Cứ vào những ngày giáp Tết, ngắm cảnh vật xung quanh và dòng xe cộ tất bật qua lại trên đường thì bao ký ức về ngày Tết ở quê lại ùa về trong tâm trí tôi mà có lẽ chẳng bao giờ quên được.
Hoa Tết ở Nam bộ
Nhớ lại những năm tôi lên 7 lên 10, những ngày giáp Tết bao giờ hai anh em chúng tôi cũng được mẹ giao cho trọng trách là mang quà đi biếu họ hàng, người thân. Quà của mẹ chỉ là một cây bánh in và một bịch kẹo thèo lèo được gói gọn trong tờ giấy quyến màu hồng, nhỏ gọn, đơn sơ nhưng chứa đựng cả một tấm lòng mà mẹ tôi đã cất công thực hiện từ hơn một tuần trước đó. Bởi vậy, khi mang gói quà đến biếu nhà ai, lúc nào anh em chúng tôi cũng nhớ như in lời mẹ dặn: “Nhân dịp năm mới sắp đến, mẹ của con có món quà nhỏ, dặn tụi con mang đến biếu ông bà ăn lấy thảo cùng mẹ con. Tụi con kính chúc ông bà năm mới luôn mạnh khỏe, mùa màng bội thu, gia đình sung túc”.
Mẹ dặn như thế nào chúng tôi thực hiện như thế ấy, chẳng biết thêm thắt hay cải biến để lời lẽ thêm mượt mà súc tích hơn, chỉ khác là danh xưng ông bà sẽ được chúng tôi thay bằng, chú, bác, cô, cậu hay dì cho phù hợp mà thôi... Và cứ thế, trên chiếc xe đạp vừa mới được lau chùi sạch sẽ để đón tết, hai anh em chúng tôi mang quà chạy khắp đầu trên xóm dưới với niềm vui hớn hở và một chút hãnh diện mỗi khi nhận được lời cảm ơn và lời khen từ người nhận.
Ngày giáp Tết ở miền quê
Xong việc đi biếu quà, công việc tiếp theo của hai anh em là quét dọn nhà cửa. Quét tinh tươm từ trong nhà ra cửa, ra sân, quét ra tận lối đi chung cùng với nhà hàng xóm. Nghĩ cũng lạ, một năm có 365 ngày, chẳng có ngày nào chúng tôi làm công việc này, nhưng hễ Tết sắp đến là hai anh em lại hợp sức nhau thực hiện không một chút nề hà. Vì có lẽ chúng tôi tin rằng: “Quét dọn nhà cửa đón Tết là tục lệ quen thuộc đối với người Việt Nam với ý nghĩa nhà cửa sạch sẽ mới mong đón được nhiều lộc mới, may mắn mới trong ngày đầu năm”. Hơn thế, khi nhà cửa được gọn gàng sạch sẽ thì thể nào chúng tôi cũng sẽ được “khen lấy, khen để” khi người thân đến chúc Tết mẹ tôi.
Vui nhất là công việc chiều 30 Tết, khi mẹ tôi ngồi gói những đòn bánh tét, chúng tôi xúm xít ngồi quanh. Đứa xin mẹ vài tấm lá chuối, đứa xin mẹ một ít nếp dư, rồi tự gói mấy đòn bánh tét cỏn con gửi vào nồi hấp bánh của mẹ. Những đòn bánh tét bé xíu, không đẹp không ngon như bánh mẹ gói nhưng chúng tôi rất vui thích, niềm vui ấy cứ thế lan tỏa như hương thơm của những đòn bánh tét vừa chín tới được mẹ vớt ra khỏi nồi.
Mâm cỗ ngày Tết ở Nam Bộ
Khi công việc chuẩn bị đón Tết đã được hoàn tất, cả nhà chúng tôi sẽ ăn mặc chỉnh tề, bày mâm lễ vật trước sân nhà để cúng Giao thừa, khấn nguyện năm hết Tết đến. Đây cũng là lúc mẹ tôi sẽ cùng đội “Hát sắc bùa” hát những bài quen thuộc như: Rước xuân, Chơi xuân, Trừ tà, Dán bùa, Giã từ... “Chúc thanh chúc thọ/ Làm tuổi ông bà/ Năm mới giàu sang/ Gia quan tấn lộc…” với niềm tin dân gian lâu đời rằng có thể cầu xin bình an may mắn, trừ khử tà ma, trong dịp mở đầu một năm mới âm lịch đậm chất hướng tâm, hướng thiện.
“Hát sắc bùa” giờ rất hiếm gặp bởi đây là một hình thức diễn xướng dân gian “huyền ảo”, pha trộn giữa tính lễ nghi nông nghiệp (cầu mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an, gia tộc an lành, hạnh phúc…) với lễ nghi tôn giáo (viết bùa, dán bùa yểm trừ tà ma, xui xẻo trước ngõ, cửa nhà…) đã bị mai một dần cùng năm tháng.
Biểu diễn "Hát sắc bùa" ở Bến Tre
Và tất nhiên, kể từ giờ phút ấy, nhất cử, nhất động của từng thành viên trong gia đình của chúng tôi từ chuyện nói năng, đi đứng đều phải rất ý tứ. Bởi lẽ, chúng tôi cần những sự tốt lành quanh năm, bắt đầu từ ngày Tết. Bao kỷ niệm của thời ấu thơ, về ngày Tết quê nhà chợt ùa về như một cơn gió nhẹ thoảng, dẫu không đầu không đuôi nhưng cảm xúc lại dâng trào.
Thùy Trang