù kẻ thù vây hãm rất gắt gao, song các tướng sĩ vẫn tổ chức một tang lễ trang trọng. Để uy hiếp Phan Đình Phùng, kẻ thù đã bắt giam anh trai và quật mồ mả tổ tiên lên, song Phan Đình Phùng không hề khuất phục nên chúng đã sát hại anh trai cụ là Phan Đình Thông và huỷ hoại hài cốt tổ tiên cụ.                                                   

Chính sử của ta, lúc đó hầu như dựa vào các tài liệu do thực dân Pháp cung cấp, chép rằng, 10 ngày sau khi Phan Đình Phùng mất, quân của Nguyễn Thân bắt được một nghĩa quân cải trang thành dân thường có nhiệm vụ xuống đồng bằng để mua lương thực.

Bị tra tấn dã man, người lính ấy đã khai báo về cái chết của lãnh tụ Phan Đình Phùng và dẫn quân của Nguyễn Thân đi tìm mộ. Đêm hôm trước, cụ Phan Đình Phùng đã hiển linh cho người vợ biết: “Ngày mai ta thử ra trước mặt quân Pháp, xem chúng làm gì ta!”. Nguyễn Thân đã sai người đào mồ lên, bắt Tuần phủ Hà Tĩnh Phan Huy Quán làm biên bản khám nghiệm, sai người nhà ra nhận mặt rồi đốt thi thể, lấy tro trộn vào thuốc súng bắn xuống dòng sông La trước sự chứng kiến của đông đảo mọi người để thị uy.

Bến Tam Soa - nơi thực dân Pháp cho bắn tro cốt Phan Đình Phùng xuống sông La

Số phận thăng trầm nhà thờ cụ Phan

Chúng tôi về làng Đông Thái, xã Tùng ảnh, một vùng quê khoa bảng có tiếng từ lâu, là quê hương của Đình nguyên tiến sỹ Phan Đình Phùng.

Ông Phan Tiến Ủy – phó chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Phan Đình làng Đông Thái, dẫn tôi đi thăm nhà thờ cụ Phan. Có thể nói rằng, về độ cơ bản của hệ thống giao thông nông thôn, chưa có xã nào trong tỉnh Hà Tĩnh vượt qua được Tùng Ảnh. Một số trục đường nhựa được làm từ nguồn dự án đầu tư nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú, còn lại đường liên thôn được bê tông hóa 100% nhờ sức dân đóng góp. 

Nhà thờ cụ Phan Đình Phùng ở làng Đông Thái, Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh

Nằm ở cuối đoạn đường bê tông cách trục đường liên xã khoảng 300 mét, nhà thờ cụ Phan khiêm nhường náu mình trong một khuôn viên nguyên là đất vườn của một gia đình trong dòng tộc họ Phan Đình bị ly tán đã khá lâu. 

Ngôi nhà ba gian kết cấu theo lối kiến trúc nhà cổ, đây là nhà của cụ Phan lúc sinh thời. Khi cụ mất và gia đình gặp nạn, ngôi nhà này dùng làm nhà thờ, do một người cháu nội của cụ trông coi việc đèn nhang. Thời kỳ thực dân Pháp đánh phá vùng Linh Cảm, nhà thờ bị trúng bom và người cháu nội đã bán cho hợp tác xã Đức Long làm trụ sở.

Và sau thời gian lưu lạc hơn bốn mươi năm, trong một cuộc hội thảo khoa học ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày mất của Phan Đình Phùng, ý kiến về việc tôn tạo nhà thờ cụ Phan đã được nêu ra.

Mất khá nhiều thời gian dò hỏi, đến năm 2000, gia tộc họ Phan đã phát hiện được ngôi nhà này ở Đức Nhân. Thì ra, khi hợp tác xã Đức Long giải thể, nhà thờ đã qua tay bốn hộ gia đình, lúc đầu họ mua về làm nhà ở nhưng sau đó đều phải bán tháo vì... ở không được, và chuyển mục đích sử dụng làm chuồng nuôi gia súc. Thế nhưng khi biết rõ nguồn gốc của ngôi nhà, lòng tham của con người lại nổi lên, và sau nhiều lần kỳ kèo ngã giá, đến năm 2004, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Tĩnh phải bỏ ra 45 triệu mới chuộc lại được bộ sườn nhà gồm bốn vì kèo cột đã bị đục đẽo nham nhở.

Phương án của tỉnh là tôn tạo nhà thờ ngay trong khuôn viên phần mộ cụ Phan, nhưng họ Phan Đình kiến nghị xin được đưa về dựng trên phần đất của dòng tộc.

Từ khu mộ TBT Trần Phú nhìn ra bến Tam Soa

Nguyện vọng của dòng tộc họ Phan được chấp nhận và con cháu trong họ đã quyên góp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước tôn tạo lại nhà thờ như hôm nay.

Chân dung cụ Phan hiện được thờ mặc áo dài, chít khăn đóng như ta thường thấy trong các sách giáo khoa, kích cỡ 40cmx60cm, đặt trên hương án ở gian giữa nhà thờ. Năm 2006, nhà thờ này đã được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

(còn tiếp)

Văn Nguyễn