Ấp ủ ý tưởng về một môi trường sống xanh - sạch - đẹp, cô Thúy Phượng đã âm thầm nghiên cứu và tuyên truyền cho các tiểu thương chuyển đổi thói quen sử dụng túi nylon sang bao bì tự hủy trong suốt một thập kỷ qua.
Dễ dàng không phải là từ phù hợp dành cho hành trình 10 năm của cô Thúy Phượng và những người đồng hành, mà ngược lại, đó là sự đánh đổi thời gian cá nhân vì lợi ích cộng đồng. Chia sẻ cùng người dẫn chuyện Hamlet Trương về khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời, cô Thúy Phượng đã kể lại chuyến đi thực tế tại Phú Quốc vào năm 2011. Ở đó, cô tình cờ gặp một vị giám đốc - người đang thực hiện dự án nghiên cứu, sản xuất bao bì tự hủy để "cứu" môi trường sống đang ngập chìm trong rác thải nhựa.
Ngay lập tức cô quyết định gác lại mọi công việc thường nhật để tham gia vào dự án này. "Từ những điều mình nghĩ đến những việc mình thực hiện được là một quá trình chông gai" - cô Thúy Phượng tâm sự. Thời điểm đó, giá thành của túi nylon tự hủy rất cao nên không được đón nhận, vì vậy mà công việc của nhóm cô Phượng không thể đạt được hiệu quả mong muốn trong nhiều năm dài.
Trở ngược lại vào đầu thập niên 90, người Việt Nam đã hân hoan đón những chiếc máy sản xuất túi nylon sử dụng một lần vào thị trường. Chỉ cần 5 giây thì một chiếc túi tiện dụng, đẹp mắt đã được ra đời và phục vụ cho nhu cầu vô hạn của người tiêu dùng. Hầu như mọi người đều không ngờ rằng sau 10 năm, chiếc máy thần kỳ đó lại đem đến đại họa rác thải cho Việt Nam nói riêng, cả thế giới nói chung. Tuy nhiên, những gì đã thành thói quen thì rất khó được chuyển hóa, nhu cầu sử dụng túi nylon cũng không ngoại lệ.
Không chỉ gặp khó khăn ở khâu tác động đến ý thức sử dụng của người tiêu dùng mà riêng cá nhân cô Thúy Phượng cũng gặp phải biến cố. Căn bệnh ung thư từng khiến cô suy sụp, cô đã bàn giao dự án tâm huyết lại cho con gái khi nghĩ rằng mình phải dừng chân trước nghịch cảnh. Nhưng bằng tất cả nghị lực sống và lời động viên từ những người thân thiết, cô Phượng đã vượt qua bệnh tật và trở lại với hành trình giải cứu môi trường sống.
Từ năm 2017 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, Ban Giám đốc công ty Tổng hợp 2 đề nghị cô Phượng tiếp tục thực hiện dự án bao bì tự hủy sinh học và đưa vào các chợ truyền thống TP.HCM. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ truyền thông từ các dự án loại plastic của các bạn trẻ trong thời đại 4.0, cô Thúy Phượng bắt đầu nhìn thấy một tương lai khả quan cho môi trường đang đến rất gần.
Đón xem Khoảnh khắc cuộc đời, phát sóng lúc 22g45 mỗi ngày trên HTV9.