Để từng khoảnh khắc, những hình ảnh sống động, thông tin cập nhật của các trận bóng đá đến được ngay với khán giả, phải nói đến công lao của những phóng viên tác nghiệp tại hiện trường, trong đó có Nguyễn Hữu Dũng.
Phóng viên thể thao tại hiện trường Nguyễn Hữu Dũng
Nhân vật khách mời của Khoảnh khắc cuộc đời tập này chính là anh Nguyễn Hữu Dũng - một phóng viên thể thao tại hiện trường. Hãy cùng nghe anh chia sẻ về câu chuyện của mình.
Chào anh Dũng. Anh có thể kể cho khán giả nghe một chút về thời điểm anh quyết định đến với công việc hiện tại không?
Hiện tại, tôi đang là phóng viên thể thao của báo Người Lao Động. Tôi có 15 năm kinh nghiệm làm trong mảng phóng viên thể thao. Ngay từ lúc còn là sinh viên, tôi đã xin vào cơ quan để thực tập và được phân vào Ban Thể thao trong nước.
Thời gian đầu, tôi tác nghiệp ở một số bộ môn như là bi da, cầu lông, dần dà nâng cao tay nghề lên thì năm 2016, tôi chính thức sang làm bóng đá. Năm 2017 là lần đầu tiên tôi đi tác nghiệp sự kiện bóng đã trong nước - giải U21 quốc gia. Đến cuối năm thì tôi tác nghiệp tại SEA Game 2017 ở Thái Lan.
Anh bắt đầu tác nghiệp ở bộ môn bóng đá từ năm 2017
Đội tuyển U23 Việt Nam đã có những thành tích đáng kể. Vậy thì anh có phải là người có mặt tại hiện trường để chứng kiến thời điểm đăng quang ghi bàn của họ hay không?
Tôi chính thức theo lứa U23 được nhiều người yêu mến nhất là từ tháng 1 năm 2018 - đó là lúc HLV Park Hang Seo dẫn dắt đội đi dự giải và không ngờ từ đó, đội tuyển U23 Việt Nam và sau này đã thăng tiến vượt bậc và mang đến rất nhiều cảm xúc hạnh phúc cho hàng triệu trái tim người hâm mộ.
Là một phóng viên tại hiện trường, anh có bị cảm xúc chi phối khi tác nghiệp không?
Bất cứ ai cũng vậy, không phải chỉ có phóng viên, mà chúng tôi cũng chỉ là người Việt Nam, cũng yêu mến các tuyển thủ và huấn luyện viên. Khi đi tác nghiệp, tôi bao giờ cũng đứng ở khung thành của đội bạn và trong trái tim tôi luôn có niềm tin là tiền đạo của mình sẽ tấn công và ghi được bàn thắng đẹp, để tôi có thể ghi lại được khoảnh khắc ăn mừng của đội tuyển nhà. Chứ không ai muốn đứng ở phía cầu môn của chúng ta rồi lại chứng kiến đội bạn ghi bàn vào lưới đội mình.
Hầu như theo tôi quan sát thì 80 - 90% phóng viên trên thế giới, khi đi theo đội tuyển, họ đều lựa chọn như vậy. Và khi các đồng nghiệp gặp chúng tôi trao đổi thì họ cũng nhường sân. Đó cũng là cách vừa thể hiện tình yêu, vừa muốn có được những khoảnh khắc đẹp nhất của các tuyển thủ, gửi về ngay cho người hâm mộ ở nhà, để họ thưởng thức.
Anh thường đứng ở khung thành đội bạn để bắt những khoảnh khắc đẹp nhất của đội nhà gửi cho người hâm mộ
Sự nỗ lực của các cầu thủ U23 ở các trận đấu đỉnh cao dưới góc độ của người hâm mộ, lẫn những điều mà các cầu thủ cảm nhận được là một niềm động viên to lớn và cũng thành áp lực đối với họ. Còn riêng phóng viên tại hiện trường như anh thì anh có gặp phải khó khăn nào không?
Mặc dù đội ngũ phóng viên bao giờ cũng được Ban Tổ chức giải dành ưu tiên để tác nghiệp, tuy nhiên, chúng tôi bị áp lực về thời gian, bài vở... Áp lực thời gian là khi trận đấu bắt đầu, mọi tình huống đáng chú ý của trận đấu phải được chúng tôi cập nhật về ngay báo điện tử ở nhà. Khi trận đấu vừa kết thúc thì các báo đã phải có những bài tường thuật xong trận đấu rồi, để những khán giả không đi cổ vũ họ đọc được bài, tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi đội tuyển giành được chiến thắng.
Ngoài ra, chúng tôi phải chuẩn bị máy móc 3 - 4 tiếng đồng hồ trước khi trận đấu bắt đầu. Khi tác nghiệp phải phân nhau ra, người đi phỏng vấn, người chụp hình khoảnh khắc.
Để một bài tường thuật hấp dẫn thì phải nhờ tiêu đề rất nhiều. Thông thường anh mất bao lâu để chọn được tiêu đề ưng ý cho bài viết của mình?
Một bài thể thao hay thì tít (tiêu đề) là cái khó nhất. Nhưng khi đặt được một cái tít ưng ý rồi thì bài viết triển khai theo đó rất dễ. Một tít có thể mất 30 - 45 phút chỉ để suy nghĩ, nhưng chỉ cần 15 phút để viết. Vì tít phải làm thế nào để gây ấn tượng nhất đến người hâm mộ, để họ cảm thấy không quá dài dòng mà còn tự hào về đội tuyển của chúng ta.
Theo anh Dũng, để đặt tiêu đề ấn tượng có thể mất từ 30 - 45 phút
Trong sự phát triển của công nghệ ngày nay, công chúng đòi hỏi khi bật điện thoại thông minh lên thì phải đọc được những bài mới, thì áp lực của các phóng viên sẽ gia tăng, đòi hỏi họ phải có kĩ năng rất cao. Vậy anh có nhắn nhủ gì đối với các đồng nghiệp của mình không?
Phóng viên thể thao thì thứ nhất là phải có nền tảng, kiến thức tốt về thể thao. Thứ hai là phải có mối quan hệ tốt và ấn tượng giữa phóng viên - cầu thủ - huấn luyện viên và thậm chí là cổ động viên. Những bài viết có hay hay không là nhờ vào mối quan hệ mật thiết giữa hai bên. Vì những câu chuyện hậu trường về các cầu thủ rất được các cổ động viên và khán giả yêu thích.
Có hai câu chuyện phía sau hậu trường của HLV Park Hang Seo chưa bao giờ được viết trên mặt báo, cũng được anh Hữu Dũng kể tại Khoảnh khắc cuộc đời.
Ông Park kêu gọi phóng viên bình tĩnh
Anh Dũng kể, trước trận chung kết AFF Cup giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia thì phóng viên hai nước có tổ chức họp báo. Do phóng viên quá đông và phòng thì nhỏ, dẫn đến có va chạm và một số xích mích. Ông Park cũng nhìn thấy được việc này, nên sau khi họp xong ông có gọi anh lại và hỏi vì sao phóng viên hai bên lại căng thẳng như vậy.
Sau khi nghe anh kể xong thì ông nói: "Tôi cứ tưởng đội tuyển đá chung kết thì mới căng thẳng như vậy, chứ sao các anh cũng thế. Anh truyền đạt lại lời tôi với các anh em phóng viên là phải giữ thái độ thân thiện và cố gắng bình tĩnh. Các anh còn không bình tĩnh thì đội tuyển sao bình tĩnh được?". Anh Dũng cho rằng đó là góp ý rất chân thành của ông Park.
Anh Dũng kể chuyện hậu trường đầy tình cảm của HLV Park Hang Seo
Ông Park "dưỡng nhan" cho Trọng Hoàng lấy vợ
Thường thì sau mỗi trận đấu, ông Park sẽ đến phòng từng cầu thủ để nói chuyện. Cầu thủ nào thi đấu không tốt ông sẽ ngồi nói chuyện rất chân tình. Riêng cầu thủ Trọng Hoàng, lúc lên đội tuyển thì anh lại chuẩn bị cưới vợ. Và khi anh nộp đơn xin phép không tập huấn ở Hàn Quốc để về nước, vì chỉ còn hai ngày là đám cưới diễn ra, thì anh được ông Park gọi lên.
Trong thâm tâm Trọng Hoàng nghĩ ông sẽ nói anh về lo cưới vợ, không cần thi đấu đợt này nữa. Nhưng không ngờ, ông Park lại... dưỡng da cho Trọng Hoàng và nói: "Ngày cưới thì chú rể nhất định phải đẹp trai. Em cứ yên tâm về cưới vợ, cưới xong thì quay lại đây tập huấn tiếp".
Trọng Hoàng khi đó rất xúc động, vì anh đã trải qua với rất nhiều người thầy, nhưng anh không nghĩ ông Park lại sống tình cảm đến vậy. "Không chỉ riêng Trọng Hoàng, tất cả đều được ông Park đối xử như con mình, nên họ mới có thể ra sân thi đấu với tinh thần số 1", anh Dũng nói thêm.
Đón xem chương trình "Khoảnh khắc cuộc đời" phát sóng lúc 22g45 hàng ngày, trên kênh HTV9.
Mỹ Linh