Trao đổi chuyện nghề

Nghệ sĩ Trung Dân: “Tôi thấy ngại khi xem lại phim mình đóng”

Suốt gần 30 năm làm nghề, tôi đã xây dựng được trong lòng khán giả hình ảnh một lão nông dân đậm chất miền Tây, hài hước nhưng khó tính trên sân khấu.

“Hai lúa” Trung Dân gắn liền với chiếc áo bà ba và khăn rằn gần 30 năm qua

Tôn thờ “thánh đường” sân khấu

Từ nhỏ, tôi đã đam mê nghệ thuật. Gia đình lúc ấy chẳng khá giả gì nhưng khi đã xác định được hướng đi cho mình, tôi chẳng chần chừ gì và nộp đơn ngay vào trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh) và tốt nghiệp khóa diễn viên vào năm 1992. 

Con đường nghệ thuật chuyên nghiệp lúc ấy nghe có vẻ xa vời với những đứa sinh viên vừa ra trường như chúng tôi. Lúc ấy, cha mẹ khuyên tôi chọn nghề khác, yên phận cưới vợ và tìm một cuộc sống bình dị, ổn định. Nhưng rồi, bạn biết đấy, nếu tôi sớm chùn bước thì chắc đã không có một “gã hài” Trung Dân như bây giờ. 

Ngay từ lần đầu tiên đặt chân lên sân khấu với vai Mười hớt tóc trong vở kịch Dưới bóng cây bồ đề, được phát sóng trên HTV, tôi đã tâm niệm sân khấu là “thánh đường nghệ thuật” và người nghệ sĩ là những ông vua bà chúa trên đó. Chính vì vậy, sự hồ đồ, hời hợt của những người làm nghệ thuật trên "thánh đường" đó là điều “tội lỗi” và không thể tha thứ. 

Không dám xem lại phim mình đóng

Thú thật, tôi rất ít khi xem lại những vai diễn của mình, dù là trên sân khấu hay phim ảnh. Nên đôi khi những nhà báo hỏi tôi nhận xét về những vai diễn tôi từng đóng, tôi đều lắc đầu chịu thua. Ngay cả Bìm bịp kêu chiều, bộ phim truyền hình đầu tay mà tôi làm từ kịch bản, đạo diễn đến sản xuất mà tôi cũng không xem. Tôi ngượng khi nhìn thấy mình trên phim, dù là ở bất kỳ màn thể hiện nào. 

Hay khi tôi vào một vai phụ trong phim điện ảnh Đường đua của Hồng Anh, mặc dù vai diễn đó được mọi người khen ngợi nhưng do chưa xem bộ phim này, tôi cũng chẳng biết mình đã làm gì trong đó để được đánh giá cao như vậy. 

Mới nhất, tôi góp mặt trong hai bộ phim điện ảnh khác là Hot boy nổi loạn 2 của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Lô tô của đạo diễn trẻ Huỳnh Tuấn Anh. Cả hai kịch bản phim này tôi đều khá thích vì tính cách nhân vật và chiều sâu của nội dung được nhào nặn bởi hai đạo diễn có tâm với nghề. 


NS Trung Dân nói mình thích đóng những vai phản diện vì có nhiều đất diễn hơn

Làm phim nông dân để giúp chính mình

Nhiều năm qua, đã có không biết bao người hỏi tôi vì sao luôn chọn cho mình hình ảnh của một anh nông dân hay một “gã Hai lúa” nhà quê, khờ khạo trong suốt hơn 100 vai diễn trên sân khấu và phim ảnh. Nhiều người bảo tôi là gã nông dân trong cuộc chơi nghệ thuật. Ngó vậy mà gã Hai lúa này cũng đã sống được với cái nghề thị phi này gần 30 năm.

Thật ra, tôi đóng vai người nông dân, làm phim về họ cũng là cách tôi giúp chính mình. Bởi lẽ ít ai biết tôi cũng là một nông dân chính hiệu, cũng có cả mảnh vườn trồng bưởi hẳn hoi. Tuy không phải ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, không phải lấm lem bùn đất đến thối rữa hai tay nhưng tôi hiểu và thấm được cái nỗi thống khổ của họ. 

Nghệ sĩ là chiến sĩ, tôi khó có điều kiện cầm súng nên chắc chỉ có thể cầm micro, cầm bút để tạo nên những truyện ngắn hay những kịch bản phim không chỉ phản ánh những khuất tất đằng sau nỗi nhọc nhằn của cái nghề chân tay lấm lem đó, mà còn là cách để thức tỉnh những ai đang vô tình hay cố tính quên đi cái gốc “lúa nước” của mình. 


NS Trung Dân lần đầu thử làm đạo diễn truyền hình trong bộ phim “Bìm bịp kêu chiều” 

Kết hôn sớm để bình yên chốn về 

Tôi quan niệm đồng tiền có được từ nghệ thuật là đồng tiền âm, dễ làm khó giữ. Từng chứng kiến biết bao đồng nghiệp “đốt tiền” cho những cuộc chơi hoang tuổi trẻ, tôi luôn cảm thấy bản thân may mắn vì đã tìm được bến đỗ bình yên từ khi còn rất trẻ. 

Sau rất nhiều cuộc tình, tôi quyết định chọn một người con gái hiền lành và mộc mạc làm người đồng hành trăm năm, đó chính là bà xã tôi hiện tại.

Tôi quan niệm tình nghĩa vợ chồng như “cái đăng cái đụt”. Tôi kiếm được bao nhiêu tiền đều về giao cho bà xã quản lý. Vợ tôi dù rất hiền, nhưng lại sâu sắc và nhạy bén. Chính vợ là người đã giúp tôi có được một gia đình êm ấm như hiện tại, có ngôi nhà chắc chắn để trở về, có những đứa con yêu để chăm sóc nuôi dưỡng.

Tôi học trường sân khấu điện ảnh từ ngành diễn viên đến đạo diễn, nhưng có một thứ mà giảng đường không thể dạy đuợc cho tôi, đó chính là cách đứng lên sau mỗi vấp ngã. 

Tôi ví mình như con ngựa kéo xe, nhìn thẳng về phía trước, phía sau roi càng quất mình càng lao nhanh. Nhưng con ngựa ấy cũng cần một “cái chuồng” êm ấm, làm chốn bình yên mà suốt quãng thời gian hai mươi mấy năm tôi tựa vào. 

Phương Linh (ghi theo lời kể của NS Trung Dân)