Nghệ sĩ viết

Ngô Thanh Vân: Mong muốn đưa chất liệu văn hóa xưa lên màn ảnh

Phụ nữ làm phim khó, nhưng lợi thế hơn những người đàn ông là sự chi tiết và sáng tạo. Và từ lợi thế này, tôi mong muốn đưa những nét tích xưa lên màn ảnh lớn.


Ngô Thanh Vân đang chuyển hướng điện ảnh sang đề tài xưa

Muốn nhường “đất diễn” cho nghệ sĩ trẻ

Khán giả biết đến tôi qua các bộ phim trước đây như: Dòng máu anh hùng, Lửa phật, Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám: Chuyện chưa kể… Từ một diễn viên, tôi bắt đầu chuyển hướng sang làm đạo diễn rồi kiêm luôn cả nhà sản xuất. Với tôi mà nói phụ nữ làm phim khó, nhưng lợi thế hơn những người đàn ông là sự chi tiết và sáng tạo. Và từ lợi thế này, tôi mong muốn đưa những nét tích xưa lên màn ảnh lớn, điển hình như là bộ phim Trạng Tý. 

Tôi tham gia ngành giải trí từ những ngày còn rất trẻ, và luôn tự đặt mình vào nhiều vai trò khác nhau. Mục đích là tôi muốn thỏa sức đam mê của bản thân và chinh phục những đỉnh cao mới. Mọi người thấy tôi đạt được rất nhiều mục đích trong rất nhiều vai trò nên cũng thắc mắc gọi tôi bằng danh xưng gì cho đúng. Hơn 20 năm trong nghề, tôi chỉ mong muốn được nhìn nhận là Ngô Thanh Vân thôi.

Tất cả những gì tôi làm đều có định hướng rất rõ. Có thể trong một độ tuổi, tôi nhận ra đó là thứ mình đam mê và dành thời gian nhiều nhất nhưng sau này sẽ khác. Bước vào ngành giải trí, tôi tự làm, tự học và tự rút kinh nghiệm, sau đó sẽ tìm tòi, học hỏi thêm. Tôi là vậy, dù ở bất kỳ vai trò nào, khi tôi cảm giác rằng mình đã đạt được thì tôi sẽ tìm những khó khăn mới để thử thách bản thân hoặc thay đổi để trở thành một phiên bản tốt hơn.


Nữ nghệ sĩ luôn có hướng đi rõ ràng, cụ thể trong nghề dù ở bất kỳ vai trò nào

Tôi tuyên bố Hai Phượng là vai diễn cuối cùng không phải vì lười biếng hay thiếu đam mê. Bởi tôi có cảm giác nếu như tiếp tục tiêu tốn thời gian cho việc diễn xuất nữa thì tôi sẽ không giúp thế hệ trẻ phát triển được. Sức khỏe tôi cũng không cho phép "hai chân hai xuồng", tôi thấy ở thị trường phim ảnh cần sự phát triển và một làn sóng mới. 

Tôi đã rất hạnh phúc khi được khán giả ủng hộ dù sau 12 năm mới trở lại với vai trò đả nữ. Nhưng vì chất lượng và tầm nhìn xa hơn, tôi muốn thị trường miền Nam phát triển, muốn phim điện ảnh vươn tầm ra thế giới. Tôi cần làn sóng mới đứng dậy. Giờ đây khi lùi về một bước, tôi thấy rõ những người trẻ họ có sức khỏe, đam mê, họ chỉ cần kinh nghiệm của mình để có thêm tự tin hơn. Rõ ràng họ có thể làm được nếu như họ tìm được một người thầy đúng nghĩa.

“Hai Phượng” là sản phẩm thành công nhất

Khán giả của tôi thường phàn nàn tại sao đợi phim lâu quá, tôi cũng sốt ruột khi thấy người ta làm nhiều lắm mà bản thân thì chưa làm được. Nhưng thật sự, khi đứng ở vai trò sản xuất và nhìn nhận một cách công tâm nhất cho ê-kíp, tôi không muốn hối hả làm gì. Thực chất tôi cũng muốn ra phim nhiều hơn để khán giả hả hê, thỏa thích tận hưởng những bộ phim chất lượng. Nhưng để có nhiều bộ phim đủ cả chất lẫn lượng, thực lực của tôi vẫn chưa có đủ. 

