Sau khi đạt giải Chuông bạc, tại cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” 2014 do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức, Thy Nhung có thêm nhiều cơ hội thể hiện khả năng và trở thành cái tên thân quen trên những sân khấu hát cải lương, dân ca.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không ai làm nghệ thuật, nhưng từ nhỏ những làn điệu dân ca Nam bộ, cải lương đã thôi thúc niềm đam mê, khát khao được hát của Linh Phượng (nghệ danh Thy Nhung). Trải qua nhiều thử thách, cô gái có vóc dáng nhỏ bé với chất giọng ngọt ngào và trong sáng ấy chưa một lần lung lay tình yêu ca hát cải lương.
Từ nhỏ, Thy Nhung đã thích ca hát, nhà lại ở gần rạp hát An Nhơn Tây (Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) nên cô thường qua rạp hát chơi, xem các nghệ sĩ hát. Nhìn thấy Thy Nhung có tố chất của người nghệ sĩ và đam mê khi còn nhỏ, ông Bảy Lập - nghệ sĩ trong rạp hát, đã tập cho Thy Nhung những câu ca cổ nhạc đầu tiên, những luyến láy ngân nga trong hát dân ca. Cũng từ đó, hát dân ca và cải lương đã len lỏi vào cuộc sống của Thy Nhung tự lúc nào không hay. Cô tích cực hát mọi lúc mọi nơi, ngoài những buổi học Thy Nhung còn phụ giúp ba mẹ việc nhà xong là lại chạy qua rạp hát nghe các cô chú tập luyện.
Mặc dù trong gia đình không ai theo nghệ thuật, nhưng điểm chung của họ là đều yêu thích bộ môn cải lương nên đã luôn ủng hộ Thy Nhung theo con đường đã chọn. Nhà ở Củ Chi, mỗi tuần một buổi, Thy Nhung cùng ông ngoại vượt hơn 60km đến nhà thầy Bạch Long để theo học ca cổ nhạc và vũ đạo tuồng cổ. Rồi có những lần tham gia các cuộc thi ở Bình Dương, ông ngoại cũng là người chở Thy Nhung đi thi từ sáng sớm tinh mơ cho tới hôm sau mới về tới nhà.
Năm 1996 khi Thy Nhung mới 12 tuổi đã dự thi Giọng ca vàng của báo Mực Tím qua bài hát Hình bóng quê nhà. Sở hữu chất giọng đồng quê mượt mà, Thy Nhung đã được đánh giá cao và mang một dấu ấn rất riêng. Năm 2000, Thy Nhung tiếp tục tham gia cuộc thi ca vọng cổ giải Bông lúa vàng do Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức và giành giải thưởng giải đặc biệt dành cho thí sinh nhỏ tuổi hát hay nhất. Năm 2004, lần đầu tiên Thy Nhung tham gia cuộc thi Tiếng hát truyền hình do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chúc và đã vào vòng chung kết. Ngoài ra, cô còn tham gia nhiều cuộc thi như huy chương vàng cuộc thi Liên hoan các trường ĐH-CĐ sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009, giải nhất Tiếng hát phát thanh tỉnh Kiên Giang năm 2010...
Trong thời kỳ khó khăn của sân khấu cải lương hiện nay, Thy Nhung không hề ngại gian khó và luôn luôn tự nhủ bản thân phải siêng năng luyện tập, học hỏi từ thầy cô, các bậc đàn anh đàn chị và tìm tòi sáng tạo cho vai diễn để mang đến những điều mới mẻ cho công chúng
Ít ai biết rằng, để thực hiện được ước mơ theo đuổi ca hát, năm 15 tuổi Thy Nhung đã đến học tập tại gia đình thầy cô - nghệ sĩ Hoài Thanh và Đỗ Quyên. Đây cũng chính là hai người thầy đã dạy cho Thy Nhung những bước đi căn bản nhất, tạo điều kiện cho Thy Nhung được đi diễn và trưởng thành. Sau 4 năm, vừa học văn hóa, vừa học hát và hằng đêm ca hát trên sân khấu Câu lạc bộ cải lương Hoài Thanh - Đỗ Quyên trong quán ca nhạc Bông Lúa, Thy Nhung đã trở nên cứng cáp hơn và có thể tự lập trên con đường mình đang đi.
Sau khi đạt danh hiệu Chuông bạc 2014, đồng thời nhận giải do Hội đồng Báo chí bình chọn, Thy Nhung luôn tự nhắc nhở bản thân phải trân trọng những gì mình đang có, không ngừng học hỏi, sáng tạo để mang đến những vở diễn cải lương gần gũi với khán giả. Có lẽ đó là cách báo hiếu có ý nghĩa nhất tới ông ngoại, tới gia đình, tới thầy cô đã dạy dỗ, nâng đỡ Thy Nhung suốt thời gian qua.
Thy Nhung có thể chia sẻ về công việc hiện tại và một số vai diễn nổi bật trong thời gian qua?
Khi đạt danh hiệu Chuông bạc, Thy Nhung luôn tự nhắc nhở bản thân phải trân trọng những gì mình đang có, không ngừng học hỏi, sáng tạo để mang đến những vai diễn gần gũi hơn với khán giả.
Công việc hiện nay của Nhung khá ổn, vai diễn nhiều hơn, cuộc sống cũng dễ chịu hơn! Vai diễn thì nhiều nhưng Nhung yêu thích và ấn tượng là vai cô Út trong vở Lọ nước thần diễn trên sân khấu Ngân mãi chuông vàng. Khác hẳn với tính cách một cô đào thương như những vai diễn trước, đây là một cô đào lẳng lơ và hài hước – một vai diễn mà Nhung không dám nghĩ mình có thể đảm nhận! Ngoài niềm đam mê cải lương, Nhung còn theo đuổi dòng nhạc dân ca và còn tham gia diễn xuất tại sân khấu kịch Hồng Vân, đồng thời đang học năm thứ 2 – khóa học đạo diễn tại Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh.
Có thể nói Thy Nhung là người của sân khấu cải lương, vậy cơ duyên nào đưa bạn đến với sân khấu kịch Hồng Vân?
Thật ra, sở trường của Nhung vẫn là hát cải lương, dân ca và cố gắng sắp xếp mọi thứ khoa học nhất để không ảnh hưởng đến việc đi hát. Còn cơ duyên đến với sân khấu kịch cũng là may mắn khi được NSND Hồng Vân nhận thấy Nhung có tố chất về diễn xuất và hát cải lương nên chọn vai cho Nhung với nhân vật có thể nói, diễn và hát trong vở kịch và Nhung cũng rất thích. Đây là cơ hội tuyệt vời cho Nhung trải nghiệm và học hỏi từ những bậc tiền bối như cô Hồng Vân.
Xin cho biết những vai diễn gần đây của Thy Nhung trên sân khấu cải lương nói chung, của HTV nói riêng?
Nhung vẫn thường xuyên tham gia các trích đoạn cải lương và tân cổ giao duyên. Cách đây không lâu, Nhung củng tham gia diễn một trích đoạn cải lương Bà Chúa Thơ Nôm chung với cô Thanh Hằng. Gần đây nhất, Nhung cùng các chị nghệ sĩ như anh Lê Tứ, Mỹ Hằng... tham gia ca cảnh nói về biển đảo Trường Sa, phát sóng trên HTV trong dịp Tết vừa qua. Vào vai diễn này, Nhung hoá thân thành cô sinh viên đến thăm Trường Sa và cảm nhận được sự vất vả, hy sinh của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió.
Thy Nhung có suy nghĩ hay trăn trở gì về tình hình sân khấu cải lương hiện nay?
Dù cải lương không còn là thời hoàn kim như trước đây, nhưng Nhung vẫn rất yêu quý và tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này. Nhung nghĩ, nghệ thuật cải lương không phải chỉ để giải trí mà còn là một nét văn hoá độc đáo trên quê hương Việt Nam. Và dù đi đâu trên thế giới này, chỉ cần ngâm nga vài câu vọng cổ thì những người con xa quê điều cảm nhận được sự gần gũi, thân thương và gợi lên nỗi nhớ nhung da diết về chính quê hương của mình. Nhung nghĩ, không chỉ riêng Nhung mà hầu hết những ai đang sống và đam mê với nghệ thuật cải lương đều mong muốn và cố gắng hết mình để khán giả không quên và luôn ủng hộ. Điều này giúp cho các thế hệ nghệ sĩ như Nhung được tiếp thêm lửa để tiếp tục duy trì, gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
Cám ơn Thy Nhung về cuộc trò chuyện này!
Minh Phương. Ảnh: NVCC