Có một bến cảng lạ thường nằm ẩn mình bí mật giữa cánh rừng ngập mặn đại ngàn, nơi chót cùng của bán đảo Cà Mau. Đó cũng là điểm đến xa nhất của những con tàu không số đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đại tá Khưu Ngọc Bảy kể chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí từ Bắc vào Vàm Lũng năm 1962
Để che mắt được mọi sự dò tìm của kẻ thù, trong suốt gần 14 năm tồn tại, không chỉ nhờ vào bóng cả cây rừng, mà chính yếu bến cảng này đã được che chở bởi lòng dân. Câu chuyện trong bộ phim tài liệu này sẽ kể về một người lính của bến cảng ngày xưa ấy. Vì thế, ông cũng chính là một nhân chứng sống về tấm lòng với nghĩa lớn của người dân Rạch Gốc, Tân Ân, nơi có cửa biển Vàm Lũng đón các con tàu vào bến.
Cảnh quay trên đường ra cửa biển Vàm Lũng, Cà Mau
Ông là Khưu Ngọc Bảy, Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, mà người thân vẫn quen gọi với cái tên giản dị: Bảy Nhỏ. Một người sống gần gũi, giản dị, chân thành, nhân hậu, tròn đầy nghĩa tình, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng đội, cả với những ai dầu chỉ lần đầu tiếp xúc. Một người mà suốt cuộc đời không ngừng nghỉ vượt qua mọi khó khăn, theo đuổi lý tưởng một cách nhất quán, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.
Ông Khưu Ngọc Bảy sinh năm 1937 tại Châu Phú, tỉnh An Giang, nhà nghèo, anh em đông. Năm 16 tuổi ông là bộ đội địa phương, 17 tuổi theo đơn vị tập kết ra Bắc, 19 tuổi vào Đảng. Theo quy định, ông được tuyển vào danh sách học sinh miền Nam, nhưng vì thích làm bộ đội, ông quyết gắn mình vào quân đội, được đơn vị cử đi học sĩ quan lục quân ở Sơn Tây, ra trường là Thiếu úy Đại đội phó, đóng quân ở Khu 4, Vĩnh Linh.
Một cảnh quay Đại tá Khưu Ngọc Bảy kể chuyện đánh tàu sắt Mỹ trên Sông Tam Giang, Cà Mau 1972
Đến tháng 11/1964, ông được điều động đi trên con tàu “không số” về Nam, nhận nhiệm vụ là trợ lý tham mưu Đoàn 962 (tiền thân Trung Đoàn 962) tại khu vực Vàm Lũng, huyện Duyên Hải, tỉnh Cà Mau. Đơn vị là bộ phận quan trọng của đường vận tải chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, chịu trách nhiệm bí mật mở đường, xây dựng lực lượng, bến bãi, kho tàng, tiếp nhận, cất giấu, vận chuyển vũ khí, hàng hóa từ miền Bắc vào, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần to lớn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước thắng lợi.
Ngày nay, ông Khưu Ngọc Bảy còn được độc giả cả nước biết đến như một nhà thơ. Đầu những năm 1980, một Tạp chí Văn Nghệ ở đồng bằng sông Cửu Long nhận được tập bản thảo thơ viết tay của Khưu Ngọc Bảy. Sau đó, Ban biên tập đã quyết định in tập bản thảo ấy và tập thơ Ngôi sao trên biển đã ra đời. Từ đó đến nay, Khưu Ngọc Bảy đã ra mắt người đọc 5 tập thơ và một bản trường ca.
Cảnh cưa đước phục dựng kho vũ khí tại Vàm Lũng, Tân Ân, Cà Mau
Ông làm thơ trước nhất cho mình, tự giải phóng cảm xúc: “Có anh vệ quốc thiếu niên. Ngày đi đánh giặc đêm đêm nhớ nhà”. Dần dần thơ ông vượt xa hơn, theo ông qua những chặng đường hành quân, có hình bóng con người, xóm làng từ mọi miền đất nước. Trong đó nổi bật là hình ảnh người lính trên con đường huyền thoại, đặc biệt là tại Bến Cà Mau, nơi ông từng "vào sinh ra tử" chiến đấu với kẻ thù.
Mời quý khán giả đón xem bộ phim tài liệu “Người giữ bến cảng giữa rừng”, phát sóng lúc 8g thứ tư (19/9) trên kênh HTV9.
Thùy Trang