Nguyễn Thế Đoàn (2/5/1911 - 12/8/2009) là một trong những nhà quay phim đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ. Ông nổi tiếng với những thước phim tư liệu quý giá về Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc.
Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn
Quá khứ tự hào
"Thời gian đâu là chiếc bóng thầm lặng", có những khoảnh khắc thời gian tạo ra bước ngoặt cho cả đời người. Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn đã có dịp trải qua những khoảnh khắc thời gian ấy cách đây 50 năm.
Được sinh ra ở chốn bưng biền, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, điện ảnh cách mạng Việt Nam gắn liền với tên tuổi của những chiến sĩ, nghệ sĩ, trong đó nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn là người khai sinh ra điện ảnh Nam bộ. Đồng thời ông là người Việt Nam đầu tiên đã thực hiện những thước phim lịch sử về Bác Hồ.
Thời điểm bước vào tuổi 90, dáng trông rắn rỏi, đẹp như ông tiên hoặc nhìn cuộc sống thảnh thơi tuổi già đến nỗi vô tư với sự khắc nghiệt của thời gian, nào ai đoán biết được ở người chiến sĩ - nghệ sĩ này ẩn chứa cả một quãng đời oanh liệt.
Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn kể về tuổi trẻ
Tính đến năm 2000, ông tròn 70 năm tuổi Đảng, trở về với cuộc sống đời thường trong một căn phòng nhỏ trên lầu một góc ngã tư đường Sương Nguyệt Anh, đường Tôn Thất Tùng, phường Bến Thành, quận 1, người chiến sĩ - nghệ sĩ của điện ảnh bưng biền năm xưa vẫn quen nếp sống cần mẫn, giản dị của anh lính cụ Hồ.
Người già sống bằng hoài niệm, chiếc rương cũ kĩ là báu vật quý giá - nơi ông cất giữ những thước phim, ảnh, kỉ vật về Bác Hồ, về những người thân yêu nhất mà ông coi đó như một người bạn thân thiết, niềm an ủi duy nhất còn lại của ông tuổi về già.
Cứ mỗi lần khác đến chơi nhà, nhất là những vị khách nhỏ tuổi muốn tìm hiểu về câu chuyện những ngày sống bên Bác Hồ, ông như trẻ lại và hồn hậu say sưa kể về hạnh phúc đầu đời ấy của mình.
Mang tuổi trẻ nhiệt huyết phục vụ điện ảnh cách mạng
Xuất thân trong một gia đình nhân sĩ yêu nước, tộc họ Nguyễn lâu đời ở huyện Chợ Mới, An Giang cậu thanh niên Nguyễn Thế Nghiệp, tức Nguyễn Thế Đoàn chia tay với dòng sông tuổi thơ, đem chí trai về đất Tây đô. Cuộc sống phố thị Cần Thơ như một cơ hội để ông khám phá những cung đường và chọn lấy cách sống làm người lương thiện. Vì thế, ngay từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, ông lặn lội không mệt mỏi trong trường đời. Vốn có năng khiếu hội họa lại say mê nhiếp ảnh, ông tự mày mò học hỏi và trở thành thợ ảnh.
Năm 1930, ông tìm đường đến với cách mạng và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 8 năm 1930, ông hoạt động ở Nam Giang, tham gia rải truyền đơn, treo cờ đỏ lưỡi liềm và bị thực dân Pháp bắt vào khám lớn Sài Gòn. Giống như bao chiến sĩ cách mạng, ông biến nhà tù thực dân thành trường học Cộng sản để rèn luyện ý chí đấu tranh.
Bác Hồ trò chuyện với nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn cùng anh em ở chiến khu Việt Bắc
Cách Mạng tháng Tám năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tại huyện An Biên. Toàn quốc kháng chiến, ông hoạt động ở Khu 9 và là một trong những người khai sinh ra Điện ảnh Khu 9 - điện ảnh Nam Bộ. Không chỉ quay phim, ông còn “sáng chế” ra buồng tối tráng phim, in phim và mang đi chiếu phục vụ nhân dân vùng giải phóng. Những thước phim quay tại mặt trận với những hình ảnh nóng hổi về chiến thắng trận Trà Vinh, Mộc Hóa… những hoạt động công binh xưởng, những sinh hoạt của đồng bào vùng kháng chiến… đều nhờ đến kỹ thuật in tráng của Nguyễn Thế Đoàn.
Chạm đến ước mơ được sống và làm việc với Bác Hồ
Từ căn cứ Ngang Trâu (Rạch Giá), đi Hà Tiên rồi sang Bangkok. Và từ Thái Lan, ông là người duy nhất của điện ảnh Nam Bộ trong nhóm các thành viên của đoàn đại biểu Nam Bộ, vượt ngàn trùng dương ra chiến khu Tân Trào (Việt Bắc) để kịp về dự Đại hội Đảng lần thứ II. Và ngày ấy, ông có được hạnh phúc trong đời là được sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ cùng với họa sĩ Diệp Minh Châu, nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định.
Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn (góc phải cầm máy quay) tác nghiệp trong Đại hội Đảng lần thứ II
Các đồng chí lãnh đạo phân công Nguyễn Thế Đoàn quay phim, Đinh Đăng Định chụp ảnh và Diệp Minh Châu vẽ Bác Hồ. Từ đó, Nguyễn Thế Đoàn nổi tiếng với những thước phim về Bác. Đó là những thước phim tư liệu vô cùng quý giá, đặc biệt là những cảnh quay Bác Hồ đi thăm dân công, thăm nông dân, cưỡi ngựa đi công tác, tắm suối, dạy võ, lội suối, băng rừng, luyện võ, chơi bóng chuyền... Những đoạn phim quý của Nguyễn Thế Đoàn được sử dụng trong phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và nhiều phim trong nước và ngoài nước.
Bác Hồ và các anh em trong Hội điện ảnh cách mạng
Với những cống hiến hết mình vì nghệ thuật, tháng 1/2009, khi đang nằm trên giường bệnh tại bệnh viện Thống Nhất, nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn đã được Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng nhì.
Ngày 12/8/2009, nghệ sĩ điện ảnh lão thành Nguyễn Thế Đoàn đã không thực hiện được lời hứa của mình là sẽ sống đến 100 tuổi, ông đã qua đời lúc 2 giờ sáng 12/8/2009 tại nhà riêng do tuổi già và tiền sử bệnh tim, hưởng thọ 98 tuổi.
Khiết Băng