Trong cuộc sống chúng ta ai cũng có những đam mê, và ta theo đuổi nó bằng một con tim tràn đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên, đường đời đầy những chông gai, làm muộn màng, chán nản. Vậy những ước mơ ấy để lại nơi đâu?
Cô Lý Kiều Hạnh
Nhắc đến đam mê, ta thường nghĩ tới sức trẻ dẻo dai, để vùng vẫy, đấu tranh. Nhưng, khi đã ở cái độ tuổi xế chiều, khi ta ngừng cố gắng để tìm sự ngơi nghỉ thì không ai ngờ được rằng, cơ hội để đạt được ước mơ của mình lại đến. Giống như câu chuyện của cô Lý Kiều Hạnh - một nhà hoạt động văn hoá - văn nghệ đờn ca tài tử được chia sẻ với người kết nối Hamlet Trương trong chương trình Khoảnh khắc cuộc đời.
Cô có niềm đam mê rất lớn với cải lương, học trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ khi chỉ mới 14 tuổi. Nhưng tất cả những ước mơ, hoài bão tuổi thanh xuân đã phải gác lại đến tận bây giờ vì khi xưa gia đình cô không có điều kiện. Vẫn giữ ngọn lửa ấy, nhờ một cái duyên, cô Lý Kiều Hạnh lại trở về với sân khấu, dẫu rất muộn màng nhưng đối với cô đó là một cơ hội đáng nhớ.
Khoảnh khắc tình cờ, khi cô đề nghị chỉ dẫn cho người ca sĩ trẻ hát khúc “Nam Xuân” trong buổi tập dợt chương trình Đêm Hoa Lệ. Cô không ngờ rằng, mình lại là người được chọn, để được đứng trên sân khấu và hát bằng cả trái tim khi đã ở cái tuổi xế chiều.
Trước lần đầu tiên quay trở lại dưới ánh đèn, cô cầu rằng “hát cho thật có duyên”. Tiếng hát của cô được rất nhiều khán giả yêu thích và đón nhận. Và từ ấy, ngọn lửa đam mê lại được khơi dậy, cô Kiều Hạnh đã và đang tham gia rất nhiều buổi diễn bất chấp trở ngại về tuổi tác. “Một người sinh ra đã thuộc về sân khấu thì sớm hay muộn sân khấu cũng sẽ gọi tên họ”.
Khoảnh khắc trong buổi tập "Đêm Hoa Lệ"
Cô không coi việc hát cải lương là một cuộc chơi vì danh lợi và tiền bạc. Khi đứng trên sân khấu, người nghệ sĩ tìm kiếm niềm vui và sự hạnh phúc, của một giấc mơ dù đã lâu nhưng cuối cùng cũng đến. Cô đem những kiến thức đã học vào buổi diễn của mình, để làm nên chất lượng nghệ thuật cũng như chứng minh cải lương có một tầm cao riêng. Và cô hy vọng rằng, cải lương có thể đến với giới trẻ bằng bất kì một hình thức nào, để tinh hoa văn hoá Việt Nam được gìn giữ cũng giống như cô đã làm bất kể thời gian, tuổi tác.
Nhưng đôi khi, đối với cả những bạn trẻ, con đường theo đuổi đam mê chưa bao giờ là dễ dàng, không phải vì tuổi tác, mà là vì những luồng suy nghĩ trái chiều, sự đánh giá chưa đúng mực từ xã hội. Đó cũng là niềm trăn trở của chàng đầu bếp trẻ Vũ Xuân Tuấn - còn được biết đến với biệt danh Ken Vũ được giãi bày trong buổi nói chuyện cùng tiến sĩ Lê Thẩm Dương.
Vũ Xuân Tuấn – người đầu bếp trẻ tài năng
Đến hiện tại, Ken Vũ đã nắm trong tay 10 giải thưởng khác nhau về nấu ăn, trong đó có 3 giải quốc tế. Và 4 năm kinh nghiệm hướng dẫn làm bếp trên nhiều chương trình. Mặc dù có nhiều thành tích đáng nể, nhưng theo anh, khoảnh khắc quan trọng là tiền đề giúp anh có được ngày hôm nay chính là lần đầu tiên anh được hướng dẫn nấu ăn trên sóng truyền hình HTV. Nhờ truyền hình, anh có cơ hội lan toả nghề bếp, lan toả những kiến thức của mình để giúp đỡ nhiều người.
