Từ khi ra đời, chiếc khăn rằn chỉ là một vật dụng giản đơn của người dân Việt đi mở đất. Tồn tại và gắn bó hơn trăm năm, nó đã trở thành một nét văn hóa bản địa, biểu trưng cho con người Nam bộ, góp phần làm giàu hơn bản sắc văn hóa Việt.
Nghề và làng nghề là kết tinh của văn hóa nông nghiệp
Sự hiện diện của những làng nghề nước ta là kết tinh văn hóa đặc sắc từ nền văn minh nông nghiệp đã trải qua ngàn năm. Để đảm bảo cho mọi nhu cầu cuộc sống, người nông dân đã truyền đời chế tác các công cụ, vật dụng ngày một tiện ích, tinh xảo và mỹ thuật.
Từ đó, nghề và làng nghề ra đời, cuộc sống ngày càng đa dạng, phong phú thì nghề và làng nghề ngày một chuyên sâu, người thợ trở thành những nghệ nhân, thành người nắm giữ bí quyết của một nghề nào đó.
Cuối tuần qua trên kênh HTV9, khán giả có dịp tìm hiểu những thông tin thú vị về một làng nghề tồn tại trên trăm năm ở vùng đất cực Nam của nước ta - làng dệt Long Tả.
Chiếc khăn rằn gắn liền với hình ảnh mộc mạc của người dân Nam bộ
Chiếc khăn rằn và chiếc áo bà ba là hai vật trang mang tính biểu trưng cho hình ảnh mộc mạc, bình dị mà lại rất đáng yêu của người phụ nữ Nam bộ. Trong những năm chiến tranh, chiếc khăn rằn còn gắn liền với hình ảnh những chiến sĩ du kích quân miền Nam.
Cho dù đến nay, những người thực hiện bộ phim chưa tìm thấy những tài liệu đáng tin cậy nào cho biết chính xác nguồn gốc, xuất sứ của chiếc khăn rằn, nhưng có một làng nghề chuyên dệt nên chiếc khăn này - đó là làng dệt Long Tả. Đến nay, làng vẫn liên tục hoạt động hơn trăm năm qua nhưng rất ít người biết đến, kể cả những người sinh sống ngay trên Đồng bằng sông Cửu Long.
Phải chăng làng dệt Long Tả có mối liên hệ làng dệt Tân Châu nức tiếng?
Thật khó để hình dung vùng đất cồn bãi nằm trên đầu nguồn sông Tiền, sát biên giới Campuchia, thuộc cù lao Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lại là quê hương của một làng dệt lâu đời như thế.
Theo truyền khẩu dân gian, trước khi trở thành làng nghề chuyên dệt khăn rằn, Long Tả xa xưa là làng dệt lụa tơ tằm với mặt hàng chính là Lãnh Mỹ A (tên một sản phẩm lụa độc đáo).
Sử cũ cho biết nghề dệt từng có mặt ở vùng đất này rất sớm với làng dệt Tân Châu nức tiếng sầm uất, nằm đối diện bên bờ Nam sông Tiền. Phải chăng sự ra đời của làng dệt Long Tả là có liên hệ với nghề dệt của đất Tân Châu!? Phải chăng, trong thời kỳ thịnh vượng, sự mở mang của nghề dệt lụa Tân Châu đã lan truyền đến đây!?
Có nhiều làng nghề còn lưu lại trên đất cù lao dọc sông Tiền
Ngược dòng lịch sử về năm 1699, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm thống binh sang dẹp loạn cuộc tranh ngôi trong Hoàng gia Chân Lạp.
Tháng 4/1700, sau khi dẹp yên, Nguyễn Hữu Cảnh kéo đại quân về nước theo đường sông Mê Kông, cuộc dừng quân không định trước này còn lưu lại trên đất cù lao dọc sông Tiền nhiều làng nghề, vốn là hậu cần trong quân thuở ấy, như: làng rèn Phú Tân, làng mộc Chợ Mới, làng dây thừng Mỹ Hội Đông, làng lụa Tân Châu...
Nhiều năm sau tháng 4/1975, làng dệt Long Tả vẫn còn dệt bằng máy dệt thủ công khung gỗ. Thời điểm đất nước còn bao cấp rất khan hiếm hàng hóa, nên làng nghề vẫn ăn nên làm ra.
Bà Út Bình và những chiếc khăn rằn mang tình cảm trân quý
Trong những năm chiến tranh biên giới Tây Nam, có một người phụ nữ ở tận mũi Cà Mau đã trở thành người mẹ, người chị thân thương của bộ đội tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia, đó là bà Út Bình - nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Minh Hải (Bạc Liêu và Cà Mau ngày nay).
Trong suốt 9 năm giúp bạn, bà Bình có đến 17 chuyến sang Campuchia để ủy lạo, động viên chiến sĩ và cán bộ tình nguyện. Món quà thân thuộc của bà Bình mỗi chuyến đi luôn được cán bộ và chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trân quý, là những chiếc khăn rằn. Làng dệt Long Tả cũng đã trải qua một khoảng thời gian khủng hoảng từ những năm 2000 đến 2012, trước khi tìm được lối đi cho riêng mình.
Làng dệt Long Tả đã tìm được lối đi riêng và ngày một phát triển
Nhờ có sức trẻ và sự sáng tạo, đi cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp, tất cả các công đoạn dệt đều chuyển từ thủ công sang cơ khí hóa, bao gồm làm chỉ, nhuộm màu đến dệt. Năng suất lao động tăng cao gấp 3-4 lần so với trước, mỗi năm sản xuất hơn 1,5 triệu sản phẩm cung ứng cho Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và Campuchia.
Càng về sau, các sản phẩm của làng dệt Long Tả càng đa dạng hơn về màu sắc, kích cỡ, chủng loại để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Từ một vật dụng giản đơn của người dân Việt đi mở đất, qua hơn trăm năm phát triển, chiếc khăn rằn giờ đây đã trở thành một nét văn hóa bản địa, biểu trưng cho con người Nam bộ, góp phần làm giàu có hơn bản sắc văn hóa Việt.
Thiên Bình