|
Ông Bùi Đình Quyển, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Hà. |
Trao đổi về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ông Bùi Đình Quyển, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên, thành phố Hà Nội nhìn nhận, Điều 67 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đối chiếu với Luật hiện hành có thể thấy quy định của Dự thảo có phạm vi mở rộng hơn, cụ thể hơn. Tuy nhiên, để thống nhất nhận thức và tránh phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện, cần làm rõ về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi.
“Thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều khiếu kiện. Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất; đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương”, bạn đọc Bùi Đình Quyển nhấn mạnh thêm.
Liên quan đến vấn đề bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, nhiều chuyên gia cho rằng, nội dung quy định trong Dự thảo khá hợp lý, sát thực tiễn. Cụ thể, Dự thảo quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi; đồng thời, đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
|
Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người bị thu hồi đất nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Ảnh: Minh Hà. |
Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người bị thu hồi đất thời gian qua từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Do đó, góp ý về vấn đề này, theo một số chuyên gia, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”… Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…
Đối với quy định việc phân loại đất, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, điểm e, khoản 2, Điều 11, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định khá đầy đủ về các loại đất. “Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất công trình giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, đường sắt, đường bộ và công trình giao thông khác); công trình thủy lợi; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác”. Song, chưa đề cập đến đất công trình cấp nước sạch, thoát nước mưa và nước thải (gồm công trình đầu mối, công trình phụ trợ và mạng lưới). Vì thế, nên nghiên cứu, bổ sung các loại đất nói trên; đồng thời rà soát bổ sung trong nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các loại đất của các công trình này.
|
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng. Ảnh: Hà Thắm. |
Đối với quy định về Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất, tại khoản 1, Điều 193 của Dự thảo có nêu: "1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan", PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng phải làm rõ sử dụng độ sâu trong lòng đất được quy định ở văn bản nào, vì trong Dự thảo Luật không có và nhiều văn bản pháp luật khác không có. Nên có quy định cụ thể trong Dự thảo Luật bởi đây là vấn đề liên quan đến các quyền về sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm.
Mới đây, chiều 30/01, phát biểu tại buổi làm việc với Vụ Đất đai và một số đơn vị liên quan trực thuộc Bộ về việc hoàn thiện kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã yêu cầu Vụ Đất đai và các cơ quan phân công rõ trách nhiệm các thành viên trong Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong việc tiếp thu, giải trình để hoàn thiện Dự thảo Luật. Đồng thời, tập trung vào việc đôn đốc các địa phương trong việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật và làm việc với các địa phương về một số nội dung chuyên sâu về chính sách đất đai: Tài chính đất đai, giá đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư…
Có thể thấy, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng là cơ sở để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tăng cường tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật. Đồng thời, hướng đến đảm bảo ngày một tốt hơn sự công bằng và hài hòa lợi ích trong quản lý và sử dụng đất; giải quyết những căng thẳng xã hội do bất cập trong chính sách quản lý đất đai.