Trong đêm nhạc “Thay lời muốn nói” tháng 7 đã khiến cho người xem xốn xang niềm cảm xúc khôn nguôi khi quay trở về ký ức với một thời để nhớ cùng những vạt nắng vương màu mơ ước…
Chương trình tái hiện nhiều cảnh dễ thương của thuở “nhất quỷ nhì ma…”
Kỷ niệm học trò của “Tôi, bạn và chúng ta”
Mùa hè, sân trường, hoa phượng, thầy cô, bạn bè… là những điều khiến chúng ta xao xuyến mỗi khi nhớ về một thời học sinh đã qua. Ở đó, tuổi thanh xuân đã ghi dấu ấn những buổi đến trường chan hòa ánh nắng; bóng dáng cô thầy ngày ngày cần mẫn trên bục giảng; hay lũ bạn nghịch ngợm nhưng luôn hết lòng vì nhau khi một đứa gặp khó khăn; là những rung động đầu đời trong sáng chưa từng thổ lộ… Ca khúc “Những nụ cười trở lại” (Sáng tác: Xuân Nghĩa) do Phương Trinh Jolie, nhóm The Wings và đoàn múa Ngọc Trai Việt mở đầu chương trình như quay ngược thời gian, đưa khán giả về vùng ký ức thời áo trắng muôn vàn dấu yêu.
Vẫn mong ước được quay trở về thời gian ấy, “đóng băng” những kỷ niệm dấu yêu để một lần nữa trái tim lại thổn thức về thời hoa niên đầy thơ mộng. Cảm xúc bồi hồi lại dâng trào khi giọng hát cao vút, trong trẻo của Thùy Chi cất lời: “Mình cùng nhau đóng băng trước giây phút chúng ta chia xa. Thời học sinh lướt qua nhanh như giấc mơ không trở lại”.
Chia sẻ về cảm xúc khi nhận lời tham gia “Thay lời muốn nói” chủ đề “Ngoảnh nhìn sân trường ngày có nắng”, Thùy Chi cho biết: Đây là một chủ đề rất hay và chưa bao giờ cũ. Sau một năm ra mắt bài hát “Mình cùng nhau đóng băng”, Chi đón nhận nhiều tình cảm của khán giả, đặc biệt là các bạn học sinh – sinh viên dành cho ca khúc này. Và tham gia “Thay lời muốn nói” lần này là dịp để Chi tái hiện lại cảm nhận của bản thân mình nhiều năm trước cũng như tâm trạng của nhiều sinh viên bây giờ.
Thùy Chi trở về ký ức với “Mình cùng nhau đóng băng”
Nhắc đến tháng năm ấy, không thể không kể đến những món đồ vật gắn liền với đời học trò như chiếc mũ rơm của khán giả Ngọc Nguyễn hay chiếc xe đạp của nhiều thế hệ học sinh không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn chuyên chở ước mơ tương lai của biết bao người.
Và điều khiến thời học sinh trở nên đáng nhớ hơn bao giờ hết khi nơi đó có người mà ta thầm thương. Chỉ vì chút kiêu hãnh, chút rụt rè, chút ngại ngùng mà chúng ta lỡ nhịp, để rồi: “Cậu tiếp tục rời xa Hà Nội. Tôi tự hỏi mình điều gì khiến cậu cứ mải miết muốn rời xa nơi này và tôi chợt nhận ra Hà Nội không lớn nhưng mình chẳng thể gặp lại nhau” như tâm sự của khán giả Hồng Thanh. Chuyện tình đơn phương tuổi mới lớn đã được chuyển tải trọn vẹn qua ca khúc “Trót yêu” (Sáng tác: Ái Phương) với tiếng hát của Trung Quân Idol và “Vài lần đón đưa” (Sáng tác: Trần Lê) cùng phần thể hiện của Hồ Trung Dũng.
