Một góc nhìn về truyền thông xã hội

Truyền thông xã hội (social media) bao gồm khả năng tạo lập nội dung và phương tiện truyền tải đa dạng đã tạo ra môi trường mở đầy tiềm năng cho hoạt động của các nhà sản xuất trong lĩnh vực truyền thông 4.0.


Nhà báo Công Vinh gặp gỡ khách mời, anh Nguyễn Ngọc Tài, trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”

Nhà báo Công Vinh: 10 năm trải nghiệm trong lĩnh vực truyền thông 4.0, bạn có ý kiến gì về truyền thông trước thách thức 4.0?

Nguyễn Ngọc Tài: Truyền thông truyền thống có rất ít kênh phân phối như tivi, phát tờ rơi, hay các bảng quảng cáo. Với công nghệ 4.0, truyền thông được đa dạng hơn, tiếp cận với người tiêu dùng nhiều hơn bằng các kênh như youtube, facebook, tiktok, zalo và nhiều cổng thông tin khác. Cái gốc của truyền thông là truyền tải thông điệp khiến cho người ta có cảm xúc, còn công nghệ 4.0 thì cung cấp nhiều kênh phân phối hơn.


Biểu tượng của các kênh phân phối nội dung

Nhà báo Công Vinh: Khoảnh khắc nghề nghiệp của bạn trong suốt hơn 10 năm qua?

Nguyễn Ngọc Tài: Đã từng ôm đam mê với nghề diễn viên, ca sĩ từ thuở nhỏ nhưng chưa bao giờ may mắn vượt qua vòng loại, tài chuyển hết tâm tư vào công việc kinh doanh liên quan đến lĩnh vực giải trí. 

Nhà báo Công Vinh: Lĩnh vực giải trí mà Tài đang theo đuổi?

Nguyễn Ngọc Tài: Các hoạt động chủ yếu hiện nay là sản xuất nội dung, bao gồm phim truyện và các hoạt động về truyền thông phát trên facebook, các video clip cover nhạc trên tiktok. Ngoài ra, Tài còn tham gia hoạt động đào tạo gương mặt mới cho làng giải trí. Bằng việc tuyển dụng các tài năng trẻ khoảng mười sáu đến mười bảy tuổi có đam mê, cung cấp cho họ kỹ năng diễn xuất, kỹ năng phát triển các trang cá nhân để trở nên nổi tiếng, đưa họ vào các tập phim và đề cử cho các nhãn hàng sử dụng quảng cáo.

Nhà báo Công Vinh: Tài hãy nói về ứng dụng “Hẹn gặp thần tượng” của mình?

Nguyễn Ngọc Tài: “Hẹn gặp thần tượng” là một ứng dụng kết nối giữa “thần tượng” đang cần nổi tiếng hơn và những người hâm mộ, đồng thời đem lại một nguồn thu nhập cho người sử dụng. Sau khoảng một tháng đưa vào hoạt động, ứng dụng đã được sử dụng bởi hơn 20.000 người trong đó cò hơn 600 nghệ sĩ, thần tượng và người nổi tiếng.

Nhà báo Công Vinh: Cách sản xuất chương trình giải trí trên truyền thông xã hội khác gì với chương trình giải trí truyền thống?

Nguyễn Ngọc Tài: Các bước tổ chức sản xuất về cơ bản là giống nhau. Bao gồm xác định nội dung, xây dựng kịch bản, chọn diễn viên và tiến hành quay, dựng. Nhưng truyền thông xã hội đòi hỏi phải xác định rõ đối tượng mà sản phẩm truyền thông của mình hướng tới.

Nhà báo Công Vinh: Những kỹ năng mà người làm truyền thông 4.0 cần phải có?

Nguyễn Ngọc Tài: Truyền thông liên quan đến hai vấn đề chính là tạo nội dung và truyền tải nội dung. Người làm truyền thông phải có hai kỹ năng cơ bản là tạo nội dung gì, cho đối tượng nào và chọn kênh nào để phân phối nội dung đó. 

Nhà báo Công Vinh: Người ta nói hiện nay đang là giai đoạn khủng hoảng truyền thông? Tài có nghĩ như vậy không?

Nguyễn Ngọc Tài: Khi nhu cầu tiếp cận truyền thông qua kênh xã hội mạnh, sẽ xuất hiện các nhóm nhà sản xuất tạo nội dung để đáp ứng. Các nhóm này sẽ song song tồn tại và cạnh tranh để khẳng định phong cách và chỗ đứng của mình trong từng lĩnh vực. Qua thời gian, sự gạn lọc của thị trường sẽ quyết định ai là người đứng đầu trong từng phong cách đó. Giai đoạn này rất tốt cho sự phát triển của truyền thông xã hội ở Việt Nam.

Nhà báo Công Vinh: Trước đây truyền thông thường gắn với các tổ chức, nhưng nay đã phổ biến khái niệm “nhà báo công dân”, mỗi người đều có thể sản xuất nội dung. Điều đó dẫn đến một hệ lụy là độ chính xác của thông tin thấp, thậm chí “tin giả” tràn lan, làm mất lòng tin của người tham gia truyền thông xã hội. Ở vị trí là một người đang hoạt động trong lĩnh vực này, Tài có cách nghĩ và biện pháp gì để làm giảm bớt sự nhiễu tin tức trên mạng truyền thông?

Nguyễn Ngọc Tài: Đây là một việc khá khó, nhưng có thể cải thiện và lọc sạch những hoạt động truyền thông không lành mạnh với sự kết hợp từ ba phía trong thời gian dài. Đầu tiên là nâng cao ý thức của người tiêu dùng. Tin và dùng sản phẩm truyền thông nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn và quyết định của họ. Kế đến là góc độ của người làm truyền thông. Họ cần xác định cho mình chủ trương “làm sạch, làm chuẩn” cũng như xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ để đi lâu dài. Thứ ba là vai trò quản lý từ chính phủ thông qua các điều luật và các tổ chức quản lý flatform xã hội (như youtube, facebook...) luôn cập nhật các luật mới để loại bỏ những thành phần làm ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.

Nhà báo Công Vinh: Hiện nay có nhiều người sử dụng scandal để làm truyền thông, quan điểm của bạn như thế nào về vấn đề này?

Nguyễn Ngọc Tài: Tài không đánh giá cao phương pháp này với các phát ngôn táo bạo hay phong cách ăn mặc hở hang thường được dùng. Nhóm người thích các sản phẩm truyền thông liên quan đến scandal thường ở độ tuổi rất trẻ, chưa trưởng thành về nhận thức và ưa thích những sự khác biệt mang tính “giật gân nổi trội”. Tuy nhiên, đây không phải là con đường lâu dài mà một nhà sản xuất truyền thông có thể đi. Làm truyền thông kiểu này chỉ có thể tồn tại trong khoảng thời gian nhiều nhất là hai đến ba năm.


Nguyễn Ngọc Tài – Giám đốc công ty truyền thông MGC Asia

Truyền thông hiện nay đã trở thành công nghệ mang tính chuyên nghiệp rất cao. Những kinh nghiệm của Ngọc Tài trong lĩnh vực truyền thông của thời đại số cho thấy thế giới phẳng hôm nay đòi hỏi cái tâm của người làm truyền thông rất lớn, để có thể vừa định hướng dư luận vừa mang lại lợi ích cho xã hội. Để làm được điều đó, mỗi người sản xuất cần trả lời câu hỏi: truyền thông cho ai? Truyền thông để được cái gì? Và lợi ích giữa truyền thông và lợi ích xã hội phải được hài hòa, làm cơ sở cho sự phát triển xã hội.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi