“Kỵ sĩ cô độc”: Màn hợp tác giữa hai con người trái ngược nhau

Bộ phim là phiên bản “ăn theo” từ một chương trình phát thanh kể chuyện mang tên “The Lone Ranger” (Kỵ sĩ cô độc) ra đời 1938. Để hành trình của chàng kỵ sĩ trở nên hấp dẫn, ê-kíp đã có một chút cải biên so với bản gốc.


“Kỵ sĩ cô độc” là câu chuyện thuật lại từ một chiến binh da đỏ Tonto về sự thay đổi của John Reid để trở thành một kỵ sĩ

Thuộc thể loại hành động kịch tính, Kỵ sĩ cô độc là câu chuyện thuật lại của một chiến binh da đỏ Tonto về sự thay đổi của John Reid, từ một người thi hành luật trở thành huyền thoại của công lý đằng sau chiếc mặt nạ. Không chỉ đưa khán giả từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, mà ngay trong câu chuyện, lúc nào cũng xuất hiện tiếng cười bởi sự hợp tác “bất đắc dĩ” từ Tonto và John.

Với tính cách đối lập, họ như hai thái cực khác nhau, một bên là người thi hành luật pháp nghiêm chỉnh, còn một bên là chiến binh da đỏ đầy ngẫu hứng. Khởi đầu câu chuyện của họ là những mâu thuẫn, tranh cãi tưởng như không có hồi kết. Nhưng khi đã xác định mục tiêu chung, cả hai lại sát cánh bên nhau chống lại điều xấu xa, bảo vệ công lý.  

Cải biên so với bản gốc

Kỵ sĩ cô độc là một chương trình phát thanh kể chuyện ra đời từ năm 1933 với hình ảnh chàng kỵ sĩ thực thi công lý đã đi vào lòng khán giả. Xoay quanh nhân vật này đã có 2956 câu chuyện được kể trên đài, và phần cuối cùng được phát vào ngày 3/9/1954. 


Bộ phim ra đời từ dựa trên chương trình phát thanh về chàng kỵ sĩ cô độc được ra mắt vào năm 1933

Tiêu chí ban đầu của ê-kíp sản xuất là tạo nên một nhân vật mạnh mẽ, lương thiện, bảo vệ công lý để thu hút khán giả nhí, nhưng càng tạo ra những câu chuyện về chàng kỵ sĩ cô độc, chương trình đã tạo nên cơn sốt trên phạm vi toàn nước Mỹ. 

Sau thành công của chương trình, hàng loạt tác phẩm “ăn theo” khác ra đời như: series phim truyền hình phát từ năm 1949 đến năm 1957, hai phim điện ảnh ra đời năm 1956 và 1958. Và đến năm 2013, nhà sản xuất Jerry Bruckheimer và đạo diễn từng đoạt giải Oscar Gore Verbinski đã bắt tay làm lại bộ phim về anh chàng kỵ sĩ này.

Để tăng tính hấp dẫn và làm mới bộ phim, ê-kíp đã có một chút cải biên áo với những phiên bản cũ. Điển hình như câu chuyện được thuật lại từ góc độ của Tonto về quá trình John Reid trở thành kỵ sĩ cô độc được đặt trong không gian hài hước và kịch tính giữa hai nhân vật có xuất thân hoàn toàn khác nhau. Kế tiếp là anh chàng chiến binh da đỏ Tonto có tạo hình rất đặc biệt với gương mặt được tô vẽ lạ thường, đầu đội một con quạ đen, tóc tai và trang phục rối rắm. 


Tạo hình của chiến binh da đỏ Tonto (do Johnny Depp đóng) được làm mới

Ngoài ra, tính bất ngờ là điều mà người xem luôn cảm nhận được trong hầu hết tình huống trong phim. Những màn chiến đấu trên tàu của bộ đôi anh hùng trước kẻ thù, thay vì khiến khán giả giật thót tim thì đạo diễn đã gia giảm một nửa để nhường chỗ cho tiếng cười. Nhiều ý tưởng độc đáo cũng được cài cắm trong suốt câu chuyện không chỉ khiến bộ phim trở nên thu hút mà còn mang đến cho mọi người cảm xúc vì thần quả cảm, dám đấu tranh vì công lý đến từ hai nhân vật chính.

