Nghề báo với những đặc thù nghề nghiệp và không ít những chuyện hậu trường hấp dẫn vốn là “mảnh đất màu mỡ” với phim ảnh. Tuy nhiên số lượng phim về nghề báo không nhiều và đây vẫn là mảng đề tài rất khó để làm cho hay.
Cảnh trong phim Biệt đội tất tần tật
Đa diện nghề báo trên phim
Những năm qua từng có khá nhiều bộ phim truyền hình lấy đề tài về nghề báo hoặc có xuất hiện hình ảnh, công việc của một hay nhiều nhà báo như: Phía trước là bầu trời, Nghề báo, Chủ tịch tỉnh, Cuồng phong, Chạy án, Chiếc mặt nạ da người, Khi đàn chim trở về, Phóng viên thử việc, Gái già xì tin, Đèn vàng, Cô nàng bất đắc dĩ, Đàn trời, Bão, Hẻm cụt, Cuồng phong, Phục hận, Trả giá, Nguyệt thực, Những chuyên án lạ, Những phóng viên vui nhộn, Bão yêu thương, Biệt đội tất tần tật…
Mỗi bộ phim một hướng khai thác khác nhau nhưng đều được khắc họa một cách rõ nét, sinh động chân dung của những người cầm bút, niềm đam mê nghề nghiệp, quá trình tác nghiệp của họ, có sự gian khổ, có cả “sinh nghề tử nghiệp” được phản ánh một cách trực diện. Điển hình nhất khi khai thác về đề tài nghề báo, các bộ phim thường hướng đến những vấn đề xã hội “nóng” liên quan đến tiêu cực, chống tham nhũng, buôn lậu, mại dâm... Trong đó phim Nghề báo tập trung miêu tả đậm nét công việc và đạo đức của các nhà báo, với nhân vật chính là nhà báo mảng kinh tế Thúy Bình có nhiệt huyết với quyết tâm phơi bày nạn tham nhũng ra ánh sáng. Bên cạnh đó, bộ phim Đàn trời lấy câu chuyện chính về những phóng viên báo hình trong cuộc chiến chống tham nhũng, đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, nỗ lực góp phần làm trong sạch xã hội.
Cảnh trong phim Mặt nạ da người
Ở những bộ phim như: Đèn vàng, Con nhện xanh, Bão, Mặt nạ da người, Tin ở điều không thể, Chủ tịch tỉnh, Nghề báo, Phía trước là bầu trời… các nhà báo không chỉ đấu tranh với cái xấu ngoài xã hội, mà còn phải đấu tranh với đồng nghiệp và với chính mình để giữ được sự trong sạch của ngòi bút, tỉnh táo để không sa đà vào những cám dỗ, cân bằng giữa công việc làm báo phức tạp và cuộc sống gia đình. Những mảng tối trong nghề báo với một số nhân vật là nhà báo có tên tuổi, những người làm công tác quản lý bị “tha hóa” hay không thực sự nhiệt tâm, sống với nghề cũng được đề cập tương đối đầy đủ.
Điển hình như Tổng Biên tập một tờ báo trong phim Chủ tịch tỉnh chuyên ăn tiền để chỉ đạo phóng viên “đánh” người này, tâng bốc người kia, hay Tổng Biên tập một tờ báo trong phim Chạy án luôn ôm ảo tưởng về “quyền lực thứ tư”, tham lam, tống tiền và dùng “quyền lực” đó gây áp lực cho các phóng viên và cho người khác để tư lợi...
Đặc biệt với Nguyệt thực, người xem hiểu hơn về nghề báo, những trăn trở, suy tư của người làm nghề báo trong giai đoạn hiện tại, khi chạm được đến nhiều vấn đề sống còn như: sự đối chọi giữa quan điểm làm báo truyền thống, trung thực với xu hướng làm báo câu khách bằng mọi giá, quan hệ của truyền thông với giới giải trí, hậu trường các vụ tai tiếng, và những khó khăn của nghề báo khi thích ứng với nhu cầu bạn đọc, phải tính toán, xoay trở với bài toán kinh phí để duy trì, phát triển…
Mang màu sắc trẻ trung, tươi tắn hơn các bộ phim Phóng viên thử việc, Hẻm cụt, Những phóng viên vui nhộn, Trả giá, Biệt đội tất tần tật... khai thác câu chuyện về những phóng viên mới vào nghề. Những thách thức, khó khăn với họ không chỉ đến từ nhiều phía, kể cả những chuyện ít liên quan đến chuyên môn mà nếu muốn tồn tại trong tòa soạn, muốn khẳng định mình trong công việc, họ phải vượt qua. Thế giới riêng tư của người làm báo cũng được khai thác khá nhiều những chuyện tình cảm phức tạp, đôi khi rối rắm.
Hấp dẫn nhưng khó khai thác
Nghề báo được xếp hạng trong 10 nghề hiểm nguy nhất của thế giới. Trong một số bộ phim như: Mặt nạ da người, Đàn trời, Nghề báo... có khắc họa rõ nét những hiểm nguy, áp lực của nghề báo, có nhà báo hy sinh dưới bàn tay của xã hội đen, có nhà báo bị đánh đập, tra tấn dã man vì dám đi sâu tìm hiểu, điều tra những việc làm của các thế lực hắc ám.
Bởi vậy, so với các nghề khác trong xã hội thì phim khai thác về nghề báo vẫn là một mảng đề tài hấp dẫn đối với khán giả. Thế nhưng, xét trên bình diện chung, có thể thấy số lượng phim về nghề báo hay có nhân vật nhà báo chưa nhiều. Và trong ba năm gần đây, trước sự khó khăn chung của phim truyền hình, phim về nhà báo lại càng hiếm hoi?
Cảnh trong phim Nghề báo
Còn nhớ bộ phim Nghề báo (2006) đã tạo được “cơn sốt” khán giả đón xem khi phát sóng. Vì đây là một trong số ít bộ phim đi sâu hoàn toàn về nghề báo nên khai thác được nhiều mặt của vấn đề, đi sâu tận ngõ ngách tâm hồn - lối sống cũng như mối quan hệ đa chiều của một số nhà báo. Tuy nhiên, người xem cũng thẳng thắn chỉ ra những tình tiết, những hạn chế mà bộ phim này và nhiều bộ phim khác về nghề báo mắc phải. Trong đó, hạn chế lớn nhất là mô tả quá trình tác nghiệp của phóng viên, nhất là phóng viên trẻ với những tình tiết gượng ép, phi logic gây nên sự ngộ nhận đáng tiếc. Ví như ở bộ phim nọ, các nữ nhà báo vào vũ trường điều tra cứ ngang nhiên giơ máy ảnh ra chụp tách tách nên kết quả là bị bọn giang hồ đập cho một trận tơi bời. Khán giả kêu trời, vì không hiểu nhà báo kiểu gì mà đã đi điều tra bí mật mà còn ngang nhiên như chốn không người.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn của phim Nghề báo trong một lần trả lời phỏng vấn nói rằng, làm phim về nghề báo rất khó vì không dễ nắm bắt và thể hiện đúng mạch các nhà báo. Một nhà sản xuất từng làm phim về nghề báo thì cho biết: “Mỗi nghề đều có cái khó, cái hay và cái hấp dẫn riêng biệt. Để quay được những cảnh đặc thù từng nghề nghiệp, nhất là nghề báo và quá trình tác nghiệp của phóng viên lên phim là chuyện không dễ dàng. Có nhiều cảnh thể hiện tác nghiệp của phóng viên trên kịch bản rất hấp dẫn, khắc họa rõ nét hơn về nghề, nhưng khi ra thực hiện thì lại rất khó, mà làm không tới sẽ gây dư luận”.
Cảnh trong phim Trả giá
Một bộ phim truyền hình hay cần tổng hòa nhiều khâu từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên đến các cảnh quay đều phải tương đối tốt. Trừ bộ phim Nguyệt thực có tác giả kịch bản là nhà báo Chu Thu Hằng - đang là Tổng biên tập báo Văn hóa, hay nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ít nhiều có liên quan đến nghề báo ngoài đời, còn thì hầu như không ai là người trong nghề hoặc hiểu biết một cách rõ ràng về nghề báo. Trong khi viết về nghề báo, biên kịch phải có sự am hiểu dày dặn, sâu rộng về nghiệp vụ báo chí. Hơn nữa, nghề báo là một nghề vô cùng “nhạy cảm”, “đụng” đến là liên quan với những vấn đề gai góc trong xã hội. Điều này lý giải vì sao nhiều bộ phim chỉ dám đưa thấp thoáng hình ảnh một vài nhà báo hoặc lấy nghề báo chỉ là cái cớ dẫn dắt người xem tới câu chuyện về tình cảm, tâm sự và những lựa chọn của những người trẻ khi lập nghiệp.
Một cái khó nữa là diễn viên đóng cho ra vai nhà báo cũng không dễ dàng. Không phải cứ khoác lên người chiếc áo ghile nhiều túi, đeo máy ảnh lủng lẳng, cầm máy ghi âm lăm lăm ở tay… là đã thành nhà báo. Bộ phim Đàn trời xây dựng được hình ảnh nhà báo đúng chất, thuyết phục được người xem là nhờ dàn diễn viên đóng vai các nhà báo đều là những gương mặt kỳ cựu có diễn xuất rất tốt. Trong số các diễn viên trẻ có rất ít người như Xuân Hòa thể hiện khá tốt hình ảnh của nữ phóng viên Linh Sương trong phim Nghề báo.
Thủy Hương