Nhớ chú Tuấn - một người tài hoa rời cõi tạm

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn, nguyên Phó Tổng Biên tập, nguyên Trưởng Ban Chương trình Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đã mãi mãi ra đi.

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn

Là tác giả của nhiều bộ phim nổi tiếng của HTV nhưng chú là một người sống khiêm nhường, lặng lẽ, âm thầm đằng sau những thành công của các bộ phim.

Khán giả HTV hẳn đã từng rất quen thuộc với Mê Kông ký sự, Ký sự hỏa xa, Huyền bí sông Hằng… Những bộ phim tài liệu đầu tiên này của HTV đều có sự đóng góp của chú Tuấn. Chú Phạm Khắc, Giám Đốc Đài là người khởi xướng, chú Tuấn là người xây dựng kịch bản, chắp bút cho những tập phim. Là người đọc nhiều, đi nhiều, biết nhiều nên những nội dung mà chú chuyển tải vào phim đều được chắt lọc, khái quát và mang đậm bản sắc của từng địa phương nơi đoàn phim có mặt. Mình đã từng được đi làm phim cùng chú trong những chuyến đi đầu tiên của Hãng phim Truyền hình đến Cu Ba và Pháp để cho ra đời những tập phim Cu Ba vẫn sống (Phần 2), Du lịch Cu Ba, Che Guevara, Paris hoa lệ. Sức làm việc của chú thật đáng nể phục. Đoàn làm phim đi lại liên tục suốt gần 1 tháng, qua nhiều tỉnh, thành phố của Cu Ba, mỗi ngày từ sáng sớm đến tận 10 giờ tối (do mùa Hè nên đến 9, 10 giờ tối trời vẫn sáng). Hành trang thì lủ khủ đủ thứ, từ máy quay, chân máy, pin dự phòng, quà lưu niệm… do đoàn phim tinh gọn, ít người nên chú cũng tham gia mang vác cùng mọi người. Vất vả là thế nhưng chú không bao giờ phàn nàn, tối về chú lại cặm cụi lấy sổ ra ghi ghi, chép chép. Có nhiều hôm thấy chú vất vả quá, mình bảo chú đi nghỉ sớm rồi sáng mai hãy ghi, chú bảo không được, phải ghi ngay để không tuột cảm xúc. Đó là bài học nghề quý giá mình học được từ chú.

Tổng Đạo diễn, NSND, Đạo diễn Phạm Khắc (thứ hai từ trái sang),
Biên kịch Trần Đức Tuấn (thứ ba từ trái sang) cùng các thành viên đoàn làm phim "Mê Kông ký sự" (Ảnh tư liệu)

Để có được những kiến thức uyên bác, các chi tiết câu chuyện xây dựng đề cương, chú đã không ngừng đọc, xem, nghe và chắt lọc những gì tinh túy nhất để cho vào tác phẩm. Bộ phim về Tây tạng phải quay được cảnh bái Phật Ngũ thể nhập địa chỉ có ở nơi đây hay bộ phim về Cu Ba phải có nhạc nền đặc thù của châu Mỹ La-tinh. Vậy đó, chú cứ lặng lẽ đọc sách, cần cù tìm hiểu, miệt mài chắt lọc và không ngừng quan sát để cho ra đời những kịch bản phim đầy hấp dẫn với lời bình dung dị, trong sáng, dễ hiểu nhưng ẩn sâu dưới từng câu chữ là kho kiến thức đồ sộ của một nhà biên kịch giỏi.

Chú Tuấn ra đi nhưng lòng thương yêu của bạn bè đồng nghiệp dành cho chú vẫn còn đây. Tấm gương lao động miệt mài, sự tích lũy kiến thức và đức tính khiêm nhường của chú là tấm gương để các bạn trẻ học tập. Và trên hết, những tác phẩm mà chú đã góp sức sẽ còn mãi với thời gian.
Trương Kiều Nga