Star wars không đơn độc giữa “phiên toà”, rất nhiều bom tấn khác đang cùng chờ chịu án. Back to the future (Trở về tương lai) chẳng hạn.
Bộ phim khoa học này hàng thập niên qua đã khiến người xem bối rối vì một chi tiết phi khoa học. Khán giả đều biết Marty McFly từng “quậy banh” phòng thí nghiệm của tiến sĩ Brown. Chính là cái phòng thí nghiệm đặt cạnh thùng rác Burger King ấy.
Vậy mà, khi tiến sĩ Brown tiết lộ về cỗ máy thời gian, Marty lại giật mình hoảng hốt, khẳng định cậu chẳng biết gì. Câu hỏi đặt ra là: Brown chế tạo cỗ máy thời gian ở đâu? Thật khó để giấu một chiếc xe hơi 4 chỗ trong căn phòng bé con, đặc biệt là trước một tay nhóc vị thành niên tò mò thích lật tung mọi ngóc ngách.
Mãi 30 năm sau, biên kịch Bob Gale mới nhận ra hạt sạn này. Thay vì bỏ mặc luôn, ông lại cố vá víu lỗ hổng bằng một chi tiết hết sức lỏng lẻo, được đề cập trong bộ truyện tranh cùng tên. Hoá ra, tiến sĩ Brown còn một phòng thí nghiệm khác, được ông giữ bí mật tuyệt đối. Cỗ máy thời gian đương nhiên “chào đời” tại đây.
Mọi lời giải thích đều có vẻ hợp lý, trừ việc nó chẳng thuyết phục được ai cả.
Cảnh phim "Back to the future", hai nhân vật chính cùng cỗ máy thời gian.
BẰNG MỘT... BỘ PHIM KHÁC
Lỗi lệch mốc thời gian khá phổ biến trong điện ảnh. Nó xảy ra ở bất kỳ đâu, từ những tác phẩm ít tên tuổi đến các bom tấn tiền tỷ. Fast and furious (Quá nhanh, quá nguy hiểm), 007… và bộ phim hoạt hình kinh điển Beauty and the beast (Người đẹp và quái vật) là 3 trong rất nhiều nạn nhân đình đám.
Beauty and the beast mở đầu bằng câu chuyện vị hoàng tử tàn nhẫn từ chối cho kẻ ăn xin vào lâu đài tá túc. Ngay khi ấy, kẻ ăn xin hoá thành một bà tiên quyền uy. Bà trừng phạt vị hoàng tử độc ác, biến chàng thành quái vật, đồng thời cho chàng thời hạn phải tìm thấy tình yêu đích thực trước năm 21 tuổi. Nếu thất bại, chàng sẽ vĩnh viễn bị giam cầm trong lốt thú.
Chuyển sang cảnh sau, giá nến Lumiere, hầu cận trong lâu đài, chịu chung cảnh ngộ như chủ nhân, tiết lộ rằng “Đã 10 năm trôi qua”. Tức hoàng tử chỉ khoảng 11 tuổi vào thời điểm lời nguyền giáng xuống. Nhưng hình ảnh chàng khi ấy trông lớn hơn thế nhiều. Chí ít, bức chân dung hoàng tử treo đâu đó khẳng định đấy là một người trưởng thành.
Cảnh phim "Beauty and the beast", hình ảnh hoàng tử trưởng thành trong cảnh đầu phim.
Không thể “chữa cháy” trực tiếp, Disney sửa thoại trong vở nhạc kịch Beauty and the beast. Họ còn dựng hẳn một “phân đoạn giải thích” trong Beauty and the beast: The enchanted Christmas (Người đẹp và quái vật: Giáng sinh bị yểm bùa), phần tiếp theo của bộ phim hoạt hình đình đám. Trong đó, chàng hoàng tử hồi tưởng lại cái đêm bị nguyền rủa. Đoán xem, hình ảnh đứa trẻ 11 tuổi cáu kỉnh hiện ra. Cậu ta đang giận dỗi lũ giai nhân vì tặng quà Giáng sinh không đúng ý.
Thiết nghĩ, Fast and furious, 007 hay bất kỳ cái tên cùng cảnh ngộ nào cũng nên học theo Beauty and the beast: chi tiền làm hẳn một bộ phim mới. Tha hồ giải thích. Bạn không tin ư? Ta tiếp tục “nghiên cứu” bom tấn The Matrix (Ma trận).
The Matrix vốn dĩ khó hiểu, nhưng có một chi tiết còn gây bối rối bội phần: Con người bị máy móc đánh bại, nhưng sao máy móc không giết luôn nhân loại đi? Giữ chúng ta sống trong một thực tế ảo, làm tiêu tốn rất nhiều năng lượng, còn rình rập nguy cơ con người vùng lên tiếp tục đấu tranh làm gì? Chưa kể, lũ máy móc độc ác là thế, sao phải tạo nên một thế giới quá tươi đẹp, quá hoàn mỹ cho các nô lệ của chúng?
Đừng lo, The Animatrix (Ma trận ngoại truyện), một tuyển tập gồm 9 phim hoạt hình ngắn, đã giải đáp tất cả. Mọi chuyện vỡ lẽ, bấy lâu nay chúng ta “hiểu lầm” máy móc. Chúng là những con robot biết thông cảm. Trong tương lai, robot trở thành công cụ hỗ trợ cơ bản, nhà nhà đều có, nhưng nhân loại đối xử tệ với chúng, đàn áp chúng, dù chúng chỉ mong một cuộc sống yên bình. Chính chúng ta đẩy chúng đến bước đường nổi loạn.
Sau khi chiến thắng, máy móc, với lòng trắc ẩn mênh mông, để lại tàn dư của con người, kết hợp chúng và ta vào một mối quan hệ cộng sinh. Vì lẽ đó, chúng không nỡ phát động nạn diệt chủng.
Lại một lần nữa, mọi lời phân bua đều tưởng như hợp lý. Có lối gỡ gạc chẳng những không thể gỡ bỏ thắc mắc hiển nhiên, mà còn làm người xem nổi giận, khiến chúng ta đâu đó phải thốt lên: “Thà đừng nhọc công giải thích”.
Cảnh phim "The Matrix"