Lê Nguyễn Trường Giang – Tôi biết mình có trách nhiệm truyền nghề cho gia tộc

Nhiều lúc tôi cảm thấy cái gánh trên vai mình nặng lắm. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy bị áp lực. Bởi hơn ai hết tôi hiểu dòng máu đang chảy trong người tôi là dòng máu của đại gia tộc cải lương tuồng cổ Minh Tơ – Thanh Tòng.


Lê Nguyễn Trường Giang trong vở “Phi Long báo phu cừu”

Gian nan ngày mới vào nghề

Tôi là thế hệ thứ năm được sinh ra và lớn lên trong đại gia tộc cải lương tuồng cổ Minh Tơ – Thanh Tòng. Máu nghề đã ăn sâu vào tiềm thức tôi từ thuở chưa lọt lòng. Tuổi thơ tôi chìm ngập trong những bộ đồ sân khấu lộng lẫy, lấp lánh kim tuyến đủ màu sắc. Những câu ca, bộ diễn, vũ đạo đã nuôi lớn tâm hồn tôi bên những mái đình làng mùa lễ hội Kỳ Yên. 

Tuy được học nghề từ bé nhưng tôi vẫn thi vào trường Sân khấu – Điện ảnh, khoa Diễn viên cải lương để học hỏi thêm và tốt nghiệp ra trường đúng vào thời điểm khó khăn nhất của bộ môn nghệ thuật này. Hầu hết các rạp cải lương như Hưng Đạo, Thủ Đô, Kim Huê, Công Nhân… đều không sáng đèn mấy năm liền. Người ta nói có lẽ cải lương đã chết. 

Tôi bị ám ảnh bởi cụm từ: “Cải lương đã mai một theo thời gian”. Một thời vàng son của tiền nhân đã đi qua, những ánh hào quang sân khấu của các cô chú, anh chị tôi đã nếm trải… nhưng đến thế hệ của tôi thì “mai một…”. Suốt khoảng hai, ba năm sau khi  tốt nghiệp, tôi chưa từng được đứng trên sân khấu hát tuồng.


Vai Chu Du trong vở tuồng cổ cùng tên

Tôi đã khấn Tổ nghiệp cho tôi được mưu sinh trong nghệ thuật

Từ năm 2010 – 2013, tôi làm trợ lý phim truyền hình (Bông hồng cho tướng cướp, Tiếng đàn bầu, Tiếng tơ đồng, Trúng số,…) và tham gia dạy các lớp diễn xuất ở các công ty truyền thông, cho thuê phục trang sân khấu, mở shop bán hàng online trên mạng,... Tôi quần quật làm tất cả những công việc có thể kiếm ra tiền. Thu nhập cũng tạm ổn nhưng nỗi khát khao được đứng trên sân khấu diễn tuồng luôn cháy bỏng trong tôi. 

Có đêm tôi nằm mơ thấy mình mặc giáp trụ uy nghi đứng trên sân khấu diễn chung với các cô chú, anh chị trong gia tộc. Tôi giật mình thức giấc trong khoảng trống bao la của màn đêm rồi thẩn thờ bước qua đình Thái Hưng – ngôi đình truyền thống nhiều đời của gia tộc. 

Mái đình này đã chứng kiến bao mùa thịnh suy của gia tộc tôi – những đứa trẻ được sinh ra từ đây, lớn lên học ca diễn tại đây và rồi tuổi già cũng về đây nương náu. Tôi đã nguyện với lòng sẽ tự thắp lên một ngọn đuốc nhỏ le lói giữa những ánh đèn màu rực rỡ của TP. Hồ Chí Minh hoa lệ.

Tôi tự thắp lên ngọn đuốc nhỏ cho riêng mình

Bằng những đồng tiền kiếm được trong lao động nghệ thuật và sự hỗ trợ của chị Lê Vy – một người bạn thân rất yêu mến cải lương, tôi đã mạnh dạn tổ chức chương trình: Đêm truyền nghề quy tụ những bạn trẻ yêu mến nghệ thuật cải lương tuồng cổ và sự hỗ trợ của các anh chị nghệ sỹ như: Tú Sương, Lê Thanh Thảo, Lê Hồng Thắm, Xuân Trúc, Điền Trung… Chúng tôi đã cùng nhau dàn dựng một sân khấu mang đậm màu sắc cải lương truyền thống của gia tộc. 

Sáu Đêm truyền nghề như thế đã trôi qua trong hai năm. Mỗi chương trình phải tập dợt từ một tháng rưỡi đến hai tháng. Huề vốn là thu nhập mong muốn của tôi nhưng thật ra chưa đêm nào được như vậy. Tất cả đều lỗ, không phải vì không có khán giả mà vì chi phí quá cao, trong khi giá vé rất bình dân, phù hợp với túi tiền của các bạn sinh viên. 

Tôi đã làm tất cả những việc mình có thể làm để kiếm tiền đầu tư cho những Đêm truyền nghề. Tôi tình nguyện là người kiếm củi để giữ cho bếp lửa nhỏ được cháy sáng, sưởi ấm niềm đam mê và thỏa mãn khao khát được đứng trên sân khấu.


Vai tướng trong một vở tuồng cổ

Gameshow đã mở ra một cánh cửa mới cho cải lương

Tôi nhận thấy gameshow truyền hình là một cơ hội để thỏa mãn niềm đam mê được đứng trên sân khấu và đưa cải lương đến gần với khán giả trẻ hơn. Tôi đã mạnh dạn tham gia chương trình Giọt nắng phù sa của HTV và Sao nối ngôi. Tôi dồn hết tâm lực vào hai chương trình này và may mắn được giải nhì Giọt nắng phù sa và Quán quân Sao nối ngôi

Cảm ơn Tổ nghiệp đã cho tôi cơ hội đưa bộ môn nghệ thuật cải lương lên sóng truyền hình qua các vai: Kim Đồng, Phạm Cự Chích, Lý Đạo Thành, Trích đoạn Bức ngôn đồ Đại Việt, Bão táp nguyên phong… và một số trích đoạn tôi tự viết như: Tâm nghiệp, Trường tương tư cuối cùng, Ngọc người.

Hiện nay tôi vẫn làm nhiều việc. Bạn bè hay trêu đùa: “muốn gặp Giang không phải dễ”. Đúng là nếu muốn gặp tôi để ăn chơi thì hơi khó chớ khi nghề cần là tôi sẵn sàng dấn thân. Vì tôi sống cho sân khấu cải lương, cho đam mê và phải gánh vác trách nhiệm truyền nghề cho gia tộc. 

Nhiều lúc tôi cảm thấy cái gánh trên vai mình nặng lắm… Nhưng gánh càng nặng thì nhiệt huyết càng tăng. 

Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị áp lực bởi hơn ai hết tôi hiểu dòng máu đang chảy trong người tôi là dòng máu của đại gia tộc cải lương tuồng cổ Minh Tơ – Thanh Tòng.


Vào vai Nguyễn Phục trong vở “Bức ngôn đồ Đại Việt” 

Lê Nguyễn Trường Giang (Kim Thúy ghi)