Rồng là một trong những linh vật mang nhiều ý nghĩa đối với người dân Việt Nam. Do đó, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 hứa hẹn mang đến nhiều điều bất ngờ cho người dân Thành phố và du khách, với các trung cảnh lẫn đại cảnh có diện tích "khủng".
Rồng là một linh vật linh thiêng, mang nhiều ý nghĩa trong văn hóa và nghệ thuật, tín ngưỡng lâu đời của người dân Việt Nam. Chính vì lẽ đó, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 hứa hẹn sẽ có nhiều sự khác biệt để xứng đáng với hình ảnh của linh vật Rồng.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 sẽ được chia thành ba phân đoạn, như ba tổ khúc trong bản hòa âm sắc màu đa cung bậc, từ khúc thoại đầu “Nguồn cội quê hương” đến quãng cao trào “Băng sông vượt biển” và khúc hạ màn “Vươn mình hội nhập”. Ngôn ngữ chủ đạo được thể hiện xuyên suốt Đường Hoa Tết năm nay là yếu tố truyền thống văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của người Việt hòa điệu cùng bản sắc văn hóa vùng đất phương Nam.
Một số hình ảnh về các đại cảnh và trung cảnh tiêu biểu của Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024:
Khu vực Thuyền Rồng lớn và Thuyền Rồng nhỏ lấy cảm hứng từ lễ hội đua thuyền
“Thuyền rồng hoa xuân” chiếm trọn bề ngang Đường hoa và bao phủ phần diện tích lên đến 900 m2 .
Đại cảnh “Nhất đại Thăng Long” gây ấn tượng với linh vật Rồng "siêu khổng lồ"
Vào buổi tối, linh vật Rồng càng trở nên huyền ảo với ánh đèn bắt mắt
"Mắt kính Rồng" với vị trí ghế ngồi là trọng tâm mắt rồng sức chứa 3 đến 4 người, lưng ghế là cặp lông mày và đôi mắt xếch
Đại cảnh “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen) gồm hai con Rồng lớn ở khu vực cổng chào
Mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên Đường hoa, với độ dài hơn 100m và kích thước vòng đầu hơn 2m.
Khu vực cổng chào lung linh màu sắc khi lên đèn
Trung cảnh “Cửa chín rồng” gồm chín ghế rồng mang tên chín cửa của sông Cửu Long
Trung cảnh “Lễ hội mùa xuân” và “Mây thủy tinh” gồm 5 chiếc quạt vàng, hồng đậm có đường kính dao động từ 13m đến 18m
Duy Dương