“Ai ở đâu, hãy nhớ lấy. Ai về đi, về uống ngụm trà với bố mẹ. Cả nhà quây quần bên ấm trà. Bố cười, mẹ cười, chị cười, oh oh oh... tôi cười” – đó là những giai điệu tươi vui trong bài hát “Uống trà” của nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng.
Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng
Nhịp điệu sôi động của bài hát “Uống trà” gợi mở nỗi khát khao mạnh mẽ được ở bên người thân mỗi khi Tết đến xuân về. Cuộc sống hiện đại cuốn phăng bạn trẻ theo dòng chảy sôi động. Họ quên bẵng dưới mái nhà thân quen có người chờ họ bên ấm trà buổi sáng, bên mâm cơm buổi chiều, đợi một phút giây đoàn viên như những ngày xưa thuở bé.
Để rồi một buổi sáng khi còn “lim dim đôi mắt”, Phạm Toàn Thắng đã bị cái ấm áp của bố kêu, mẹ hỏi, chị chăm làm thức tỉnh xúc cảm con tim, kịp ghi lại bức tranh đoàn viên trong khúc nhạc. Một khoảnh khắc đó thôi, khi được ở trọn trong vòng tay gia đình, anh nói với thế giới rằng, “uống trà cùng bố mẹ” là suối nguồn yêu thương nuôi dưỡng tâm hồn con người.
Không đặt trước những mục tiêu sâu xa hay những bài học giáo dục sâu sắc, Toàn Thắng chỉ kể những câu chuyện chân thật cho khán giả nghe. Ví dụ như một buổi uống trà buổi sáng. Bởi anh quan niệm, sáng tác nghệ thuật phải trong tâm thế thư giãn và thả lỏng, cảm nhận thế giới một cách sâu sắc, trải đường cho sáng tác âm nhạc làm thăng hoa cảm xúc.
Toàn Thắng nhận giải thưởng từ ca khúc “Uống trà”
Sáng tác nghệ thuật là vậy. Nhưng ngược lại, khi làm nghệ thuật, người ta phải nghe theo tiếng gọi của lý trí, nghĩa là làm việc vô cùng nghiêm túc và chuyên nghiệp. Nó buộc người nhạc sĩ phải tạo ra những bản phối, bản thu tốt nhất, tạo con đường ngắn nhất để ca khúc đến được với trái tim người nghe. Toàn Thắng vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ, cũng cho ra nhiều video ca nhạc nên anh rất rạch ròi giữa những vai trò này.
Trao đổi với đạo diễn Vũ Thành Vinh, Toàn Thắng cho biết, thành công có nhiều và rực rỡ đến đâu thì đối với anh, trân trọng khán giả luôn là tôn chỉ trong cuộc đời. “Cách nhìn và đánh giá tác phẩm của công chúng sẽ tạo ra một hệ quy chiếu mà người làm nghệ thuật sẽ biết được vị trí của mình trong lòng khán giả”.
Nhìn lại cuộc đời mình, từ thành công sớm của những ca khúc “Cô gái mùa đông” năm 2004 và “Uống trà” khi vừa tốt nghiệp đại học, Toàn Thắng cho rằng mình sáng tác âm nhạc hoàn toàn nhờ cái duyên nghệ thuật. Bản thân anh cũng đã trải nghiệm quãng đời không có âm nhạc như đi trên con đường lạc lối. Chính vì vậy, anh đã tự học hỏi nhạc lý, trau dồi vốn sống, tìm góc nhìn mới mẻ và cho ra đời những ca khúc mang dấu ấn “Khoảnh khắc cuộc đời”, đậm chất đặc trưng của một tâm hồn Toàn Thắng. Những ca khúc tiêu biểu có thể kể tên như “Bài hát trên vỉa hè”, “Dậy và chạy”, “Chỉ một câu”, “Ba mươi”... Anh khẳng định: “Chỉ cần một ngày còn cảm xúc rung động trước bất kỳ điều gì trong cuộc sống, thì sẽ luôn có khoảnh khắc cho tôi sáng tác và cống hiến cho khán giả”.
Trích đoạn ca khúc“Cô gái mùa đông”
Đã từng rời bỏ âm nhạc vì nghĩ đó chỉ là cuộc rong chơi của tuổi thanh xuân, Phạm Toàn Thắng cuối cùng cũng tìm về niềm vui trong sáng tác âm nhạc, phát hành nhiều ca khúc hay cũng như đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc có giá trị, mà anh xem là phần thưởng cho những nỗ lực không ngừng của bản thân.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi