Phim Tài liệu

Nghệ nhân dân gian Tăng Phát Vinh

Nghệ nhân dân gian Tăng Phát Vinh (Ba Vinh) sinh năm 1926, ấp Cây Trâm, xã Định Bình, thành phố Cà Mau. Ông là một trong bốn nghệ nhân có nhiều công lao gìn giữ, đóng góp quan trọng đối với sự hình thành và phát triển Đờn ca Tài tử Nam Bộ.

Chân dung Nghệ nhân Tăng Phát Vinh

Theo khảo sát của Viện Âm nhạc Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX đến nay, 4 nghệ nhân đã có nhiều công lao giữ gìn và truyền bá rất quan trọng đối với Đờn ca Tài tử Nam Bộ phải kể đến đó là: Cao Văn Lầu, Lâm Tường Vân, Thái Dắc Hàn và Tăng Phát Vinh. Nhờ đam mê và có năng khiếu bẩm sinh, từ nhỏ tên tuổi Tài tử Ba Vinh đã nổi tiếng khắp xứ Cà Mau, bởi những ngón đờn điêu luyện, làm xao động lòng người. Âm thầm vì sự nghiệp cầm ca, trăn trở vì bộ môn nghệ thuật này chưa tập hợp đầy đủ để lưu giữ một cách bài bản dành tặng cho các Câu lạc bộ Đờn ca Tài tử, ông sưu tầm, biên soạn, hiệu đính và truyền bá các điệu thức trong 20 Bài bản tổ cổ nhạc cho nhiều thế hệ. 

Liên hoan Đờn ca tài tử tại Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

Riêng tập tài liệu sưu tầm, ghi chép về Nghệ thuật Đờn ca Tài tử lưu giữ suốt hơn 70 năm của Nghệ nhân Tăng Phát Vinh, “Bộ từ điển”, đã góp vào bộ hồ sơ trình UNESCO công nhận Đờn ca Tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại tháng 12/2013. Trong số này có những bản gốc ít người biết đến như: Nam xuân, Nam ai, Phụng hoàng, Phụng cầu, Đảo ngũ cung… nguy cơ sẽ thất truyền, được ông sắp xếp, bố cục lại trong tập sách Tự học Đờn ca Tài tử. 

Nghệ nhân Tăng Phát Vinh với tập tài liệu trình UNESCO công nhận đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Ngày 26/12/2013, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam có quyết định công nhận Danh hiệu Nghệ nhân dân gian về lĩnh vực Thực hành và Truyền dạy Đờn ca tài tử cho ông Tăng Phát Vinh, và tặng kỉ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam. Đây là vinh dự lớn đối với nghệ nhân tiêu biểu, xuất sắc, nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng, gìn giữ và phát triển nền văn hóa dân tộc. Ông xứng đáng là “một trong những danh cầm của đờn ca tài tử Nam Bộ”, là “cây đại thụ” và còn là “bộ từ điển” của loại hình nghệ thuật dân gian này. 

Nghệ nhân Tăng Phát Vinh cùng học trò

Đến nay dù đã trên 90 tuổi, ông vẫn nhớ từng chi tiết khi nói về quá trình hoạt động nghệ thuật âm nhạc truyền thống hoặc nhắc đến những bạn bè chí cốt, đồng cam, cộng khổ trong chiến đấu, trong lao tù… Ông mãn nguyện vì mình đã góp phần cho cuộc kháng chiến của dân tộc và mong sao con cháu, học trò của mình biết trân trọng nghệ thuật chân chính và giá trị thâm sâu của loại hình đặc sắc này. Với thời lượng 20 phút, bộ phim tài liệu này sẽ khắc họa về chân dung ông.

Đón xem bộ phim tài liệu “Nghệ nhân dân gian Tăng Phát Vinh” phát sóng lúc 15g thứ ba (17/5) trên kênh HTV9.

Thùy Trang