Nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng và tình yêu áo dài Việt

Giá trị văn hoá dân tộc nằm trong những bộ trang phục truyền thống tự bao đời, trong đó có tà áo dài Việt Nam. Chiếc áo ấy đã được nâng tầm nghệ thuật dưới đôi bàn tay của nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng.


Nhà thiết kế Sĩ Hoàng

Nhắc đến Lê Sĩ Hoàng, khán giả biết đến một giảng viên, một hoạ sĩ và hơn hết là một nhà thiết kế áo dài Việt Nam. Ông sáng tác nghệ thuật trên những tấm áo dài truyền thống, là người hoạ sĩ lấy áo dài làm khung tranh, tôn lên nét thanh tao, duyên dáng vốn có từ ngàn xưa. Công chúng biết đến ông bởi sự sáng tạo ấy, cũng là vì một tâm hồn nghệ sĩ hết mình với văn hoá Việt, luôn cố gắng tìm tòi, bằng mọi cách tôn vinh áo dài Việt Nam, đồng thời giới thiệu tới bạn bè thế giới. 

Từ nhà giáo đến nhà thiết kế 

Hành trình ấy bắt đầu khi ông mười sáu tuổi. Năm 1979, ông đã bén duyên với nghề dạy học bằng các lớp xoá mù chữ cho những người buôn bán ở chợ. Sau khi tốt nghiệp đại học, lại tiếp tục cái duyên ấy trên cương vị giảng viên, rồi chủ nhiệm khoa mỹ thuật công nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh suốt 16 năm. Khác với mọi người thường nghĩ, dạy học mới là nghề chính, thời trang vốn chỉ là một nghề tay trái. Vậy từ khi nào ông đã bén duyên với tà áo dài?

Chiếc áo dài trắng đầu tiên được ông đặt bút vẽ đã được vinh danh cùng Vũ Thị Xuân Quý với danh hiệu á hậu cuộc thi Miss Áo dài năm 1989. Khoảnh khắc ấy đã mở ra một trang mới cho thiết kế áo dài Việt Nam, đó là áo dài vẽ. Cùng với nó, nghề vẽ áo dài cũng phát triển và trở thành một sinh kế cho những người hoạt động trong ngành hội họa. 

Khởi đầu từ những xưởng vẽ nhỏ cùng bạn bè đồng nghiệp, cửa tiệm nhỏ bên hông Nhà hát thành phố, đến những năm 90 khi ông mở cửa hàng lớn trên đường Lý Tự Trọng và cho đến tận bây giờ, người hoạ sĩ vẫn luôn cần mẫn tỉ mỉ chăm chút cho tà áo dài Việt, với nhiều đường nét vừa truyền thống lại vừa sáng tạo, khiến người xem không thể dời mắt. Đó là những khởi đầu định hình một nhà thiết kế thời trang áo dài nổi tiếng và một doanh nhân thành đạt.


Sáng tạo và thiết kế tà áo dài

Người tiên phong đem mỹ thuật ứng dụng vào thời trang

Thước đo đánh giá thành công của người họa sĩ những năm 80-90 là phải có nhiều triển lãm, nhiều tác phẩm sáng tác theo cách truyền thống. Nghệ thuật và tiền bạc ít khi đi cùng nhau. Riêng ông là một họa sĩ nổi tiếng vì kinh doanh giỏi, nên đôi khi ông cảm thấy thật cô đơn, lạc lõng giữa những đồng nghiệp!

Nhưng thực tế đã chứng minh, người hoạ sĩ trong ông đã đem tài năng gửi vào tà áo dài. Nghệ thuật của ông không nằm trong khung gỗ mà được đưa đi khắp chốn, đến với nhiều người, nhiều tâm hồn, số phận khác nhau, hoà trong cuộc sống, đó chính là mỹ thuật ứng dụng.

“Áo dài không đơn thuần là chiếc áo thời trang đẹp mà còn ẩn chứa cả di sản văn hóa dân tộc và là một phần của di sản văn hóa thế giới, đồng thời cũng là một tín hiệu nhận ra người Việt Nam khi ra thế giới” - nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhận định.


Áo dài Việt Nam vươn tầm thế giới

Nhà nghiên cứu, đặt nền tảng cho môn học “Trang phục Việt”

Sau dịp được tham quan bảo tàng Kimono tại Nhật Bản và xem triển lãm 5000 năm trang phục Trung Quốc, ông đã đưa ra một quyết định mà gần như là một mục tiêu mới của cuộc đời, đó là xây dựng “Bảo tàng áo dài Việt Nam đầu tiên” trên một cù lao thơ mộng ở quận 9. Suốt mười hai năm trời, từ 2012 đến 2014, ông tập trung mọi tài lực, vật lực, thậm chí khép lại sự nghiệp nhà giáo để dồn hết tâm huyết vào đó. 

Phần đặc biệt nhất của bảo tàng chính là những hiện vật lịch sử, những chiếc áo dài gắn với những nhân vật  nổi tiếng như giáo sư Trần Văn Khê, nghệ sĩ Bạch Tuyết, hay nữ tướng Nguyễn Thị Định… với thiết kế đặc trưng cho phong cách phục trang của từng thời đại. Những hiện vật mà ông kiên trì theo đuổi mười mấy năm để có được trong bộ sưu tập của mình. Bảo tàng của ông là nơi lưu giữ lại những giá trị văn hoá trong trang phục truyền thống, qua thời gian, vượt lên những thăng trầm của lịch sử. 


Bảo tàng áo dài tại quận 9 - TP. Hồ Chí Minh

Năm 2019, trong một dự án mới, ông thành lập viện nghiên cứu trang phục Việt cùng với nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần làm viện trưởng. Phân tích, trích dẫn, chú thích những tư liệu liên quan đến trang phục Việt qua nhiều giai đoạn, nghiên cứu lịch sử Việt Nam dưới khía cạnh văn hoá mặc, nhằm cung cấp một giáo trình đầy đủ cho các ngành thời trang, cũng như tư liệu khá chính xác cho lĩnh vực điện ảnh, sân khấu.

Lê Sĩ Hoàng là người có đóng góp tích cực trong việc bảo tồn văn hoá của quốc gia, của dân tộc, đưa nét đẹp Việt đến với thế giới, không chỉ trông nhìn thưởng thức mà thấu tận vào tim, vàng son mãi với thời gian trở thành nhân chứng sống của lịch sử. 

Câu chuyện đáng ngưỡng mộ của người luôn cống hiến, để lại giá trị cho đời, cho thế hệ sau tiếp nối, thành một sợi dây xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước con người Việt Nam: “Sống không chỉ là để lại một cái tên là để lại một giá trị”

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi