Kể chuyện Sài Gòn xưa

Người dân đánh trống kêu oan

Xem các phim truyền hình về Bao Công, người ta thấy trước phủ Khai Phong có một cái trống lớn, bất cứ người dân nào có chuyện oan ức đều có thể đến trước phủ đường đánh trống kêu oan, đơn kêu oan lập tức được công sai đưa vào phủ đường để Bao Công cứu xét


Tượng Bùi Hữu Nghĩa 

Theo phong kiến ở nước ta, tại kinh đô Huế, cũng có đặt trống trước cổng Bộ Hình để dân tới kêu oan. Và trong lịch sử đã có những vụ án oan ức cuối cùng đã được giải oan, nhờ quy định cho phép người dân đến đánh trống để xin triều đình xét lại.

Đánh trống kêu oan cứu chồng

Bùi Hữu Nghĩa (1807 – 1872) là một nhà nho yêu nước nổi tiếng ở miền Nam. Ông là người Long Tuyền (Bình Thủy, thuộc tỉnh Cần Thơ) năm 28 tuổi đỗ giải nguyên (đứng đầu khoa thi Hương) nên thường được gọi là Thủ khoa Nghĩa.

Sau khi thi đỗ, ông được bổ nhiệm làm tri huyện Phước Long (Biên Hòa), sau đó được thăng làm tri phủ Trà Vang (Trà Vinh), bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh Vĩnh Long nằm dưới quyền cai trị của tổng đốc Trương Văn Uyển và bố chánh Truyện.

Thủ khoa Nghĩa tánh tình cương trực, làm quan rất thanh liêm, không tư vị bất cứ người nào. Em vợ của bố chánh Truyện hay có thái độ hỗn xược, vì thế bị Thủ khoa Nghĩa cho lính đánh đòn. Bố chánh Truyện do đó rất thù ông và tìm dịp hãm hại. Lúc bấy giờ, nông dân ở Trà Vang làm ruộng đều được miễn thuế thủy lợi. Sau đó, có kẻ lo lót với tổng đốc Uyển và bố chánh Truyện giành nguồn thủy lợi ấy và đắp đập để khai thác. Nông dân kéo nhau đến kiện ở dinh Tri phủ Bùi Hữu Nghĩa. Tri phủ phán rằng, sử dụng nguồn thủy lợi miễn thuế là ân huệ của triều đình ban cho nông dân địa phương. Nay kẻ khác đến tranh giành chính là có tội.

Nông dân được lời phán ấy liền phá đập, do đó xảy ra xô xát đẫm máu, một số tay chân của bọn hào lại mất mạng, một số nông dân bị bắt. Tổng đốc và bố chánh Vĩnh Long bắt luôn Thủ khoa Nghĩa giải về Gia Định rồi dâng sớ lên triều đình, buộc vào tội lạm phép giết người.

Đứng trước nỗi oan tình, bà Thủ khoa Nghĩa quyết tâm lặn lội ra Huế minh oan cho chồng. Bà tên là Nguyễn Thị Tồn, con gái đầu lòng của ông Nguyễn Văn Lý, vốn là gia chủ nơi ông Bùi Hữu Nghĩa trú ngụ khi ông lên Biên Hòa học với ông đồ Hoành.

Bấy giờ, đường bộ đi lại rất khó khăn, bà phải đi ghe bầu đến kinh đô, tìm đến tư dinh của Phan Thanh Giản (lúc bấy giờ đang làm thượng thư Bộ lại) để trình bày sự lộng quyền của các quan tỉnh Vĩnh Long. Theo sự hướng dẫn của cụ Phan, bà đến Tam pháp ty, cầm dùi khua 3 hồi trống.


 Mộ Bùi Hữu Nghĩa ở Bình Thủy (Cần Thơ)

Tam pháp ty gồm người của 3 cơ quan là Bộ hình, Đô sát viện và Đại lý viện, chỉ họp liên tịch để xét xử những vụ án bất thường, khi có người đến đánh trống để kêu oan. Bà thủ khoa vừa đánh trống, thì một viên đội chạy đến thu tờ trạng đem vào cho trực thân, là viên quan trực trong nội điện. Ông này dâng tờ trạng lên vua Tự Đức, vua giao cho Tam phát ty nghị án, rồi chính vua chung thẩm bản án như sau: “Tha tội tử hình cho Bùi Hữu Nghĩa, song phải quản tiền hiệu lực, lập công chuộc tội”.

Mẹ vua Tự Đức là bà Từ Dụ khi nghe tin này rất cảm thương người liệt phụ, bèn sai người mời vào và đích thân khen ngợi, an ủi, rồi ban cho một tấm biển chạm bốn chữ vàng “Tiết phụ khả gia”.

Cứu được chồng, bà thủ khoa từ giã kinh đô, thẳng đường về Biên Hòa, quê hương của bà. Ít lâu sau, thọ bệnh rồi mất tại làng Tân Hiệp, tổng Chánh Mỹ Thượng. Bà mất mà không được gặp lại chồng.

Còn ông thủ khoa tuy được miễn vòng tù tội, nhưng phải sung quân, đi làm thủ ngự ở Vĩnh Thông (Châu Đốc). Khi hay tin bà mất, ông vội về nhưng đến nơi thì việc tống táng đã xong, ông sụt sùi đọc bài văn tế có những câu thống thiết như sau:

Nơi kinh quốc mấy hồi trống dóng, biên bạch này oan nọ ức, đấng hiền lương mất thảy đau lòng.
Chốn tinh đường một tiếng hét vang, hẳn hòi lẽ chánh lời nghiêm, là bằng đáng tai nghe đều mất vía.
Ông còn viết đôi liễn thờ vợ như sau:
“Ngã bần, khanh nặng trị, ngã oan khanh năng minh, triều đã giai xưng khanh thị phụ.
Khanh bệnh, ngã bất dược, khanh tử, ngã bất táng, giang sơn ứng tiếu ngã phi phu.
Dịch nghĩa là:
“Ta nghèo, mình hay giúp đỡ, ta tội mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là đáng vợ.

Mình bệnh ta không thuốc thang; mình chết, ta không mai táng, non sông cùng cười chẳng xứng gọi là chồng”.

Sau khi giải ngũ, ông chán nản việc đời, trở về quê quán tại Bình Thủy mở trường dạy học, sống cuộc đời ẩn dật, thường hay uống rượu ngâm thơ với bạn là cử nhân Phan Văn Trị. Bùi Hữu Nghĩa mất năm 1872, thọ 65 tuổi. Tài đức của ông được sĩ phu và nhân dân rất trọng vọng, mến yêu. Ông để lại vở tuồng Kim thạch lương duyên có giá trị văn chương cao, một số bài thơ chữ Việt và chữ Hán, biểu lộ tấm lòng yêu nước thương dân nồng nàn.

Ông già Ba Tri đánh trống kêu oan

Ba Tri là tên gọi nôm na của làng An Bình Đông tỉnh Bến Tre. Lúc bấy giờ là đời vua Minh Mạng. Đứng đầu làng Ba Tri là Thái Hữu Kiểm là con cháu của dòng hộ Thái Hữu từ Quảng Ngãi vào lập nghiệp đã mấy đời, có công lập làng, tập hợp dân chúng để làm ăn, tuần phòng giặc cướp.


Hình tượng ông già Ba Tri

Dân chúng gọi ông Thái Hữu Kiểm là trùm Cả Kiểm. Ông chủ trì việc xây cất chợ Ba Tri, cho đắp lại con đường từ Ba Tri đi Vĩnh Đức Trung và từ Ba Tri đi Phú Lễ. Nhờ đó, chợ Ba Tri (còn gọi là chợ Trong) trở nên nhộn nhịp, đông đảo kẻ bán người mua. Cách đó 3 cây số là chợ Ngoài, thuộc làng An Hòa Tây, chợ này lại thưa thớt, vắng vẻ. Thấy vậy, hương chức làng An Hòa Tây cho đắp một con đập ngăn cách, khiến cho ghe xuồng từ sông Hàm Luông không vào được chợ Ba Tri nữa. Chợ này dần dần thưa vắng người mua bán. Do mối bất hòa này, lúc đó có câu ca dao:

Chợ Dinh bán đồ con trai,

Chợ Trong bán chỉ, chợ Ngoài bán kim.

Ông Kiểm tức giận, kiện làng An Hòa Tây, nhưng huyện và phủ đều xử Kiểm thất kiện, với lý lẽ làng nào cũng có quyền đắp đập nước trong địa phận làng mình. Tức giận, ông trùm Kiểm quyết định cùng với hai kỳ lão làng Ba Tri ra Huế đánh trống kêu oan. Không chờ đợi đến mùa gió nồm để đi ghe bầu từ Nam ra Quảng, 3 vị lão nông cơm gói áo đùm lên đường đi bộ.

Lúc bấy giờ, Minh Mạng vừa mới lên ngôi vua. Nhà vua rất cảm mến một người mà dòng họ đã có công khai phá ở địa phương, đồng thời cùng thán phục mấy lão nông đã can đảm, chịu đựng gian khổ đi bộ từ Ba Tri ra đến kinh đô Huế. Minh Mạng truyền chỉ: “Dù làng riêng nhưng rạch chung, huyện phủ phải trông coi việc phá đập”.

Từ đó, người ta gọi chợ Trong là chợ Đập. Ông trùm Kiểm thắng kiện nhờ lòng can đảm, sự kiên trì, và không ngại gian nguy vất vả. Dân chúng thân mật gọi ông là Ông già Ba Tri. Từ đó, Ông già Ba Tri là tên được dùng để chỉ những lão nông cương trực, can đảm, kiên trì, sẵn sàng đứng ra bảo vệ công lý, bênh vực nông dân địa phương.
Trần Vĩnh An