Khán giả của “Cầu vồng ngũ sắc” (phát sóng lúc 9g10 thứ Ba - ngày 30/10 trên HTV9) sẽ thưởng thức những bản nhạc do nghệ sĩ miền sông nước Cửu Long Nguyễn Nghiệp thể hiện.
Nghệ sĩ Nguyễn Nghiệp yêu đàn Nguyệt bởi tiếng đàn mang nét đẹp và ngôn ngữ của quê hương
Xin chào nghệ sĩ Nguyễn Nghiệp. Trong chương trình “Cầu vồng ngũ sắc” tháng 10, HTV thực hiện riêng một chương trình tiếng đàn Nguyệt – Nguyễn Nghiệp. Anh có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi tham gia chương trình này?
Tôi thật sự rất vui và phấn khởi. Cảm ơn HTV đã tạo nên một chương trình đặc sắc và có ý nghĩa. Ý nghĩa không chỉ với riêng tôi mà còn với các anh, chị có chung niềm đam mê nhạc cụ dân tộc. Thông qua chương trình, khán giả và đặc biệt là các bạn trẻ, sẽ hiểu và thêm yêu mến bộ môn nhạc cụ của dân tộc ta.
Tiết mục “Lý quạ kêu” trong chương trình “Cầu vồng ngũ sắc” của HTV
Thông qua chương trình, anh muốn gửi gắm những điều gì tới người yêu nhạc dân tộc?
Tôi mong rằng, mọi người hãy chung tay góp phần phổ biến và phát huy những giá trị của nhạc cụ dân tộc, để loại hình này đến gần hơn nữa với công chúng. Đặc biệt là những bạn trẻ có xu hướng yêu thích âm nhạc hiện đại, sẽ được tiếp cận, được nghe và hiểu biết hơn về giá trị văn hóa truyền thống.
Cơ duyên của anh đến với cây đàn Nguyệt như thế nào?
Năm 2010, tôi theo học nhạc cụ dân tộc tại trường Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, và đây cũng là lần đầu tiên tôi được nghe tiếng đàn Nguyệt (đờn Kìm) qua ngón đàn của thầy tôi. Tiếng đàn làm tôi cảm thấy thích thú và muốn tìm tòi, học hỏi. Sau thời gian theo học, tôi cảm thấy yêu thích và muốn gắn bó với nhạc cụ này.
Theo học loại nhạc cụ này có vất vả không, thưa anh?
Lúc tôi mới tập làm quen với nhạc cụ này thì khá vất vả, do các ngón tay chưa quen với dây đàn nên rất đau, đôi khi bị phồng, thậm chí còn bị đứt tay.
Năm 2015, tôi thi đậu vào Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, Khoa Âm nhạc Dân tộc, chuyên ngành đàn Nguyệt nhưng ngón đàn còn rất yếu. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của thầy Huỳnh Khải (Tiến sĩ - NSƯT, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc) luôn động viên và hướng dẫn. Bên cạnh đó, tôi cũng tìm tòi và tham khảo nhiều sách, băng đĩa cùng với sự chuyên tâm luyện tập mỗi ngày, nên dần dần, ngón đàn của tôi đã phát triển và trưởng thành hơn.
Trong quá trình theo học, tôi may mắn được mọi người trong gia đình đều ủng hộ, luôn chia sẻ, động viên những lúc tôi gặp khó khăn trong học tập, cũng như những lần thi diễn. Gia đình là nguồn động viên rất lớn để tôi có được như ngày hôm nay.
Tiết mục “Thương chênh vênh” trong chương trình “Cầu vồng ngũ sắc” của HTV
Nguyễn Nghiệp dành lời khuyên nào cho các bạn trẻ có niềm yêu thích và chọn chơi đàn Nguyệt là nghề nghiệp chính của mình?
Tôi luôn ủng hộ và rất vui khi các bạn trẻ đã dần được tiếp cận nhiều hơn với âm nhạc dân tộc qua các chương trình truyền hình, cũng như các cuộc thi do địa phương tổ chức.
Nếu các bạn đã chọn nghệ thuật biểu diễn đàn Nguyệt là nghề nghiệp chính, thì phải luôn học hỏi, sáng tạo, tìm tòi để những bài nhạc mới luôn có cái hồn dân tộc.
Trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, kỷ niệm nào khiến anh nhớ đến nhiều?
Đó là một chuyến giao lưu âm nhạc truyền thống tại Hàn Quốc vào tháng 8 vừa qua. Qua chuyến đi, tôi học hỏi và tiếp thu được rất nhiều điều về văn hóa và âm nhạc truyền thống của nước bạn. Mỗi nơi đều có những nét đẹp văn hóa rất riêng và đặc trưng.
Chuyến đi là dịp tôi giới thiệu về vẻ đẹp của cây đàn Nguyệt đến với khán giả nước bạn. Đàn Nguyệt có một âm sắc và nét đặc trưng riêng không lẫn vào nhạc cụ nào khác.
Có thể nói, tiếng đàn Nguyệt mang nét đẹp của quê hương và ngôn ngữ của người Việt. Vì vậy, khi lưu diễn ở nước ngoài, người xem sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của con người và quê hương Việt Nam một cách chân thật và gần gũi nhất.
Nguyễn Nghiệp trong chương trình giao lưu âm nhạc truyền thống tại Hàn Quốc vào tháng 8/2018
Anh có hài lòng với những gì đạt được? Và mong muốn của anh để phát triển sự nghiệp trong tương lai?
Đến thời điểm này, tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều nhờ vào quá trình trải nghiệm qua những hội thi, hội diễn và đạt những thành tích tốt, nhưng không vì vậy mà tôi thỏa mãn, tự cao.
Tôi luôn lấy đó làm động lực để cố gắng nhiều hơn nữa. Trong tương lai, tôi sẽ trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm, và sáng tạo thêm những điều mới mẻ để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc.
Nguyễn Nghiệp luôn sáng tạo để thỏa mãn niềm đam mê
Huy Hoàng