Cứ ngỡ là sau kỳ nghỉ Tết, mọi thứ lại tiếp tục guồng quay, nhưng không phải vậy, một nỗi lo lắng đã bắt đầu với những thông tin đầu tiên từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Và từ đó, liên tục là những cập nhật tin tức mới về virus corona chủng mới.
Thành phố vắng vẻ ngày đầu năm. Ảnh: Đăng Minh
Một mùa Xuân khác thường cho tất cả mọi người, dịch bệnh khiến mọi thứ thay đổi, đảo lộn. Nhưng từ trong sự thức tỉnh và nhận diện của con người, đã thấy 2020 là một năm rất khác. Khác ở nhận thức “ăn chín uống sôi”, ý thức giữ gìn sức khỏe; thay đổi thói quen và hành vi ứng xử của con người nơi công cộng. Khác ở cả những soi chiếu, thấu hiểu và biết ơn những nỗ lực từ đất nước mình trong công tác phòng chống dịch. Không có ở đâu như Việt Nam, điều máy bay đến tâm dịch đưa công dân về nước, tổ chức chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, bất kể họ có là người ngoại quốc. Không nơi nào như đất nước mình, quân đội phải vào rừng canh giữ biên giới chống người nhập cảnh bất hợp pháp theo đường tiểu ngạch. Những trung đoàn tập kết đến nơi khác, nhường chỗ cho hàng chục ngàn đồng bào cách ly.
Việt Nam là quốc gia hiếm hoi nhận được lời khen của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh ở giai đoạn đầu. Và cũng là quốc gia được ca ngợi vì chính sách nhân đạo của chính phủ. Nơi này cũng nhận được nhiều bình chọn là “đất nước an toàn nhất thế giới” khi dịch bệnh hoành hành từ Á sang Âu. Điều đó chẳng phải nói quá, mà nhìn vào sự quyết liệt chống dịch của lãnh đạo, những thông tin công khai minh bạch và khả năng y tế của Việt Nam, hẳn là một niềm tự hào vô vàn.
Trước khi nhận phần ăn, nhân viên giúp người nhận rửa tay sạch sẽ, ai thiếu khẩu trang sẽ được hỗ trợ. Ảnh: Trần Kim Anh - TNO
Trước dịch bệnh, mới thấy giàu nghèo sang hèn không còn quan trọng nữa. Ai cũng chỉ là một con người cần nhận được sự bảo vệ của đất nước. Có những kẻ hợm hĩnh, có những người vô trách nhiệm, ý thức kém… tạo nguy cơ lây nhiễm cao cho người khác. Nhưng có rất nhiều người khác tạo nên những giá trị đẹp đẽ lan tỏa trong cộng đồng. Qua mùa dịch bệnh, nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy một chữ thương.
Thương những y bác sĩ làm việc ở tuyến đầu. Họ như con thoi căng mình ra cùng “cuộc chiến”. Những “thiên thần áo trắng” ngược xuôi hỗ trợ nhau đến tận tuyến huyện, ngày đêm làm việc trực chiến ở bệnh viện dã chiến, các khu cách ly…“Thương lắm đồng nghiệp tôi miệt mài trong tâm dịch/Chẳng kịp tội thân mình chẳng kịp nghĩ xa xôi” – bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy đã viết cho đồng nghiệp đôi dòng như vậy, trong những ngày điều trị cho hai cha con bệnh nhân Việt kiều Mỹ Tạ Kiến Hòa. Ông Hòa, ngay sau khi đáp xuống phi trường Mỹ đã không ngớt dành lời khen và sự biết ơn dành cho các vị bác sĩ đã tận tình cứu chữa cha con ông. Đó không chỉ khẳng định chuyên môn cao của y tế Việt Nam mà còn là sự tôn vinh tâm phục dành cho những thầy thuốc Việt.
Tôi thương hình ảnh những người lính biên cương chỉ một túp lều tạm giữa rừng là đã đủ. Chăn ấm nệm êm dành cho đồng bào bị cách ly. Những người lính biên phòng ba bốn giờ khuya đã thức dậy chuẩn bị thức ăn cho hàng trăm người. Cứ đọc nhật ký của những người “ăn cơm quân đội” trong 14 ngày thì biết. Dẫu có sốt ruột muốn được trở về nhà, nhưng đối với họ, quãng thời gian cách ly ấy là một trải nghiệm khó quên, được chăm sóc ấm áp, tràn đầy tinh thần lạc quan và sự biết ơn. Quân đội như một điểm tựa. Những người lính - những “hậu duệ mặt trời” có thật trong đời thường xứng đáng được cảm kích, ngưỡng mộ.
Tôi thương cả “chiếc bánh mì” bị lên truyền hình Hàn Quốc trong chê trách của những du khách Hàn. Để rồi từ đó khiến cho “tinh thần dân tộc” ta trỗi dậy. Giá trị văn hóa ẩm thực Việt đã được bảo vệ đến cùng, tinh thần ấy nhanh chóng lan rộng ra toàn châu Á và nhận được sự hưởng ứng, chia sẻ, bảo vệ từ cộng đồng nước bạn. Lòng yêu nước vẫn ẩn tàng trong mỗi trái tim người Việt, đến khi cần thể hiện, lòng yêu nước ấy lại kết nối thành sức mạnh. Đó đã là một giá trị văn hóa truyền thống không thể tách rời dân tộc này hơn bốn ngàn năm. Tin rằng, mỗi người dân Việt đều sẽ yêu nước hơn từ đại dịch lần này.
"ATM gạo" ở quận Tân Phú, TP.HCM
45 năm sau, người dân mới nghe lại cụm từ “toàn dân chống giặc”. Virus corona chủng mới rồi cũng đến lúc bị đẩy lùi như những trận đại dịch trong lịch sử. Như thể cứ trăm năm dịch bệnh lại hoành hành nhân loại một lần. Có những trận đại dịch làm mất đi 1/3 dân số thế giới như Cái Chết Đen ở châu Á và châu Âu (thế kỷ thứ XIV). Có những đại dịch làm thay đổi lịch sử nhân loại. Rồi sự sống lại trở về quỹ đạo của nó. Trăm năm sau, COVID-19 sẽ trở thành dấu mốc đại dịch gieo rắc nỗi kinh hoàng cho thế kỷ này. Sau tất cả, còn lại là sự sống quý giá mà mỗi người cưu mang, để biết trân trọng, yêu thương và biết ơn mọi điều tốt lành trong cuộc đời. Bài như câu hát:“Tặng riêng những ai thật lòng/Đang còn hát yêu thương con người…” (lời ca khúc Xin làm người hát rong, nhạc sĩ Trần Long Ẩn).
Bùi Tiểu Quyên