“Có lẽ tôi chưa đủ duyên để tỏa sáng sân khấu như các ngôi sao lớn, nhưng tổ nghiệp đã bù lại bằng cách cho tôi cái duyên truyền nghề, trao cảm hứng, biên đạo dàn dựng các vở diễn…”
Trong vở diễn “Thầy Ba Đợi”
Gần mười năm vừa làm trò vừa làm thầy
Tám năm học trường sân khấu và bốn năm học trường múa, tôi có gần mười năm vừa làm trò vừa làm thầy. Có lẽ tôi chưa đủ duyên để tỏa sáng sân khấu như các ngôi sao lớn, nhưng Tổ nghiệp đã bù lại bằng cách cho tôi cái duyên truyền nghề, trao cảm hứng, biên đạo dàn dựng các vở diễn.
Tôi kết hợp giữa nghệ thuật múa và vũ đạo cải lương để tạo ra nét riêng cho mình. Nghệ thuật múa hiện đại rất cần những kỹ thuật truyền thống, mà vũ đạo truyền thống muốn mềm mại, uyển chuyển thì phải kết hợp một chút múa. Tôi mê say kết hợp giữa các giá trị nghệ thuật truyền thống và hiện đại, trao truyền tâm huyết cho thế hệ trẻ yêu mến bộ môn nghệ thuật cải lương.
Trích đoạn “Mẹ” diễn ở Cộng Hòa Sec trong một chuyến lưu diễn Châu Âu
Nghệ sĩ đa năng
Bản thân tôi cũng phải làm nhiều nghề lắm: đi hát, dạy học, làm hóa trang, dàn dựng chương trình, biên đạo múa, đạo diễn… Tôi bắt buộc sinh viên của tôi phải học hai nghề, tạo điều kiện cho các em học hai trường. Bởi hơn ai hết, tôi biết con đường này vất vả, chông gai lắm… Nếu chỉ có niềm đam mê thì không sống được với nghề, còn phải có duyên sân khấu và Tổ đãi nữa. Một lớp học ra trường có được mấy người theo nghề? Một thế hệ nghệ sĩ có được mấy ngôi sao?
Trời thương cho nghệ sĩ nhiều tài lẻ, nên lớp cao đẳng Diễn viên Cải lương khóa 6 tôi dạy năm (2007 – 2010), các em ra trường làm nghệ sĩ hát chầu, vào các đoàn Văn công, làm MC, ca sĩ, hóa trang, làm tóc, đóng kịch, đóng phim… Các em sống với nghề bằng sở trường của mình. Dù đứng trên sân khấu hay phía sau cánh gà thì các em vẫn được ăn cơm Tổ.
Trong nhiều năm làm nghề, tôi đã may mắn được dựng cho HTV các vở diễn: Núi Bà Đen, Một gánh tang bồng, Đêm trước ngày hoàng đạo, Đi tìm lời giải tội, Gió kiếm lưng đèo… và các tiết mục Vầng trăng cổ nhạc. Làm biên đạo và đạo diễn các tiết mục thi Chuông vàng vọng cổ cho các thí sinh như: Hồ Ngọc Trinh, Như Quỳnh, Ngọc Đợi, Thu Vân, Hồng Gấm… rồi các bạn nhờ tôi làm hóa trang luôn.
Hỗ trợ thí sinh trong trích đoạn “Câu thơ yên ngựa”, chương trình “Gương mặt thân quen nhí”
Tôi có duyên đứng sau cánh gà, nâng đỡ cho nghệ sĩ tỏa sáng
Các bạn thí sinh thi Chuông vàng vọng cổ hay nhờ tôi hóa trang và hay nói đùa rằng: “Anh Thảo hóa trang hên lắm đó, thế nào cũng có giải”. Tôi chỉ mỉm cười và cố gắng đứng sau cánh gà giúp các bạn làm mặt, làm tóc, chuẩn bị phục trang sao cho chỉnh tề, chu đáo nhất để các bạn thêm tự tin và có phần thi tốt.
Đôi khi có những tiết mục tôi làm đạo diễn dàn dựng, kiêm luôn hóa trang, làm tóc… Được làm đẹp cho nghệ sĩ và sân khấu là niềm vui lớn của tôi. Có vai nào hợp thì đóng luôn.
Tôi làm trợ lý cho NSƯT Hoa Hạ và biên đạo múa cho nhiều vở Ngân mãi chuông Vàng như: Đường gươm Nguyên Bá, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Ngao Sò Ốc Hến, Người tình trên chiến trận, Bóng hồng sa mạc, Sự tích cây uyên ương, Tâm sự Ngọc Hân…
Vừa hóa trang cho nghệ sĩ vừa hóa trang cho mình. Vài bạn thí sinh nói đùa rằng: “Anh Thảo ba đầu sáu tay”, nhưng tôi chỉ có hai tay, một cái đầu và một trái tim yêu nghệ thuật say mê mà thôi.
Phát quà từ thiện ở Cần Thơ
Làm từ thiện để cảm nhận giá trị cuộc sống
Kết hợp với công ty Hoàng Song Việt, tôi dàn dựng nhiều chương trình thiếu nhi cho con em nghệ sĩ nghèo, anh em làm hậu đài có gia cảnh khó khăn, gây quỹ ủng hộ nghệ sĩ nghèo, bệnh tật cần giúp đỡ.
Đồng hành cùng Đoàn 3 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và công ty Hoàng Song Việt, tôi dàn dựng chương trình cho nhóm Bầu trời xanh. Chương trình phi lợi nhuận, vừa là sân khấu tập cho các em làm nghề và nuôi dưỡng ý thức chia sẻ với cộng đồng, vừa có tiền vé thu được đưa vào công tác từ thiện.
Tôi còn tham gia nhóm Phật Tâm của ca sĩ Mỹ Hạnh chuyên hát lễ cho các chùa trong và ngoài nước, dàn dựng các đêm văn nghệ gây quỹ từ thiện. Tổ chức lễ Trung thu, phát quà tết cho bà con vùng sâu vùng xa. Sắp tới tôi có cơ hội đồng hành với hội Thiện Tâm Đan Mạch cùng kiều bào Đan Mạch và các nước trên thế giới phát quà từ thiện cho bệnh nhân nghèo ở một số tỉnh miền Trung và miền Tây.
Tôi làm từ thiện với niềm đam mê. Gieo duyên với nghề qua những chương trình dàn dựng, biểu diễn phi lợi nhuận. Được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều mảnh đời kém may mắn, tôi cảm nhận nhiều giá trị cuộc sống mà nghề nghiệp mang lại cho mình.
Tôi nhớ ai đó đã từng nói: “Cho đi là đã nhận lại rồi. Người cho phải mang ơn người nhận…”. Tôi cảm nhận sâu sắc giá trị của câu nói ấy bởi tôi từng trải qua cảm giác này nhiều lần trong đời. Khi trao đến ai một món quà thì niềm hạnh phúc an lạc dâng trào trong lòng mình gấp bội.
Lê Trung Thảo (Ngọc Liên ghi)