Đã từ lâu rồi sự xuất hiện của những gánh hát bội không còn được người ta háo hức chờ đợi và những nghệ sĩ hát bội cũng lặng lẽ đến rồi âm thầm ra về khi vở diễn kết thúc.
Đó là chủ đề mà bộ phim tài liệu này muốn chuyển tải đến khán giả qua câu chuyện về Gánh hát bội Ngọc Khanh của NSƯT Ngọc Khanh.
Một cảnh diễn tuồng của đoàn Hát bội Ngọc Khanh
Đây là gánh hát bội duy nhất còn lưu diễn ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Được thành lập từ năm 1990, qua 28 năm lặng lẽ tồn tại, tự tìm hướng đi, tự tìm đến khán giả. Sân khấu của họ là sân đình, sân miếu. Đối mặt với muôn vàn khó khăn, kinh phí hoạt động, đối tượng khán giả ngày một ít nhưng ngọn lửa nghề trong họ vẫn không tắt. Các nghệ sĩ của gánh hát bội Ngọc Khanh tâm niệm: còn chỉ còn có một khán giả thì họ vẫn còn hát, vẫn còn phục vụ.
Theo NSƯT Ngọc Khanh thì hơn 30 thành viên trong đoàn đều được tiếp xúc với hát bội từ khi còn trong bụng mẹ - nghĩa là cha mẹ của họ theo chân các gánh hát, lang bạt khắp các miệt Nam kỳ, rồi sinh trong đoàn hát, lớn lên bên cánh gà, đêm đêm nghe lời ca tiếng hát, nhịp trống điệu kèn, rồi hát bội ngấm vào người lúc nào không hay. Đời hát bội lang bạt, chẳng có tương lai nên chẳng có bậc cha mẹ nào muốn con theo nghề. Và dù không được khuyến khích nối nghiệp nhưng những đứa trẻ ấy vẫn chịu đòn đau để được sống với niềm đam mê đã âm ỉ bùng cháy tự lúc nào.
NSƯT Ngọc Khanh
Như chính nghệ sĩ Ba Út là một nghệ sĩ hát bội nổi tiếng, nhưng bà lại không đồng ý cho con gái theo nghiệp hát. Cô đào Ngọc Khanh (con gái của nghệ sĩ Ba Út) nhớ lại: "Hồi 9 tuổi tôi đã đòi mẹ cho đi hát, nhưng bà quan niệm “lão lai tài tận”, khi quá lứa 40 là bắt đầu bị đào thải, nên không cho tôi theo nghề. Bà muốn tôi học chữ, đặng có tương lai. Nhưng một khi đã đam mê thì chạy đi đâu cũng không tránh được”.
NSƯT Ngọc Khanh chuẩn bị đạo cụ sân khấu
Lịch diễn của Gánh hát Ngọc Khanh thường không cố định, nhưng hễ có ai mời hát, các thành viên trong đoàn đều tự động gác bỏ công việc kiếm cơm dang dở, để chạy đi phục vụ khán giả. Tất cả các anh em nghệ sĩ trong đoàn đi biểu diễn đều phải tự thân vận động, từ phương tiện di chuyển đến phục trang, hoá trang... Sân khấu biểu diễn cũng chính là mái nhà chung che chở cho các nghệ sĩ suốt những ngày cắm lều, mắc võng để có chỗ ngã lưng, cơm nước cũng tự lo liệu.
Nghệ sĩ Thanh Hiệp
Dù thời hoàng kim của hát bội đã trở thành dĩ vãng, lựa chọn của tuổi trẻ cũng đã đôi lần khiến những nghệ sĩ già cay khóe mắt bởi những nghiệt ngã của nghề, nhưng những người nghệ sĩ yêu nghề hát bội vẫn nắm níu lấy nhau để được hát, được đứng trên sân khấu để giữ gìn Tổ nghiệp của quê hương như câu hát: “Má ơi đừng đánh con đau, để con hát bội, làm đào má coi”.
Đón xem bộ phim tài liệu “Má ơi, đừng đánh con đau” gồm 2 tập, phát sóng lúc 15g thứ hai, thứ ba từ ngày 20/5 trên kênh HTV9.
Thùy Trang