Thị trường hiện tại, “nhà nhà người người” ai cũng làm phim, chất lượng, thực lực đã ít mà dự án phim thì quá nhiều. Nếu như tôi vẫn cứ lơ là, làm thoáng qua để ra sản phẩm thì chất lượng của công ty sẽ dần mất theo. Trên hết, tên tuổi mà tôi đã có trong 20 năm qua cũng được xây dựng từ những nền tảng đó, vội một chút, đổ sụp tất cả. Và rõ ràng những bộ phim của tôi đều mang một thông điệp thay đổi và thúc đẩy thị trường làm phim bước thêm nữa. Tôi muốn khiến khán giả tự hào về phim Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng muốn đồng nghiệp hiểu rằng làm phim chất lượng là hoàn toàn có thể nếu như bạn bỏ tâm trí vào.


Ngô Thanh Vân muốn tiếp cận những cách làm phim hay trên thế giới

Những ngày đầu vào nghề, tôi chỉ muốn làm phim giải trí. Nhưng càng tiếp cận với Hollywood, tôi càng phát sinh tham vọng để làm phim chỉn chu hơn, bắt kịp với thế giới. Làm phim là cần ê-kíp, cần nhiều người chứ không chỉ một mình, nên với tôi, việc cạnh tranh với ai đó là một suy nghĩ rất dại. Qua mặt hay cạnh tranh thì chi bằng tôi mời họ cùng chung tay với mình. Thị trường điện ảnh Việt bây giờ còn non nớt quá, không thể một mình tôi kéo chất lượng phim lên được mà cần tất cả mọi người cùng chung tay lại. 

Phụ nữ làm phim rất khó vì đó là công việc cần phải nhìn một cách tổng thể. Ở góc độ một nhà làm phim, tôi phải hiểu từ khâu chuẩn bị đến khâu sản xuất và giới thiệu sản phẩm đến rộng rãi khán giả. Tuy nhiên để làm được điều đó, bạn cần có sự am hiểu rộng chứ không chỉ đơn giản là bấm máy vài thước phim. Nhưng phụ nữ lại có lợi thế ở sự chi tiết, sáng tạo và tinh tế hơn. Hai điều này cũng chính là sự kết hợp hài hòa để tôi có thể đưa ra sản phẩm hoàn thiện nhất.

Một trong những sản phẩm thành công nhất của tôi khi đưa ra nước ngoài đó là Hai Phượng. Khi bắt tay vào làm, tôi đã tính trước con đường này. Phim hành động là thể loại mang ngôn ngữ quốc tế và nó dễ tiếp cận nhất để khi ra nước ngoài quảng bá, cơ hội được chấp nhận sẽ cao hơn. Thế nhưng khi tôi cầm sản phẩm và nói rằng đây là bộ phim từ Việt Nam thì liền nhận phải những cái "trề môi" từ các nhà làm phim lớn. 

Trước đây Việt Nam chưa từng có sản phẩm nào bảo chứng về chất lượng, vậy nên những bước đầu tiên thật sự rất khó. Tôi phải đích thân sang gõ cửa rất nhiều nơi để thuyết phục họ, phải ngồi phòng chờ như một cô sinh viên ngày đầu đi xin việc. Tôi chấp nhận điều đó và từ từ thay đổi suy nghĩ của họ về những sản phẩm Việt Nam. 


Cô là khách mời của “Studio H9 - Hẹn cuối tuần”

May mắn là sau khi Hai Phượng ra mắt và công chiếu rộng rãi, tôi cảm thấy tự hào vì công sức bỏ ra là xứng đáng. Kể từ bây giờ trở đi, mối quan hệ giữa phim Việt và thế giới đã được gắn kết, chất lượng cũng đã được bảo chứng. Hy vọng những sản phẩm tiếp theo vẫn sẽ giữ vững được chất lượng để không làm mất đi niềm tin người ta đã dành cho mình. Tôi cũng từng chia sẻ vấn đề này tại Studio H9 - Hẹn cuối tuần của HTV. Đó cũng là chương trình mà tôi trút bỏ được nhiều tâm sự về chuyện nghề, chuyện phim ảnh.

Tôi rất quyết đoán trong mọi việc và hiểu rằng khi muốn đạt được thành công thì cần phải rõ ràng trong mọi chi tiết và vấn đề. Đối với những ai mơ mộng, không chịu sống với thực tế thì sẽ không đạt được mục tiêu trong cuộc sống. Đó là những người không nên làm việc với tôi.
Ngô Thanh Vân (Tiểu Di ghi)