Tuy nhiên, “nghề bếp ở Việt Nam chưa được đánh giá đúng với những giá trị mà nó mang lại”. Là một người trẻ theo đuổi việc nấu ăn chuyên nghiệp trong khi các bạn đồng trang lứa bước đến cổng trường đại học, Ken Vũ phải luôn đấu tranh, xoay xở các vấn đề kinh tế, học hỏi nhiều xu hướng khác nhau để đáp ứng nhu cầu xã hội. Dù bỏ ra rất nhiều công sức, xem nấu ăn là động lực và nguồn cảm hứng sống, anh cũng không khỏi băn khoăn khi những người “đầu bếp” thường bị dư luận lầm tưởng thành “thợ bếp”.
Những buổi hướng dẫn nấu ăn trên sóng truyền hình
Sản phẩm của nghề bếp là những món ăn, làm người thưởng thức thoả mãn về nhu cầu vật chất lẫn tinh thần. Và người đầu bếp đem đến giá trị về lối ăn ngon, ăn no, ăn sạch, đảm bảo cho sức khoẻ. Anh mong muốn những người đầu bếp có được đúng vị trí của mình và động viên các bạn trẻ đi cùng một con đường rằng, làm nghề bếp là luôn chấp nhận gian nan và khó khăn và thay đổi từng ngày, nhưng ngược lại, khi đam mê đã qua chông gai thì hạnh phúc sẽ đến khi được người khác nhìn nhận và tôn trọng.
Cánh của của những ước mơ không phải lúc nào cũng mở ra, có những khoảnh khắc làm người ta phải để lại những hoài bão của mình, sẽ mãi không thực hiện được. Khoảnh khắc đó đã từng xảy ra với cựu cua rơ Trần Đức Lân, nhưng đó không phải là kết thúc đối với anh. Và hiện tại, anh đang làm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp với một phong cách rất riêng. Quá trình thay đổi của anh được chia sẻ với người kết nối Hamlet Trương.
Anh chia sẻ mình rất đam mê tốc độ, nhưng khoảnh khắc ấy, khi vụ tai nạn bất ngờ đã cướp đi đôi chân, cứ ngỡ như là đã mất hết tất cả. Khi nghe thông báo của bác sĩ, trong sự hoang mang, anh vẫn còn nuôi hy vọng mình có thể hồi phục và trở lại như xưa. Tuy nhiên, hiện thực lại không như thế, khiến anh rơi vào trạng thái trầm cảm trong 2 năm ròng, đóng mình lại, từ chối mọi sự giúp đỡ.
Nhưng, trong lúc đang “tự mình mò mẫm” trong đường hầm tăm tối, anh nhận ra bên cạnh anh còn có người thân, bạn bè, đặc biệt là ba và 2 người em gái và họ vẫn đối xử với anh như trước kia. “Cuộc sống thay đổi nhưng hình ảnh của mình trong mắt người khác lại không thay đổi”. Vì vậy, anh chấp nhận những gì đã xảy đến, chỉ cần có được hạnh phúc và tiếp tục sống, cống hiến. Hơn nữa, vì những người đã luôn giúp đỡ, anh không muốn họ càng thêm đau buồn vị sự suy sụp của mình, nên anh đã chọn lựa nắm bắt tương lai với ngành nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Trần Đức Lân
Được hỏi vì sao những tác phẩm của anh luôn mang những gam màu tối, anh chia sẻ rằng, vì cuộc sống đã từng có những gam màu như vậy. Dẫu bây giờ anh vô cùng thành công trong sự nghiệp nhưng màu sắc của một ước mơ bị bỏ nửa sẽ mãi là một phần trong con người anh, tạo nên sự dung hoà, phong cách riêng và độc đáo, nó là phương tiện để anh bộc lộ nỗi lòng của mình.
Đã trải qua một khoảnh khắc đau đớn như vậy, anh mong muốn mọi người hãy đối mặt chân thực với những nỗi đau, tiếp tục sống bình thường và tích cực vì những vết sẹo sớm muộn gì cũng sẽ lành.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi