Niềm trắc ẩn trong lòng ai cũng có, nhưng làm thế nào để biến nó thành sự chia sẻ yêu thương giữa những con người theo tinh thần “Lá lành đùm lá rách” thì có muôn vàn cách khác nhau. Các bạn trẻ của thời đại 4.0 cũng có cách chia sẻ riêng của họ.
Lalas đoạt giải Dự án sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất
Phần mềm Lalas: làm từ thiện bằng cách xem quảng cáo
Bắt đầu từ mong muốn giúp đỡ bạn bè, Nguyễn Lê Thiện Nhân, sinh viên công nghệ thông tin, cùng nhóm bạn đã xây dựng phần mềm Lalas. Môi trường này kết nối những chủ thể chính trong hoạt động thiện nguyện bao gồm: những người có tấm lòng, những người có khả năng tài chính, và những người cần giúp đỡ.
Đối tượng chính sử dụng phần mềm Lalas đa phần là sinh viên của các trường đại học. Họ không có nhiều tiền nhưng có thể tạo ra nguồn tiền bằng cách xem quảng cáo. Mỗi một quảng cáo từ 15-30 giây được xem đồng nghĩa với việc một hoàn cảnh khó khăn sẽ được giúp đỡ bằng một phần kinh phí tương ứng.
Giao diện Lalas
Đối tượng thứ hai là các doanh nghiệp. Họ đưa sản phẩm marketing là các video clip quảng cáo vào môi trường Lalas để nơi đây trở thành một kênh thông tin kết nối với khách hàng tiềm năng. Tỷ lệ tiếp cận với người tiêu dùng càng cao, đồng nghĩa với tỷ lệ thành công của chiến dịch marketing càng lớn, thì họ sẽ tài trợ kinh phí tương ứng vào các chương trình từ thiện mà người tiêu dùng lựa chọn.
Đối tượng thứ ba là những người có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Vì hoạt động chính trong môi trường đại học nên các hoàn cảnh này đa phần đều do Đoàn trường xác minh, và làm video clip nhân vật để giới thiệu đến cộng đồng thiện nguyện dùng Lalas. Chương trình giúp đỡ bao gồm thông tin giới thiệu hoàn cảnh nhân vật, các khoản tiền cần sử dụng, sử dụng để làm gì và phản hồi của nhân vật sau khi được giúp đỡ đều được cập nhật công khai, minh bạch trên trang chính của Lalas.
Cộng đồng làm từ thiện trực tuyến Lalas ủng hộ chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh
Có thể nói, Lalas là nơi phân phối sản phẩm quảng cáo đến người tiêu dùng, cũng là nơi làm nền cho hoạt động thiện nguyện gắn với thời đại công nghệ 4.0, thỏa mãn về động lực kinh tế lẫn mục tiêu hoạt động vì xã hội cho doanh nghiệp. Tiềm năng của Lalas dựa trên 19.000 tài khoản đã tải ứng dụng, trong đó khoảng trên 1.000 tài khoản xem quảng cáo mỗi ngày, đóng góp được trên 100 triệu đồng cho công tác thiện nguyện trong thời gian hoạt động 1 năm.
Qua chương trình Khoảnh khắc cuộc đời, với sản phẩm công nghệ đầy tính nhân văn của mình, Nguyễn Lê Thiện Nhân đã gửi thông điệp đến cộng đồng bạn trẻ, những người xem thiện nguyện là trách nhiệm xã hội của bản thân, rằng, “Mỗi người cố gắng làm việc nhỏ sẽ tạo nên việc lớn, nhưng hàng ngàn người làm việc nhỏ sẽ tạo nên điều vĩ đại”.
Facebook Saigon Ùm: cùng nhau hướng đến cộng đồng
Saigon Ùm là trang facebook vô cùng nổi tiếng trong giới trẻ. Được thành lập với mục tiêu ban đầu là chia sẻ sở thích ăn uống giữa những người bạn, đến nay Saigon Ùm đã chia sẻ thông tin cho trên 500.000 người, mà lực lượng hoạt động chính là sinh viên năm 3-4 và những người mới đi làm.
Những con người đến từ khắp các vùng miền, mang hình ảnh và hương vị của những món ăn làm quà trao nhau. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh được ưu ái với muôn vàn địa chỉ thân quen. Từ hàng quán nổi tiếng quen thuộc đến những gánh hàng rong trong những con hẻm nhỏ ngang dọc thành phố với những cái tên bình dân thân thiện ‘tô cháo lòng bà Bảy, ‘hủ tiếu gõ ông Tư’. Cái sôi động của thế giới ẩm thực thành phố được các bạn trẻ thu nhỏ, đưa về trang mạng phẳng, khiến Saigon Ùm trở thành tấm bản đồ sống động, làm “kim chỉ nam” chính xác dẫn đường cho những tâm hồn ăn uống.
Bùi Vĩnh Thế, quản trị trang facebook Saigon Ùm
Bùi Vĩnh Thế, với sở trường về công nghệ thông tin, được trao nhiệm vụ quản trị trang khi anh gia nhập cộng đồng này. Theo anh chia sẻ, Saigon Ùm đã trở thành môi trường giao tiếp rất thật, thể hiện văn hoá tinh thần của những người tham gia. Không chỉ hiểu biết về món ăn, những hiểu biết về con người đã trở thành nhịp cầu tình yêu cho rất nhiều bạn trẻ trong đời thật.
Nghệ sĩ nhân dân Kim Xuân bày tỏ sự tâm đắc với những giá trị mà Saigon Ùm đem lại cho mình
Cái thật đó đã thôi thúc Vĩnh Thế quản trị trang theo hướng xây dựng cộng đồng văn minh. Trao đổi giữa các thành viên phải tôn trọng nguyên tắc “Văn minh mạng”. Đó là luôn lịch sự, tôn trọng ý kiến cá nhân và không có thái độ xúc phạm đến người khác. Mỗi một địa điểm hàng quán được giới thiệu sẽ luôn đi kèm với thông điệp bảo vệ môi trường. Ví dụ ở quán trà sữa thì hạn chế ly nhựa, ống hút nhựa, những địa điểm dạo chơi công cộng thì không xả rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan chung.
Môi trường của Saigon Ùm cũng có nhiều sân chơi cho trẻ em, những lớp học hướng nghiệp cho người lớn để mưu sinh. Và đặc biệt là nơi chia sẻ về những câu chuyện, số phận con người phía sau những mẹt rau, tô bún, bịch chè, gói khoai lang chiên... Những câu chuyện được cộng đồng cùng nhau chia sẻ, cùng nhau hành động, ủng hộ và giúp đỡ cho những người lao động chân chính “đói cho sạch rách cho thơm”, đem tình người lan toả đến thế giới bên ngoài trang mạng.
Từ một lần chăm sóc mẹ trong bệnh viện. Cảm nhận tình người và trách nhiệm với cộng đồng từ những con người xa lạ, qua những giọt máu đã được hiến tặng để cứu sống mẹ mình, Bùi Vĩnh Thế hiểu rằng, anh đã trở thành một người như họ, bước tiếp trên con đường hành động hướng đến cộng đồng và vì cộng đồng.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi