Là một trong số ít khâu quan trọng có tính quyết định đến số phận của một bộ phim, nhưng không phải ai cũng biết được công việc thầm lặng của người dựng phim.
Chuyên gia dựng phim Triệu Thanh Hải đang dựng phim "Huyền thoại 1C"
Tay chơi ẩn mình từ nghề thế thân
Triệu Thanh Hải được biết đến là học trò của NSND Lý Huỳnh, cái thời anh luôn đóng vai quân sĩ trong các bộ phim Thăng Long đệ nhất kiếm, Võ sĩ bất đắc dĩ, Nước mắt học trò... Sau đó, anh tầm sư học môn nhào lộn lên đến bậc dự bị kiện tướng, rồi lấn sân sang câu lạc bộ cascadeur cùng thời với Quốc Thịnh, Bùi Văn Hải...
Từ vị trí người đóng thế, Thanh Hải có dịp làm quen với nhiều đoàn phim trong và ngoài nước. Đến một ngày anh nghe lời khuyên của một "sư phụ ẩn mình", về đầu quân cho Minh Dofilm - một hãng phim trẻ khá nổi ở những năm 2000. Tại đây, Thanh Hải làm quen với các khâu hậu kỳ, từ việc học vẽ 3D, phòng thu âm, đến dựng các mẫu quảng cáo, ca nhạc và các mẫu phim ngắn...
Với Thanh Hải, đây là công việc khá mới mẻ nhưng đầy thách thức. Nếu so với các pha hành động đầy mạo hiểm từ việc đánh đấm, nhào lộn, phi thân, cháy người... thì việc phải vật lộn với các cảnh quay “lộn tùng phèo” không theo thứ tự, phải sắp xếp thành một câu chuyện hấp dẫn, với anh đôi lúc còn khó hơn.
Công việc của người thầm lặng
Triệu Thanh Hải tâm sự: “Công việc của người dựng phim được bắt đầu ngay từ khi nhận lời đạo diễn, phải đọc kỹ kịch bản, nắm vững các đường dây câu chuyện. Sau đó phải theo đoàn ra hiện trường, bám sát các cảnh quay, để khi về dựng sơ lược sẽ dễ dàng hơn. Công việc chép hình ảnh từ máy quay vào ổ cứng tưởng nhẹ nhàng, nhưng chỉ cần sơ suất nhỏ, để xảy ra lỗi là xem như... công cốc.
Về phòng dựng, việc đầu tiên là phải sắp xếp các hình ảnh vừa quay thành đường dây kịch bản sơ bộ. Lúc này đạo diễn mới xuất hiện, xem bảng nháp để góp ý cắt hay dựng theo đúng chủ đề ban đầu.
Thanh Hải bật mí tiếp: “May mắn được dựng phim với những đạo diễn giỏi là sướng nhất, vì họ gần như tính hết được các cảnh từ lúc quay. Nếu gặp đạo diễn yếu, quay thiếu cảnh, quay sai trục, thậm chí sai rắc-co là xem như “ăn” đủ các mùi vị... đắng cay. Lúc này, người dựng phim phải có tư duy tốt, biết cắt gọt các chi tiết thừa, biết chỉnh màu khi sai rắc-co, biết đảo lộn các tình huống trong các phân đoạn có vấn đề nhằm cứu các cảnh quay không hợp lý”.
Một góc phòng dựng phim
Gian nan nghề dựng phim
Có lần, trong một phân đoạn, đạo diễn phải cho đi quay lại tới... ba lần. Bởi lúc thì màu sau sai với màu trước, lúc trục quay sau không khớp với cảnh quay đầu... Điều này khiến anh D.O.P (giám đốc hình ảnh, quay phim) nổi quạu, gây sự với anh dựng phim. Cuối cùng, phải hẹn nhau lên phòng dựng để chiếu lại cho rõ đuôi đầu. Nhưng đến ngày hẹn, anh DOP biến mất, khiến Thanh Hải phải dựng theo ý mình với sự quan sát của đạo diễn. Khi phim ra mắt, được nhiều người khen có nhiều cảnh dựng mới lạ, bất ngờ đầy hấp dẫn. Anh D.O.P lúc này mới bẽn lẽn đến bắt tay chúc mừng, xem như làm hòa. Không ngờ sau chuyện này, Thanh Hải và anh D.O.P lại trở thành đôi bạn thân cùng giúp nhau tiến bộ.
Còn ở một bộ phim khác, lúc đầu ê kíp muốn xây dựng câu chuyện theo tình tiết ly kỳ có chút ma mị để hấp dẫn người xem. Nhưng do phim có nhiều tình tiết nhạy cảm khiến hội đồng duyệt không... duyệt. Bỏ thì tiếc, chiếu thì không xong, ê kíp đành quay thêm và chỉnh sửa câu chuyện theo gu hài hước. Như vậy, phim được dựng sửa gần như nát đường dây câu chuyện. Nhận các ca “nguy hiểm” thế này, chuyên gia dựng phim nhiều lúc toát mồ hôi hột, thức trắng nhiều đêm để “hàn gắn” câu chuyện sao cho hợp lý nhất trong khả năng cho phép. Thanh Hải bảo: “Lần đó dựng xong, tôi trốn luôn đạo diễn không dám gặp mặt, vì sợ kêu dựng lại nữa thì ngán quá!”.
Ở hiện trường, khi đạo diễn gặp sự cố là ra lệnh: “Cứ quay đi, có gì về có “thằng dựng” nó... cứu”. Nhưng hỡi ơi đâu phải lúc nào cũng cứu được. Nhiều lúc cắt cảnh gần hết, sau đó phải đảo thứ tự các phân đoạn để mạch phim trơn tru hơn, còn bàn về tính hấp dẫn thì xin... thua!
Một lớp học dạy về dựng phim
Thị trường của nghề dựng phim
Thời phim ảnh “nở nồi” nên nghề dựng không thiếu việc làm. Nhưng dựng phim là một nghề ẩn mình, tuy rất quan trọng mà không mấy được công chúng để ý đến tên tuổi. Việc học nghề dựng có khá nhiều trường và các hãng phim đào tạo. Song để trở thành một chuyên viên dựng phim giỏi là chuyện hoàn toàn khác.
Dân trong nghề kháo nhau, đạo diễn Hàm Trần – từng làm các phim Âm mưu giày gót nhọn, Đoạt hồn, Siêu trộm… - là người có phong cách dựng độc đáo theo gu của phương Tây. Đạo diễn Victor Vũ (từng làm các phim Thiên mệnh anh hùng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lôi báo…) cũng là một “phù thủy” trong phòng dựng, luôn biết cách biến hóa, thêm một bớt mười đầy ma thuật, nên hầu hết các bộ phim anh thực hiện luôn có những cảnh cực kỳ hấp dẫn và đầy bất ngờ.
Lữ Đắc Long