“Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”

“Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” là một trong những thông điệp của tháng hành động vì trẻ em năm 2019. Hưởng ứng tinh thần đó, “Khoảnh khắc cuộc đời” giới thiệu những tấm gương yêu thương và hành động vì tương lai của trẻ.


Chị Hà Ngọc Nga

Trong xã hội hiện đại, trẻ em không thiếu cơm ăn, áo mặc và tình yêu thương của cha mẹ là phổ biến. Nhưng theo một nghiên cứu của UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc), thì 8-29% trẻ vị thành niên ở Việt Nam đang mắc phải những căn bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần. Vì sao lại như vậy? Đó là nỗi trăn trở của chị Hà Ngọc Nga – cựu nhà báo – là khách mời của chương trình Khoảnh khắc cuộc đời – tập 27.

Từng là nhà báo chuyên nghiệp của một tờ báo phụ nữ và trẻ em, chị luôn đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên, nhưng không giải pháp nào đủ sức thuyết phục cho đến khi chị phát hiện ra khái niệm “Hội chứng thiếu hụt thiên nhiên của trẻ em” trong cuốn “Những đứa trẻ cuối cùng trong rừng” của một nhà báo Mỹ.

Đô thị phát triển, môi trường sống bị bê tông hóa, lịch học dày đặc,… cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên của trẻ em thành thị ngày càng ít đi gây nên hội chứng thiếu hụt thiên nhiên. Hậu quả nhiều mặt của căn bệnh này là cận thị, béo phì, loãng xương về thể chất, thiếu sáng tạo về trí tuệ, nhút nhát, rụt rè và không kiên nhẫn trong tính cách.

Khi còn là một phóng viên, chị đặc biệt gắn bó với chiếc điện thoại để xử lý nghiệp vụ đến nỗi không có thời gian quan tâm đến điều mà con chị yêu thích và háo hức chia sẻ. Đó không phải là chiếc áo đẹp, bữa cơm ngon hay bài toán khó, mà là xúc cảm về thế giới mà bé tạo ra bằng trí tưởng tượng.

Con trẻ hụt hẫng. Tuổi thơ của bé dường như đang được xây dựng trên một lâu đài cát có thể sụp đổ bất cứ lúc nào vì sự lãnh đạm của người lớn. Chị chợt nhận ra, đứng trước chị là đứa con đang cần được lắng nghe, một đứa trẻ đang cần có bàn tay giúp sức. Đó là khoảnh khắc cuộc đời của chị, cũng là lúc chị quyết định dừng công việc mà mình vô cùng yêu thích để có trách nhiệm với tuổi thơ của con, tổ chức lại cuộc sống và cho ra đời dự án “dắt trẻ đi chơi”, san sẻ nỗi lo với những phụ huynh khác cùng cảnh ngộ. 

Không gian để các bé đến chơi là khu bảo tồn tre, những khu vườn xanh mướt thảm thực vật với những dòng suối róc rách chảy ngang qua... Ở đó, các bé sẽ được học kỹ năng băng bó, cách ứng xử với rác thải và tái chế chất thải, thu hoạch rau củ, tìm hiểu về đời sống sinh vật... và được “mẹ thiên nhiên” nuôi dưỡng tinh thần, thể chất và trí tuệ của mình.


Chị Nga với dự án “Dắt trẻ đi chơi”

Chia tay với nghề báo chị đã cống hiến bằng cả tuổi trẻ để hoàn thiện mục tiêu sống mà chị lựa chọn - là gia đình, con cái, sức khỏe và giá trị sống của bản thân – chị đã tạo ra một giá trị sống mới cho cộng đồng, đó là “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”.

Trong thời đại mà hình ảnh những đứa trẻ dán mắt vào màn hình điện thoại trở nên phổ biến thì việc xây dựng văn hóa đọc là vô cùng cần thiết. Văn hoá đọc thể hiện ở ba thành tố, thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Một giáo viên ở trường ngoại khoá dành cho trẻ từ 4-11 tuổi , cô Phạm Thị Ngọc Hà, đã chọn làm những chương trình về đọc sách cho trẻ em, để xây dựng văn hoá đọc cho học sinh của mình ngay từ những bài học đầu tiên.


Cô giáo Phạm Thị Ngọc Hà, người làm chương trình đọc sách cho trẻ em

Câu chuyện ấy được chia sẻ với đạo diễn Vũ Thành Vinh trong Khoảnh khắc cuộc đời – tập 25. Chúng ta như được trở về một thị trấn nhỏ, nơi có một em bé rất thích đọc sách. Các cuốn sách trong tiệm sách nhỏ đã được em đọc hết mà vẫn không thể thoả mãn đam mê cho đến năm 10 tuổi, khi được chuyển lên thành phố học. Từ trải nghiệm bản thân, cô Ngọc Hà mong muốn đem thật nhiều sách đến bên các em, để sách trở thành người bạn thân thiết, giúp các em cảm nhận cuộc sống tinh thần mà bao thế hệ con người đã gởi gắm. 

Bắt đầu từ việc tạo môi trường đọc thân thiện. Sách sẽ được trưng bày sao cho các tất cả các trang bìa được đưa ra ngoài, thu hút và hấp dẫn các em. Các em có thể ôm cuốn sách của mình mà đọc ở mọi tư thế, ngồi trên ghế lười hoặc nằm lăn ra nền nhà được trải thảm mềm mại. 


Môi trường đọc thân thiện

Tiếp theo là tạo “thói quen đọc” cho trẻ. Quá trình này phải thực hiện qua nhiều bước như chọn mua sách phù hợp với từng lứa tuổi, tạo hứng thú để trẻ yêu thích các cuốn sách, cách tương tác khi đọc cùng trẻ... Tuy nhiên, đây là việc đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn của người lớn, giống như việc tưới nước cho cây phát triển mỗi ngày. 

Bằng giọng nói trong trẻo, cô đã thị phạm cách dạy cho trẻ đọc cuốn sách “Bà ngoại yêu dấu” mà cô đem đến buổi toạ đàm. Trẻ đọc sách không chỉ bằng ngôn ngữ viết mà còn qua hội hoạ, bằng cách quan sát các chi tiết thể hiện trong tranh để rút ra ngữ cảnh của câu chuyện. “Kỹ năng đọc” của cô đang hướng đến mục tiêu cao nhất là đọc có hiệu quả, nắm được vấn đề cốt lõi và biết vận dụng những điều đã học được vào cuộc sống. 

Chỉ cần nhìn vào những đôi mắt ngây thơ, đau đáu nhìn mình đọc truyện, cô Ngọc Hà như được truyền thêm động lực để tiếp tục con đường thay đổi văn hoá đọc. Trong môi trường thân thiện, thói quen và kỹ năng đọc của các em sẽ dần dần được rèn luyện và hình thành sở thích đọc của riêng mình. Đó cũng là hành động thiết thực để đưa các em đến với một xã hội học tập và học tập suốt đời. 

Bên cạnh việc đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn, dạy trẻ còn là quá trình đồng hành, lắng nghe và trao đổi để phát hiện những tư chất bẩm sinh, làm tiền đề để bồi dưỡng năng khiếu sớm cho trẻ. Chị Ngọc Nga, là thành viên của đại gia đình sáu đời nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật cải lương, là mẹ của bé Kim Thư - diễn vai bé Nắng trong bộ phim cùng tên, đã kể về một hành trình như thế trong chương trình Khoảnh khắc cuộc đời – tập 26. 


Chị Ngọc Nga và diễn viên nhí Kim Thư

Trong một dịp tập bài tân cổ “Chuyến đò quê hương”, chị phát hiện bé Kim Thư, khi ấy mới hai tuổi, nhưng đã thuộc và hát được cả bài bằng cái giọng ngọng ngịu trẻ con. Rồi một lần đưa con đi diễn vai tiểu hồ ly, lúc bé vẫn còn chưa biết chữ, chị lại bất ngờ trước khả năng nhập vai, nhớ và đáp ứng tốt những thay đổi mà đạo diễn đưa ra. Khi chị khẳng định con mình có năng khiếu thật sự thì đó cũng là một khoảnh khắc trong cuộc đời của chị. 

Từ khoảnh khắc đó, chị tình nguyện trở thành “trợ lý” cho con, giúp con học kịch bản bằng phương pháp truyền miệng, trở thành bạn diễn của con để bé nuôi dưỡng cảm xúc, thể hiện vai diễn thật tốt. Thành công của con là niềm vui và hạnh phúc mẹ, chị cảm thấy cuộc đời mình đã được tròn đầy qua từng vai diễn của Kim Thư. 


Chị Ngọc Nga và bé Kim Thư diễn trích đoạn ngắn vai Lý Đạo Thành

Tuy là người phát hiện và hướng con theo nghiệp diễn viên, nhưng chị tôn trọng quyết định của con nếu Kim Thư muốn bước sang một lĩnh vực nghề nghiệp khác. Đó là lời bộc bạch của chị Ngọc Nga với Hamlet Trương, người kết nối chương trình. 

Tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho trẻ luôn là nỗi niềm của các bậc phụ huynh. Tuy không phải năng khiếu nào cũng phát triển thành tài năng hoặc trở nên nổi tiếng, nhưng nếu được phát hiện sớm, các em sẽ được dạy và học có định hướng, phát huy tốt nhất thế mạnh sẵn có, hướng đến tương lai mà ở đó các em có thể làm chủ cuộc đời theo cách mà các em mong muốn. 

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Phạm Nhi