Sau 13 năm gắn bó, cùng sống và làm việc với đàn Bầu, nghệ sĩ Thu Thảo xem cây đàn như “người yêu lâu năm” của mình.
Với Thu Thảo, khi nhắc đến đàn Bầu là nhắc tới vẻ đẹp của quê hương Việt Nam
Lần đầu tiên nhìn thấy đàn Bầu, Thu Thảo thấy lạ và cô suy nghĩ: “Tại sao cây đàn này có 1 dây mà có thể đánh được các bản nhạc, trong khi đàn Tranh có tới 17 dây?”. Thu Thảo tò mò về cây đàn Bầu và nhanh chóng say mê và cô đã thi đậu vào Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh để theo đuổi cây đàn Bầu tới bây giờ.
Thu Thảo mê mẩn đàn Bầu từ món quà đặc biệt
Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha
Bản thân Thảo là một đại diện của thế hệ 9X chơi nhạc cụ truyền thống. Thảo luôn mong muốn truyền lửa đam mê đến với nhiều bạn trẻ khác. Vì thế, khi nhận được lời mời tham gia biểu diễn trong chương trình Cầu vồng Ngũ sắc (phát sóng trên HTV), Thảo rất vui và đồng ý ngay.
Thông qua chương trình, các bạn trẻ được biết và tiếp cận các loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Các bản nhạc trẻ được hoà âm, phối khí mới cho nhạc cụ dân tộc biểu diễn phần nào “đánh đúng” vào cảm xúc và xu hướng âm nhạc của các bạn trẻ hiện nay. Sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc cùng với các thể loại nhạc trẻ mới như Ascoutic, EDM, tứ tấu dây…, giúp người nghe hiểu và yêu mến hơn các loại nhạc cụ dân tộc.
Mong muốn đàn Bầu đến gần với các bạn trẻ
Thảo sinh ra trong gia đình không có ai theo ngành âm nhạc. Nhà Thảo chỉ có 2 anh em. Tuy nhiên, ba mẹ Thảo rất thích âm nhạc nên đã hướng Thảo đi theo con đường nghệ thuật.
Đến nay, Thảo đã theo đuổi con đường âm nhạc dân tộc được 13 năm. Để thành thạo được một nhạc cụ, đòi hỏi người chơi phải rất kiên trì rèn luyện. Thảo nghĩ rằng, sự đam mê và nhiệt huyết sẽ giúp mình vượt qua những khó khăn. Sự thú vị của đàn Bầu đã cuốn hút Thảo một cách mạnh mẽ, do đó, Thảo đã học một cách say mê và có được thành quả như bây giờ.
Tuy đàn Bầu chỉ có một dây nhưng khả năng biểu diễn của đàn Bầu rất đa dạng. Âm trầm thì ấm, âm cao thì thánh thót. Tầm âm trung thì rất ngọt ngào. Chính vì thế, khi đàn Bầu tham gia trình diễn với các nhạc cụ khác sẽ tạo ra một nét riêng mà bất kể người Việt Nam nào cũng có thể cảm nhận được. Khi nhắc đến đàn Bầu là nhắc tới vẻ đẹp của quê hương Việt Nam.
Tự hào với nét riêng mang đậm hồn dân tộc của đàn Bầu
Mang đàn Bầu... đi đánh ở xứ người
Từ năm 2013 đến nay, Thảo đã đi lưu diễn khá nhiều nơi trên thế giới. Ngoài những chương trình biểu diễn giới thiệu về nhạc cụ truyền thống Việt Nam, Thảo cũng đã tham gia các chương trình kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống Việt Nam với nhạc cụ truyền thống các nước (biểu diễn cùng liên đoàn nghệ thuật Doboresup – Hàn Quốc); đàn Bầu kết hợp với Saxophone và kèn Clarinet (biểu diễn cùng hai giảng viên học viện âm nhạc Tournai – Bỉ).
Năm 2016, Thảo được tham dự chương trình giao lưu văn hoá kéo dài 5 tháng tại Hàn Quốc. Trong 5 tháng ấy, Thảo đã học được nhiều điều bổ ích cho bản thân mình. Điều Thảo ấn tượng nhất trong chuyến đi, đó là cách bảo tồn và quảng bá Âm nhạc - Nhạc cụ truyền thống của người Hàn Quốc. Đặc biệt là được tham dự những chương trình biểu diễn nhạc truyền thống ngoài trời, nhằm mục đích giải trí cuối tuần cho người dân nơi đây, với quy mô lớn như một chương trình biểu diễn nhạc Kpop.
Người dân khi tới xem chương trình, họ vô cùng thích thú và cổ vũ rất nhiệt tình. Từ đó, bản thân Thảo luôn có một suy nghĩ, làm sao để người dân Việt Nam cũng thích thú khi xem những chương trình biểu diễn nhạc truyền thống như thế.
Thu Thảo mong ước người dân Việt Nam sẽ thích thú xem những chương trình biểu diễn nhạc cụ truyền thống
Mong muốn làm mới và “trẻ hoá” nhạc cụ dân tộc
Xã hội luôn phát triển, bản thân Thảo cũng phải luyện tập và trau dồi thêm nhiều kiến thức cho bản thân. Bên cạnh đó, Thảo cũng giống như nhiều thế hệ nghệ sĩ khác, luôn muốn truyền bá nét đẹp của nhạc cụ truyền thống Việt Nam nói chung, của đàn Bầu nói riêng, tới khán giả trong và ngoài nước.
Ngày nay, trong xu thế đất nước hội nhập, việc sử dụng nhạc cụ dân tộc với các thể loại âm nhạc khác nhau cũng là một cách tạo nên sự mới lạ. Hiện nay, có hai hướng cho người chơi nhạc cụ dân tộc: Một là, đi theo hướng truyền thống với những bản nhạc cổ; Hai là, đi theo hướng phối hợp nhạc cụ dân tộc với những thể loại, phong cách nhạc mới. Thảo đang hướng mình theo hướng đi thứ 2. Sử dụng những kỹ thuật cũng như kiến thức mình đã học để làm mới và “trẻ hoá” nhạc cụ dân tộc, nhưng vẫn giữ bản sắc vốn có của nó.
Trong ngày 28/7 vừa qua, Thảo rất vui khi được cùng Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh thực hiện chương trình “Fusion 7.5” – một chương trình kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc cùng band ascoutic STAY.the.SAME, nhạc điện tử EDM và dàn hợp xướng trẻ UHYC. Một buổi biểu diễn thành công với sự đam mê và sự sáng tạo của các bạn trẻ.
Thảo đang rất háo hức với hai chuyến lưu diễn tại Hàn Quốc và một số chương trình biểu diễn trong nước trong tháng Tám này. Bên cạnh đó, Thảo sẽ cho ra mắt thêm một số sản phẩm âm nhạc như những gì Thảo thể hiện trong chương trình Cầu vồng ngũ sắc.
Thu Thảo mong muốn làm mới và “trẻ hoá” nhạc cụ dân tộc
Hoa Đỗ Quyên