Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã dành hơn 80 năm lao động cống hiến để cho ra đời gần 60 tác phẩm sách đầy giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền. Ông là nguồn cảm hứng của tinh thần “không ngừng học hỏi - miệt mài lao động”.
Niềm đam mê với sách và lịch sử
Ở tuổi 103, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn miệt mài làm việc, nghiên cứu
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư từng được Viện Kỷ Lục Việt Nam trao tặng bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục Việt Nam với nội dung: “Nhà nghiên cứu có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền, tỉnh, thành phố Việt Nam với gần 60 tác phẩm đã được xuất bản”. Danh hiệu này đã phần nào khái quát những đóng góp to lớn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho văn hóa, lịch sử và ngành xuất bản nước nhà.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết bản thân cũng chỉ là một người dân bình thường, sống trong một con hẻm nhỏ tại TP.HCM, nhưng ông lại có khát vọng cống hiến rất lớn cho đất nước. Chính lòng yêu nước đã thôi thúc ông tìm tài liệu nghiên cứu, viết sách về lịch sử Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu 104 tuổi, sở dĩ ông yêu quý các giá trị xưa cũ bởi bản thân rất yêu lịch sử dân tộc và say mê môn Lịch sử và dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ cần có thời gian, ông sẽ tìm đến sách sử để đọc. Thói quen này đã được ông duy trì từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường đến tận bây giờ. Nhà nghiên cứu 104 tuổi cũng mong truyền nguồn cảm hứng say mê lịch sử dân tộc với thế hệ trẻ. Theo cụ, trẻ nhỏ nên tìm đến các câu chuyện lịch sử đơn giản hay cuộc đời các danh nhân như Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh… để nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc.
Xem làm việc như “rèn luyện sức khỏe”
Dù đã hơn trăm tuổi, nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn lạc quan, yêu đời và hết mực cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu. Ông có mái tóc bạc trắng, răng vẫn đều tăm tắp, da hồng hào điểm những đốm đồi mồi, nói chuyện minh mẫn, lưu loát, đọc sách không phải dùng đến kính hỗ trợ. Đọc sách đến đâu ông nhớ đến đó, các đoạn cần lưu ý, ông dùng bút cẩn thận gạch dưới chân. Càng bất ngờ hơn, ông vẫn cần mẫn làm việc từ 8 - 10 giờ/ngày, học và sử dụng máy tính thành thạo để tìm tòi và soạn thảo văn bản.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ rằng nhờ thói quen sinh hoạt, làm việc kỷ luật giúp ông yêu đời sống khỏe. Mỗi ngày, ông thường thức dậy lúc 6 giờ rồi mở máy tính lên làm việc trong khoảng một tiếng. Tiếp đó, ông tập vài bài thể dục đơn giản, ăn sáng rồi tiếp tục làm việc đến 11 giờ 30. Sao đó, ông dùng cơm trưa, nghỉ ngơi, và tiếp tục viết sách, đến 17 giờ 30 lại tập thể dục. Lúc này, bài tập là đi lên, đi xuống cầu thang ở nhà. Buổi tối, ông còn dành thời gian xem thời sự hoặc những trận bóng đá yêu thích, rồi làm việc đến 23 giờ.
Có lẽ lịch trình sinh hoạt và làm việc này cũng là một nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ noi theo. Khi đã tìm thấy đam mê, công việc cũng chính là hơi thở, là nhịp sống.
Nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được tôn vinh Giá trị nội dung kỷ lục Việt Nam
Vào giai đoạn TP.HCM thực hiện việc đổi tên đường, ông thấy có nhiều tên đường mới xa lạ với người dân và chính bản thân người làm khảo cứu, nghiên cứu lịch sử như mình, ông bắt tay vào tìm hiểu. Rong ruổi khắp các tuyến phố đến các trung tâm lưu trữ, bảo tàng suốt 10 năm, ông hoàn thành cuốn sách “Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh”. Những tên đường trong sách được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái, tiện lợi cho việc tra cứu. Mỗi con đường được liệt kê có đầy đủ thông tin về lịch sử hình thành, tên đường qua các thời kỳ, nguồn gốc, tiểu sử của những danh nhân có tên được đặt cho tên đường. Cũng nhờ vậy, năm 1996, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được TP.HCM mời làm Ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường Thành phố. Ông chính là người đề xuất đặt tên hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa ở TP.HCM.
“Giang sơn Việt Nam”, “Loạn 12 sứ quân” hay “Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh”… có thể xem là những tác phẩm “đầu tay” của nhà nghiên cứu 103 tuổi. Bởi sau này, ông còn xuất bản nhiều tác phẩm biên khảo đồ sộ hơn, như “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ”. Và đặc biệt, năm 2022, bộ sách “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020)” được xuất bản. Đây là một trong những công trình nghiên cứu mang nhiều ý nghĩa với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Tác phẩm gồm 2 tập, chia theo 2 giai đoạn 1698 - 1945 và 1945 - 2020. Tác phẩm này được xem là công trình nghiên cứu dày công của ông. Ông đã tập trung thời gian, sức lực đi khắp các thư viện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II để tập hợp tài liệu, hoàn thành đề tài “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” nhằm cung cấp bao quát thông tin đến công chúng về lịch sử từ thời đại tiền sử cho đến TPHCM ngày nay. Vừa qua, ông cũng nhận được giải thưởng Trần Văn Giàu cho tác phẩm này.
Dân ta phải biết sử ta
“Một đất nước mà không có lịch sử thì coi như nước đó đã khai tử rồi. Nhờ có lịch sử mà có nước, nếu không có lịch sử thì đất nước không có tên tuổi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ đầy tâm huyết. Ít ai biết, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là người hiếm hoi thậm chí là duy nhất có 80 năm lao động và nghiên cứu xuyên suốt được trao bằng kỷ lục cấp quốc gia. Về điều này, ông cho biết tình yêu sử học đối với ông chưa bao giờ dừng. Nhất là khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư luôn tự nhắc nhở bản thân rằng lịch sử nước ta đã trải dài hơn 4.000 năm, không bao giờ thiếu chuyện để cho hậu thế kể về.
Cũng theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, trải qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử Việt Nam, ông cảm thấy hạnh phúc nhất là thấy đất nước ngày càng đổi mới, phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên về mọi mặt. Đất nước sẽ tiến dài, tiến xa hơn nữa trong chặng đường hội nhập và phát triển. Việc nghiên cứu, viết lách đối với ông sẽ là tài sản quý giá về lịch sử để lại cho đời sau.
“Gương mặt Việt Nam” mùa đầu tiên với chủ đề “Viết tiếp những điều dung dị” sẽ lên sóng vào lúc 21g ngày 7/1/2024 trên sóng HTV9.
An Nhiên