Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Mỹ thuật trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Hội thảo quy tụ sự tham gia của đông đảo các chuyên gia lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; các nhà chuyên môn là họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư...
Theo NGND.GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, hội thảo nhằm định hướng và tìm ra các giải pháp đưa mỹ thuật vào xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh…
Tại hội thảo, các nhà chuyên môn đã cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến và đưa ra các giải pháp về những khái niệm liên quan đến mỹ thuật công cộng và Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; tầm quan trọng của mỹ thuật công cộng với quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Các đại biểu cũng nêu thực trạng các tác phẩm điêu khắc, hội họa, mỹ thuật ứng dụng trong không gian công cộng và giải pháp gắn kết với không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Nhấn mạnh về giá trị mỹ thuật trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM Nguyễn Xuân Tiên cho rằng, mỹ thuật ngoài trời là một thành tố không thể thiếu trong không gian văn hóa công cộng TPHCM và nó cũng là một điểm nhấn quan trọng trong tổng thể chung của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra.
“Mỹ thuật trong không gian văn hóa đô thị không chỉ đóng vai trò làm đẹp hay những điểm nhấn cần thiết để tô điểm cho đô thị mà còn thể hiện trình độ dân trí, trình độ phát triển và văn minh của đô thị. Tuy nhiên, hiện nay mỹ thuật TPHCM phát triển chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, vẫn chưa có những tác phẩm đỉnh cao đáp ứng nhu cầu xã hội, do đó thời gian tới, Hội Mỹ thuật TP cũng như các hội viên, họa sĩ, nhà điêu khắc, mỹ thuật… cần có sự tích cực hơn” - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM bày tỏ.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia mong muốn không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần có tính đặc trưng riêng của Thành phố mang tên Bác. Theo TS Nguyễn Thái Giao Thủy, Khoa Văn hóa và du lịch, Trường Đại học Sài Gòn, hiện nay tại TPHCM, các công trình chủ yếu là tượng đài nhưng rất ít công trình có chất lượng. Hầu hết công trình được xây dựng ở những nơi di tích lịch sử thuộc quận, huyện ngoại thành hay trong khuôn viên các bảo tàng, công sở, trường học và chủ yếu là các sự kiện hay nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Dù vẫn có rất nhiều công trình hoành tráng nhưng vẫn thiếu điểm nhấn mang đậm tư tưởng và văn hóa cốt lõi cho không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Khẳng định vai trò của mỹ thuật công cộng trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Thị Hồng Tươi, Phó Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho rằng, TPHCM nên tích hợp bối cảnh lịch sử và các đặc trưng với xã hội hiện đại. Nghệ thuật công cộng có thể giúp người dân địa phương nhận ra được giá trị của họ và đó là phương tiện tốt nhất để định hình hình ảnh TPHCM.
Cũng theo nhiều ý kiến đại biểu, để phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với yếu tố mỹ thuật, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý, hoàn thiện bản đồ quy hoạch tổng thể các công trình, tác phẩm mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng thành phố; xây dựng chính sách pháp lý để tạo sự phối hợp đồng bộ giữa mỹ thuật - kiến trúc - quy hoạch và các ngành có liên quan; đặc biệt là cơ chế trích 1%-5% tổng kinh phí thực hiện các công trình kiến trúc công cộng, cho công việc làm đẹp của mỹ thuật.
Chuyên gia cùng hiến kế để xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 2025, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM Nguyễn Xuân Tiên đề nghị lãnh đạo Thành phố cho triển khai lại đề án xây dựng tượng đài Thống nhất tại công viên Hoàng Văn Thụ (cửa ngõ từ sân bay Tân Sơn Nhất đi vào thành phố). Đây là một công trình tâm huyết, trăn trở không chỉ của các cấp lãnh đạo thành phố nhiều nhiệm kỳ mà còn là món nợ của giới chuyên môn với người dân thành phố trong rất nhiều năm qua. Nếu thực hiện được tốt công trình này thì đây cũng là một món quà có ý nghĩa trong dịp lễ trọng đại kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng thời cũng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng với sự thay đổi nhận thức và quan niệm của xã hội theo hướng cởi mở, thời gian gần đây, nghệ thuật công cộng không chỉ dừng lại ở những tác phẩm mỹ thuật hoành tráng, công viên, đường phố... không chỉ giới hạn trong lĩnh vực mỹ thuật, mà còn thể hiện qua nhiều hình thức biểu diễn tạo nên không gian văn hóa, như: Lễ hội âm nhạc, festival của nhiều loại hình nghệ thuật đường phố. Không gian nghệ thuật công cộng ở thành phố sẽ rất phong phú khi tận dụng, triển khai được các nhà máy cũ, bến xe buýt, các khu đô thị mới, công viên, quảng trường các nhà ga đường sắt đô thị trên cao...
Bên cạnh đó, các tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm không gian văn hóa công cộng mà còn thổi vào đó sức sống mới. Vì thế, các nhà chuyên môn cho rằng, ngoài Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1), không gian trưng bày ảnh nghệ thuật ở đường Đồng Khởi (Quận 1), TPHCM cũng có thể chọn con đường Hàn Thuyên hay đường Alexandre de Rhodes làm con đường tranh, chọn công viên Tao Đàn làm thành công viên nghệ thuật, hay chọn con đường Huyền Trân Công Chúa xây dựng thành con đường nghệ thuật, nơi thể hiện sức sáng tạo của nhiều loại hình nghệ thuật. Đồng thời, đưa những hoạt động biểu diễn mang tính cộng đồng, tổ chức biểu diễn, giới thiệu đến với công chúng. Hội Mỹ thuật TPHCM cũng có thể kết hợp với Sở Du lịch TPHCM thực hiện không gian văn hóa nghệ thuật từ cột cờ Thủ Ngữ chạy dọc bến Bạch Đằng đến khu vực Ba Son, nối liền Bảo tàng Tôn Đức Thắng… tạo thành khung cảnh đẹp của đô thị và điểm đến của du khách.
Thành ủy TP.HCM