Phần tiếp theo của chương trình “Thay lời muốn nói – Cho bạn” tiếp tục kể cho khán giả nghe về những người đã từng cùng chúng ta đi qua thời học sinh. Đó là người thầy khiến cho anh Dương Anh Tuấn kính trọng suốt cuộc đời:“Cảm ơn thầy đã dạy con toàn diện, từ tri thức đến đạo đức cách sống để làm người”. Ê-kíp chương trình đã chọn bài hát “Nhớ ơn thầy cô” (Sáng tác: Nguyễn Ngọc Thiện – Biểu diễn: Tuyết Mai, Duyên Quỳnh và Kiều Oanh) như thay lời cho các khán giả để tri ân thầy cô – những người đã trở thành một phần quan trọng trong quãng đời đi học của mỗi người.
Ca sĩ Thanh Tâm (bên phải) sôi nổi bên “Cây đàn sinh viên”
“Thay lời muốn nói – Cho chúng ta” khép lại chương trình bằng video clip truyền tải thông điệp của thầy cô giáo trẻ – những người không quản khó khăn, từ bỏ một cơ hội tốt, điều kiện thuận lợi nơi miền xuôi để đến với bản làng vùng cao cùng đàn học trò dân tộc thân thương. Mang nắng, mang tri thức, mang tương lai đến cho các em là sứ mệnh mà thầy cô, các anh bộ đội biên phòng… cùng chung tay xây đắp.
Tôi đi tìm tôi của ngày xưa cũ
Như tiêu chí ban đầu, “Thay lời muốn nói” phiên bản mới tiến đến thay thế màn hình LED bằng cảnh trí sân khấu, chú trọng không gian và nhuộm màu bằng ánh sáng. Sân khấu “Thay lời muốn nói” tháng 7 được phân chia thành hai lớp. Phía ngoài nổi bật với các khung tranh cùng những bức ảnh ghi lại ký ức đẹp của thời áo trắng. Đó là hình ảnh của ô cửa sổ cách điệu – một trời thơ của các cô cậu học trò ngồi trong lớp và mộng ước cho tương lai. Là tán cây phượng già chứng kiến từng thế hệ học trò đến và trưởng thành, là những con hạc giấy mang ước muốn của thời trong sáng, ngây dại nhưng xiết bao tình. Còn sân khấu phía sau thì tả thực với bàn ghế, bảng đen… tái hiện một lớp học kiểu mẫu tồn tại trong ký ức của mỗi người. Qua từng bài hát, những bức tranh dần hạ xuống, mở ra một khung trời hoài niệm với bạn cũ, trường xưa và những màn nghịch ngợm "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò".
Hai MC Quý Bình và Thanh Phương đầy hào hứng trong chủ đề “Ngoảnh nhìn sân trường ngày có nắng”
Về phần dàn dựng, đạo diễn Lê Việt chia sẻ thông điệp “nếu cổ tích là có thật, mong một ngày trở lại thuở xưa, gặp lại những người ta đã từng gắn bó”. Qua đó, một số tiết mục trong chương trình “Thay lời muốn nói” tháng 7 được dàn dựng như một cuộc đối thoại giữa "tôi" trong hiện tại và "tôi" của quá khứ. Là “tôi” với bộn bề lo toan, áp lực cuộc sống tìm về buổi ban sơ, tinh khôi của tôi những ngày xưa cũ.
Đoạn cuối chương trình, các nhân vật quá khứ và hiện tại hòa làm một, như một lời khẳng định: "Thời áo trắng là khoảng thanh xuân đẹp nhất của đời người. Dù đi đâu, về đâu, mỗi người chúng ta đều dành một góc nhỏ trong tim cho khung trời kỷ niệm ấy. Ngoảnh nhìn sân trường ngày có nắng, cũng là nhìn lại thời thanh xuân với bao kỷ niệm và ước mơ...".
Chủ đề của chương trình lần này thu hút đông đảo khán giả quan tâm
Sau chủ đề “Ngoảnh nhìn sân trường ngày có nắng”, “Thay lời muốn nói” tạm dừng 2 tháng để nhường sóng cho cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” và sẽ trở lại trong tháng 10. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp vào 21g, chủ nhật tuần thứ hai của tháng (ngày 13/10/2019) trên HTV9, kênh Youtube HTV Entertainment và fanpage Thay lời muốn nói HTV. Khán giả có thể tương tác với chương trình qua thư tay, thư điện tử, fanpage hoặc gửi các video clip của mình về cho chương trình.
Ban Mê