Đẩy mạnh công nghệ chế biến là một trong những hướng đi không chỉ giúp “giải cứu” nông sản, mà còn giúp nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam.
Một trong những nhà sản xuất đi theo xu hướng đẩy mạnh công nghệ chế biến nông sản là anh Lê Duy Toàn, người sáng lập thương hiệu Mr.Rice
Duyên nợ với hạt gạo quê hương
Lớn lên trên đất quê Củ Chi trong gia đình có truyền thống làm bánh tráng, từ nhỏ Toàn đã tham gia vào quy trình sản xuất “chiều ngâm gạo - khuya xay bột, tráng bánh - ngày nắng phơi, mưa chạy”. Được tính là nhân lực sản xuất bắt buộc trong gia đình, Toàn không thích cách làm thủ công cực nhọc, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, cũng như cái mùi bột gạo đã thấm vào người tự lúc nào.
Đến khi du học ở Mỹ, phát hiện sản phẩm bánh tráng quê hương được bày bán trên quầy hàng của các siêu thị châu Á, với dòng chữ “made in Thailand”, Toàn đã khát khao đem thương hiệu bánh tráng Việt Nam đến đất nước xa xôi này.
Một ước mơ trả lại tên “made in Vietnam” cho bánh tráng mà hành trình kéo dài đến 10 năm. Từ bỏ mục tiêu làm việc ở nước ngoài, anh trở về quê chinh phục sản phẩm chế biến từ hạt gạo mà anh từng muốn thoát ly.
Cũng mất vài năm sau khi về nước, chật vật trên con đường khẳng định thương hiệu và đưa sản phẩm ra thị trường. Đến nay, doanh nghiệp của anh (Duy Anh Foods) không chỉ có mặt hàng bánh tráng mà còn có bún, phở, miến,... những sản phẩm đa phần chế biến từ hạt gạo. Công suất nhà xưởng lên đến 15 tấn mỗi ngày với gần 50 loại sản phẩm, giải quyết việc làm cho 180-200 lao động, phân phối 70% cho xuất khẩu và 30% cho thị trường trong nước.
Đa dạng hóa sản phẩm
Sau đại dịch covid lần một, cũng là mùa nông sản ế ẩm, dư thừa và mất giá do đóng cửa xuất khẩu. Trong khi nông dân hoang mang tìm kiếm nơi tiêu thụ, người dân vận động nhau đi giải cứu từng kg trái cây nhỏ lẻ, thì doanh nghiệp của anh Toàn tham gia giải cứu trên quy mô công nghiệp bằng cách làm ra các sản phẩm có thành phần từ rau củ.
Từng có kinh nghiệm làm mì, bánh tráng với cà rốt, củ dền, nghệ, bó xôi… bún dưa hấu và bánh tráng thanh long là hai sản phẩm mới tiêu biểu, ra đời trong sự chào đón nồng nhiệt của người tiêu dùng. Khỏi phải nói về độ “đắt hàng” của sản phẩm bởi nó đáp ứng được tiêu chí mới lạ đối với thị trường, lại mang ý nghĩa giúp đỡ cho người nông dân. Nó cũng là lời giải cho thách thức phải luôn sáng tạo sản phẩm mới của doanh nghiệp.
Sản phẩm “bánh tráng thanh long”
Nhờ có chế biến sâu, thanh long và dưa hấu không còn là mặt hàng buộc phải xuất tươi, mà đã trở thành nguồn nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chế biến từ nông phẩm có giá trị cao và thời hạn sử dụng dài hơn. Các khu vực trồng hai loại trái cây này cũng trở thành vùng nguyên liệu sẵn có trong nước phục vụ sản xuất.
Nâng cao giá trị nông sản Việt
Một sản phẩm được xuất khẩu phải đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu và luật lệ của nước nhập khẩu. Mong muốn của Toàn là chinh phục thị trường Mỹ trước tiên, nhưng dịp may lại cho bánh tráng quê anh đến với đất nước có quy chuẩn khắt khe nhất nhì thế giới về thực phẩm, đó là Nhật Bản.
Qua mai mối của công ty du lịch, du khách Nhật Bản đã đến thăm cơ sở sản xuất của nhà anh như một đại diện cho làng nghề ở Phú Hòa Đông. Những xấp bánh tráng trao tay làm quà tặng đã thu hút các nhà kinh doanh Nhật. Họ cử chuyên gia phối hợp, giám sát nghiêm ngặt tiêu chuẩn chất lượng trong quy trình sản xuất và thành phẩm làm ra về độ dày, màu sắc, hương vị… để cuối cùng bánh tráng Củ Chi đã vào được Nhật Bản.
Anh Toàn bên quầy trưng bày các sản phẩm chế biến từ nông sản
Đến nay, sản phẩm của Duy Anh Foods đã có mặt trên 42 quốc gia, trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc… là những nước nhập hàng nhiều nhất. Sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ và ISO 2000… đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng đến từ những vùng lãnh thổ và văn hóa khác nhau.
“Theo cách làm truyền thống, giá trị của bánh tráng phân phối trong nước thấp thôi, khoảng mười mấy ngàn đồng một kg. Bây giờ nâng cao chất lượng, bán giá cao hơn cho xuất khẩu, vừa cải thiện đời sống kinh tế, vừa làm cho sản phẩm của Việt Nam được nhiều người biết đến”, anh Toàn cho biết.
Trên phương diện quản trị kinh doanh, yếu tố quyết định để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài là sự ổn định về chất lượng và giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các sản phẩm cùng nhóm như bún, phở, miến… cũng trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, vì các nhà nhập khẩu nước ngoài chỉ cần lấy hàng từ một nơi mà không phải tốn công đặt nhiều chỗ.
Anh Toàn giới thiệu mặt hàng cho người tiêu dùng
Năm 2016, bánh tráng “made in Việt Nam” vào được thị trường Mỹ. Mặc dù đã bán sản phẩm ra nhiều nước châu Á nhưng khi vào đến Mỹ, Toàn vẫn cảm thấy thích nhất, vì khách hàng đã có thể hiểu đúng về xuất xứ của bánh tráng gắn liền với Việt Nam, như mong ước của anh 10 năm về trước.
Liên tiếp mở rộng thị trường quốc tế là sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp cũng như là niềm tự hào của dân tộc. Tri ân “hạt gạo và sản phẩm từ gạo”, anh Duy Toàn còn cho khách du lịch tham quan và kể họ nghe “câu chuyện bánh tráng” gắn bó với lịch sử vùng đất quê anh, câu chuyện đã làm đẹp cho sản phẩm Việt, sản xuất bởi người Việt.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi