Nghệ sĩ viết

Nguyễn Quốc Thịnh: “Cascadeur – một nghề lấy nguy hiểm làm đam mê”

Tuy không được khán giả thấy mặt, biết tên, nhưng người cascadeur vẫn miệt mài rèn luyện, cống hiến cho nghệ thuật những màn mạo hiểm nghẹt thở. Đó cũng chính là đam mê của chúng tôi – một đam mê đầy gian khổ và nguy hiểm!

Đạo diễn - Cascadeur Nguyễn Quốc Thịnh

Tôi đam mê hành động từ nhỏ

Tuổi thơ của tôi gắn liền với phim hành động võ thuật và tôi ước mơ sau này lớn lên sẽ làm diễn viên đóng phim. Khi còn rất nhỏ, tôi đã tham gia đội múa lân. Năm 1985, tôi bắt đầu sự nghiệp võ thuật của mình bằng cách đăng ký học lớp võ cổ truyền (Võ trận Bình Định) vì thấy những thế võ này đẹp như phim. 

Năm 1990, 1991 tôi bắt đầu sự nghiệp diễn xuất của mình bằng việc tham gia phim Phạm Công - Cúc Hoa, Lửa cháy thành Đại La với vai trò võ sinh. Phải đến năm 1992, tôi mới chính thức tham gia vào câu lạc bộ Cascadeur của Hội điện ảnh TP. Hồ Chí Minh và từ đó bước chân vào nghề. 

Cascadeur là nghề đa dạng lắm, phải học hỏi nhiều kỹ năng võ thuật, các môn thể thao và đặc biệt nhất là phải dũng cảm, sáng tạo, nhạy bén tạo ra nhiều cú nguy hiểm, lạ mắt để gây ấn tượng trong lòng công chúng. Người Cascadeur phải thật sự yêu nghề, đầy đam mê, nhiệt huyết, vì khi luyện tập thì gian khổ, hiểm nguy, mà khi lên phim thì khuất mặt khuất mày vì đâu ai biết mặt mình, mình là diễn viên đóng thế mà. 


Cascadeur Nguyễn Quốc Thịnh và các học trò trong một buổi tập

Cascadeur đa dạng từ các pha hành động đến những chấn thương. Từ trật tay, bong gân, đến… tét đầu, gãy tay gãy chân phải vào bệnh viện bó bột, và còn rất nhiều nguy hiểm khi quay, thậm chí sơ xuất có thể mất mạng. Vì tính chất đặc biệt của nghề nên người cascadeur thực thụ phải có tay nghề, được huấn luyện chuyên môn một cách chuyên nghiệp.

Từ những bộ phim đầu tiên ở thập niên 1990 khi công nghệ còn khá thô sơ thì tôi đã bắt đầu thực hiện những cảnh quay với độ khó rất cao và xác suất dính chấn thương không hề nhỏ. Trong bộ phim Hồng hải tặc (1996) khởi quay tại Đầm Sen, tôi đã trực tiếp thực hiện cảnh quay xe hơi đụng. Chính cảnh quay này đã khiến tôi bị thương và phải khâu tới mười hai mũi. Lúc đóng thế cho diễn viên Lý Hùng tại thác Đam Ri (Bảo Lộc – Lâm Đồng), tôi đã thực hiện cảnh “đu dây tử thần” từ độ cao 57 mét, vừa tuột xuống lưng chừng thì dây bị đứt nhưng may mắn tôi đã thoát khỏi bàn tay tử thần. Với tôi, đóng thế vai cho bộ phim Hồng hải tặc là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời.

Hơn 20 năm trong nghề, với “thành tích” mười sáu mũi khâu ở đầu, tám mũi khâu ở vai, hai mũi giáo đâm ở tai… tôi vẫn vui vẻ với công việc của mình. Chỉ thương một số cascadeur trong đội của tôi, sau khi bị thương không dám về nhà mà đi lánh nạn ở đâu đó vì sợ người thân lo lắng.

Tính đến thời điểm này, tôi đã tham gia đóng thế trên 100 phim, đạt kỉ lục Việt nam “Người thế vai và pha nguy hiểm nhiều nhất Việt nam năm 2006” (sách kỷ lục Việt Nam xác lập).


Hiện trường phim “Bí ẩn song sinh”

Công việc Cascadeur cho tôi nhiều cơ hội mới trong nghệ thuật

Từ công việc cascadeur, tôi chuyển sang làm trợ lý đạo diễn, phó đạo diễn và đạo diễn. Bên cạnh đó, tôi liên tục đào tạo diễn viên đóng thế, chỉ đạo võ thuật… Các em diễn viên hành động do tôi đào tạo gặp khá nhiều thuận lợi trong công việc vì những bước đi có chuẩn bị và không vượt cấp.

Trải qua bao nhiêu năm làm cascadeur, tôi rất vui mừng khi có những đàn em thành tài như: đạo diễn hành động Dương Bảo Anh (Tony), diễn viên Phi Ngọc Ánh, Trần Như Thục, Kim Dung, Bá Nhất, Thảo Lê…

Song song với việc làm cascadeur và mở các lớp huấn luyện, tôi đã tham gia lớp diễn xuất điện ảnh của Hội điện ảnh năm 1995 và học lớp Đạo diễn điện ảnh niên khóa 2001 – 2004. Từ đó, tôi có cơ hội làm đạo diễn các phim: Những giấc mơ hồng, Cầu vòng đơn Sắc, Hương cỏ dại, Vườn đời, Gai hồng, Vàng tặc, Bảy lá bài… và tham gia các chương trình gameshow: Chứng khoán ảo, Giấc mơ điện ảnh…


Cascadeur Nguyễn Quốc Thịnh và học trò, “đả nữ” Phi Ngọc Ánh

Xuất thân từ nghề cascadeur đã cho tôi thế mạnh ở các pha hành động khi làm đạo diễn phim. Câu lạc bộ Cascadeur Quốc Thịnh của tôi đã đào tạo thành nghề nhiều cascadeur chuyên nghiệp cho phim điện ảnh, truyền hình, sân khấu… thu hút các bạn trẻ có niềm đam mê võ thuật - hành động đến tham gia tập luyện và có cơ hội làm nghề. Không những vậy, các diễn viên cũng đến tập dợt các thế võ để vào phim thuần thục hơn. Vì tính chất đặc biệt của nghề nên chúng tôi đưa sự an toàn lên làm yếu tố hàng đầu. Tất cả các học viên đều được hướng dẫn tỉ mỉ và trang bị các thiết bị bảo hộ đầy đủ.

Để cống hiến cho khán giả những pha hành động đẹp, những cảnh quay nguy hiểm đòi hỏi người cascadeur phải tập luyện nhiều năm tháng, dám mạo hiểm và yêu nghề. Tuy không được khán giả thấy mặt, biết tên trên phim, nhưng những người cascadeur vẫn miệt mài rèn luyện mỗi ngày và không ngừng sáng tạo nâng cao tay nghề, cống hiến cho nghệ thuật những màn mạo hiểm nghẹt thở. Đó cũng chính là đam mê của chúng tôi – một đam mê đầy gian khổ và nguy hiểm. 


Đạo diễn - Cascadeur Nguyễn Quốc Thịnh (Ngọc Liên ghi)