Nguyễn Vạn Tiến: Tiền sinh ra từ những thứ bỏ đi

“Tiền sinh ra từ những thứ bỏ đi” là triết lý kinh doanh của doanh nghiệp “Ve chai chú Hỏa” do Nguyễn Vạn Tiến thành lập, nhưng mục tiêu cuối cùng của tổ chức là “nâng cao ý thức phân loại rác thải tại nguồn trong cộng đồng”.

Nguyễn Vạn Tiến và những mẫu rác thải được thu mua để tái chế 

“Tiền sinh ra từ những thứ bỏ đi”

Từ phong trào Đoàn đi gom ve chai bán kiếm tiền ủng hộ học sinh nghèo, Nguyễn Vạn Tiến đã nhận ra cách thức mà rác thải biến thành tiền. Nếu làm trên quy mô lớn, hoạt động này có thể đem lại nguồn lợi không nhỏ. Vì vậy, anh đã thành lập doanh nghiệp “Ve chai chú Hỏa” để khởi nghiệp.

Bắt đầu thu mua phế liệu từ từng hộ gia đình, đến nay, sau 8 năm hoạt động, nguồn hàng của doanh nghiệp “Ve chai chú Hỏa” đã khá ổn định và dồi dào. Chúng đến từ hệ thống các nhà hàng, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn quận 5, nơi Tiến được khách hàng giới thiệu với nhau là nhóm thu mua phế liệu chuyên nghiệp, uy tín và có tâm với nghề.

Thương hiệu “Ve chai chú Hỏa”

Nguồn lợi thu được sẽ chia sẻ cho người phân loại rác tại nguồn, cho người trực tiếp thu mua và cho hoạt động bảo vệ môi trường. Thu nhập thực tế hiện nay của doanh nghiệp dao động từ 60-70 triệu đồng/tháng.

Nghề nghiệp gắn bó với cộng đồng

Sản phẩm thu được từ hoạt động thu mua ve chai là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành công nghiệp tái chế, đặc biệt là tái chế nhựa, giấy, vải và kim loại. Tuy nhiên, chất lượng và tỷ lệ đáp ứng tái chế của nguồn nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào việc phân loại rác tại nguồn. Từ khi quyết định khởi nghiệp với nghề thu mua phế liệu, Tiến đã xác định nghề của mình chỉ phát triển bền vững khi xây dựng được cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc tự phân loại rác thải.

Hoạt động tuyên truyền phân loại rác thải cho trẻ em

Hàng loạt chiến lược đã được đề ra và áp dụng trong thực tế. “Rác thải đã phân loại sẽ được thu mua với giá cao” hay “Đổi rác lấy quà” khuyến khích người dân phân loại rác và hình thành thói quen đem phế liệu đến nơi thu gom. Thế hệ trẻ tương lai được hướng dẫn cách phân loại rác thải tái chế và không tái chế vào các ngày hội kế hoạch nhỏ trong trường học. Ngoài ra, kết hợp công nghệ 4.0, fanpage và website phân loại rác tại nguồn cũng được thành lập để tăng tính kết nối và tương tác với cộng đồng.

Nguồn kinh phí cho các hoạt động nói trên đến từ 20% tổng doanh thu kiếm được của doanh nghiệp. Doanh thu càng cao thì số tiền quay lại cho công tác bảo vệ môi trường càng nhiều. Có thể thấy, việc đầu tư kinh phí cho môi trường là quyết định của doanh nghiệp, nhưng ý thức và hành động của mỗi người dân mới là sự khởi đầu cho tất cả.

Ước mơ, hiện thực và sự đánh đổi

Khác với những người làm nghề tự do và các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành thu mua phế liệu, những cử nhân, kỹ sư trong nhóm của anh Tiến đến với nghề với mong ước kiếm được thu nhập ổn định và hoài bão xây dựng cộng đồng văn minh tiến bộ.

Nhưng thời gian họ trụ được không lâu vì thực tế hành nghề “vừa cực vừa dơ”, cái nghề mà trong ý niệm của xã hội cũng không có sự ưu ái và chỉ dành cho lao động tay chân. Thậm chí, có người che mặt, trùm kín áo choàng khi tiếp xúc với khách hàng vì không vượt qua được tự ái của bản thân. “Khó khăn của Tiến khi mới vào nghề đến từ sự ngăn cản của gia đình, thiếu thốn kinh nghiệm và đặc biệt là nguồn nhân lực không ổn định” - anh chia sẻ.

Thực tế công việc rất cực nhọc

Cách làm việc hiện tại của nhóm Chú Hỏa vẫn là lấy công làm lời bao gồm cả dọn dẹp và bốc vác, những việc làm lâu ngày có ảnh hưởng đến sức khỏe, trong khi hợp đồng thu mua liên tục đổ về, đôi khi vượt qua sức tải của nhóm. “Có  những đơn hàng làm từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối vẫn chưa xong. Nhiều khi nản, nhưng tự động viên mình đang ngồi trên đống tiền để có động lực làm tiếp”. 

Thấy rõ sự đánh đổi về sức khỏe của nghề, Tiến đã cải cách phương thức thu mua bằng cách chuyên môn hóa công việc thành các nhóm, nhóm sale ve chai, nhóm bốc vác, nhóm truyền thông... phân bổ nhân sự theo năng lực để vận hành doanh nghiệp. Đồng thời tiến hành đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để thay thế sức người, dần dần hiện đại hóa ngành thu mua phế liệu thay cho cách làm truyền thống.

Nguyễn Vạn Tiến trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”

Qua nhiều năm, hành động và ý thức “tự động phân loại rác thải của người dân” đã lan rộng, doanh nghiệp được nhiều cơ quan đoàn thể ủng hộ, và cuối cùng gia đình đã thay đổi quan điểm nghề nghiệp, đặt lòng tin tuyệt đối vào chí hướng của con trai, đó là những quả ngọt mà Nguyễn Vạn Tiến gặt hái được bằng sự phấn đấu kiên trì không mệt mỏi.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”, phát sóng lúc 22 giờ 45 phút hằng ngày trên kênh HTV9.

Phạm Nhi