Đi tìm bộ đôi anh hùng

Lúc khởi động dự án, nhân vật chiến binh da đỏ Tonto được nhắm đến cho Johnny Depp. Sau hình ảnh chàng cướp biển trong loạt phim Cướp biển vùng Caribê (Pirates of the Caribbean) được nhiều người yêu mến, Johnny tiếp tục chứng tỏ tài năng diễn xuất của mình khi mang đến cho nhân vật Tonto một “thần thái” khác.

Sau khi có được Tonto, công việc còn lại của ê-kíp chính là đi tìm người bạn đồng hành cùng anh sánh vai trong bộ phim này. Từng để lại ấn tượng qua nhiều bộ phim, diễn xuất nam diễn viên Armie Hammer luôn được giới chuyên môn đánh giá cao. Và ngay lập tức, anh trở thành sự lựa chọn hoàn hảo để trở thành chàng kỵ sĩ cô độc. 


Nam diễn viên Armie Hammer (phải) là sự lựa chọn hoàn hảo cho vai chàng kỵ sĩ cô độc

Đạo diễn GoreVerbinski của bộ phim từng đưa ra lời nhận xét, khi đối diện với Armie, mọi người sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực toát ra từ tính cách của anh ấy. Armie luôn nhìn nhận mọi việc ở góc độ tích cực và sống vô cùng lạc quan. Và đó là điều mà ê-kíp bộ phim thực sự cần từ một người diễn viên để thuyết phục khán giả tin vào những điều tốt đẹp vẫn đang hiện diện xung quanh.

Vài câu chuyện từ phía hậu trường

Để hiện thực hóa thế giới của Kỵ sĩ cô độc qua lăng kính của đạo diễn Gore Verbinski, ê-kíp đã phải huy động 11 thiết kế bối cảnh, 6 chỉ đạo nghệ thuật, 2 thiết kế đồ họa, 2 họa sĩ minh họa, 2 người làm mô hình, 1 chuyên gia sân khấu, 1 điều phối viên nghiên cứu, 1 trợ lý sản xuất riêng và 274 nhân viên thuộc đội xây dựng

Ngoài ra, 12 công trình như thị trấn Colby, Texas được thực hiện ở Rio Puerco, New Mexico, bao gồm ga tàu, chuồng ngựa, quán rượu, nhà cho thuê, ngân hàng, sở cảnh sát và nhiều cửa hàng khác được ê-kíp đoàn phim xây dựng với kích thước thật để tạo nên tính chân thật cho bộ phim.


Chiếc mặt nạ của nhân vật kỵ sĩ John Reid được chế tạo bằng da dê 

Trước khi chiếc mặt nạ của chàng kỵ sĩ cô độc ra đời đã có hơn 10 thiết kế khác nhau và 7 lần chỉnh sửa trực tiếp để phù hợp với gương mặt của nam diễn viên Armie Hammer. Cuối cùng phiên bản làm từ da dê cực mềm đã được ê-kíp lựa chọn bởi nó ôm sát mặt của Hammer mà không làm anh cảm thấy khó chịu.

Hai diễn viên phụ trong trang phục cổ điển xuất hiện tại phân cảnh cuộc triển lãm về miền Viễn Tây là Ann Simon và con gái 10 tuổi của cô - Jenna Jewell Simon. Cả hai lần lượt là cháu và chắt của James Jewell, người đã đạo diễn chương trình phát thanh đầu tiên về Kỵ sĩ cô độc ngày 30/1/1933 cùng nhiều phần sau đó.

Còn chần chừ gì nữa mà không đến với câu chuyện của chàng chiến binh da đỏ cùng chàng kỵ sĩ cô độc, ắt hẳn đây sẽ là chuyến hành trình đầy mạo hiểm và tràn ngập tiếng cười mà khán giả không nên bỏ lỡ.

Mời quý vị đón xem bộ phim “Kỵ sĩ cô độc” được phát sóng vào lúc 13g35 trên kênh HBO thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.

Quốc Bảo