Kể chuyện Sài Gòn xưa

Những bài vè đầu tiên ở miền Nam

Khi chữ quốc ngữ bắt đầu được dùng trong sáng tác, đã xuất hiện những bài thơ, bài vè in thành sách trước cả những tiểu thuyết viết theo lối văn xuôi hoặc kể chuyện bằng thơ.


Đường Kênh Lấp xưa, nay là đường Nguyễn Huệ

Trong số những bài vè vào thời đó, phổ biến nhất là Vè Thầy Thông Chánh, vè nọc Nạn (kể chuyện gia đình Mười Chức bảo vệ đất đai ở đồng Nọc Nạn (năm 1928), vè Sáu Trọng. Tất cả những bài vè này đều khuyết danh, không biết tác giả là ai nhưng rất phổ biến trong dân chúng.

Thơ Sáu Trọng

Được dân chúng thời đó gọi là vè, nhưng thực chất nó đã là một bài thơ kể chuyện.

Sáu Trọng quê ở Mỹ Tho, đi làm ăn xa đã mấy năm, nay trở về thăm mẹ. Chàng gặp cô Hai Đẩu, làm quen rồi tỏ tình, được Hai Đẩu bằng lòng:

Đẩu thề bằng chứng có cao xanh/ Nguyện cùng thiên địa, lấy anh trọn đời.

Sáu Trọng làm bồi cho Lang Sa (Pháp). Hai Đẩu trông nom nhà cửa. Trọng chê lương ít, mỗi tháng chỉ có 10 đồng, mới quyết định xuống nấu ăn và dọn bàn ở tàu hàng Ăng Lê, lương mỗi tháng 20 đồng. Hai Đẩu ở nhà một mình, nảy sinh tâm tính lang chạ.

Thiệt là con Đẩu lang tâm/ Đồ đạc đem cầm, say đắm gái trai.

Việc này cũng tại con Hai/ Say mê Tám Lịch, gia tài tan hoang.

Tám Lịch là bạn của Sáu Trọng mà chàng để ở chung nhà, gọi là anh nuôi. Sáu Trọng rình bắt được cảnh vợ ngoại tình:

Nghĩ giận muốn giết anh ta/ Sá chi con vợ mà ra oán thù.

Như vầy mới đáng trượng phu/ Anh mới lấy vợ, đừng thù mới hay.

Sáu Trọng bỏ đi Châu Đốc mấy ngày làm khuây. Đẩu về với cha mẹ. Có thầy ký lục Lang Sa (Pháp) phải lòng, chịu cưới với 50 đồng bạc. Đẩu theo chồng đi làm việc tại Trà Vinh.

Hay tin cha mẹ vợ đã gả Hai Đẩu, Sáu Trọng tới đốt nhà ông bà già vợ. Xong rồi, chàng xuống tàu đến Trà Vinh.

Tới nơi, chàng gặp ký lục Be Bo để phân bày mọi việc và kể tội Hai Đẩu. Be Bo cầm cây súng lục muốn bắn Sáu Trọng nhưng rốt cuộc không dám bắn, lại bày kế phao cho Sáu Trọng vào nhà ăn trốn. 

Sáu Trọng bị kêu ba tháng tù vì sự vu khống của Be Bo. Mãn tù, Sáu Trọng gặp người anh em là Năm Tự cho biết Hai Đẩu muốn Tự giết Sáu Trọng với số tiền 100 đồng. 

Sáu Trọng liền xuống Trà Vinh, dùng mác phanh thây Hai Đẩu rồi đi nạp mình cho nhà chức trách. Trọng bị tòa đại hình Mỹ Tho xử tội chết chém. Sau khi nghe tòa tuyên án,

Trọng còn nói tiếng Lang Sa/ Quan trên dạy chém tôi mà cảm ơn.

Tủ sạch lòng mổ chi sờn/ Nào tôi có chịu thấu oan làm gì.

Thơ Sáu Trọng lời lẽ mộc mạc, nhưng rất được người dân yêu thích. Giọng điệu của người kể chuyện cho thấy rõ dụng ý tỏ lòng cảm mến đối với một người can trường không sợ Tây, dám giết kẻ phản bội mình để lấy Tây và coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Điều đáng chú ý, trong thơ Sáu Trọng là có cả một đoạn khá dài dùng lối tiếng Việt pha tiếng Tây “bồi” (tiếng Pháp bất chấp văn phạm và cách phát âm đúng, do những người thất học giúp việc cho Tây dùng để nói với chủ). Điều này cho thấy đây là một tác phẩm bình dân, xuất hiện trong thời kỳ sơ khai của chữ quốc ngữ.


Bến Bình Đông

Thơ Thầy Thông Chánh

Mở đầu, bài thơ giới thiệu:

Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tài/ Có thầy Thông Chánh, thiệt người lớn gan.

Thầy Thông Chánh làm thông ngôn (phiên dịch) tại tòa án Trà Vinh. Thầy có người vợ rất xinh đẹp, nên được viện biện lý (tỉnh trưởng) người Pháp tên là Jaboin chú ý. Hắn tìm cách ve vãn cô ta, khiến thầy Thông Chánh phải tìm cách xin đổi sở làm về Tân An rồi lên Nam Vang (Phnom Penh). Không ngờ tên Jaboin cũng đổi chỗ làm đến Tân An rồi Nam Vang. Rốt cuộc, thầy Thông Chánh phải trở về Trà Vinh, nơi Jaboin trở lại làm biện lý. Hắn ta lại tìm cách khác để hại thầy Thông Chánh.

Thầy Thông Chánh sửa nhà, rước thợ mộc về làm nhà:

Thôi thôi tôi cũng nhịn thua/ Tôi bèn chạy nó, đòi về Tân An.
Biện lý nó cũng vô đoan/Theo tôi đổi lại trở về Tân An.
Hại tôi mắc phải gian nan/ Tôi bèn chạy nó, đổi về Nam Vang.
Biện lý nó cũng dị kỳ/ Theo tôi đổi lại, trở về Nam Vang.
Thiệt tôi chịu những cơ hàn/ Gia tài chẳng đặng ở an chỗ nào.
Biện lý trở lại báo đời/ Nên tôi tức giận trở về Trà Vinh,
Đặng gần bạn hữu đệ huynh/ Biện lý xin phép Trà Vinh đổi về.

Từ tôi dựng nghiệp gia tề/ Rước chưng thà mộc làm nhà cho tôi.

Tới đây, tên biện lý lại tìm cách hại thầy Thông Chánh nữa. Làm nhà gần xong, chỉ còn một cánh cửa, bỗng thợ nhất định ngưng công việc. Thầy thông kiện ra tòa, tòa xử thầy thất kiện. Thầy chưởng án lên trên cũng bị thất kiện luôn và thầy lại còn bị xử “mất chức việc”.

Vừa bị thất kiện, vừa bị mất chức, thầy Thông Chánh đã bị dồn vào bước đường cùng. Như vậy, Thầy Thông Chánh chỉ còn cách trả đòn thù bằng cách “lấy mạng đổi mạng”.

Đêm nằm nát ruột nát gan/ Oán thủ biện lý chẳng an trong lòng

Chừng nào tỏ nỗi đục trong/ Giết quan biện lý, trong lòng mới thanh.

Nhân dịp biện lý Jaboin mở tiệc chiêu đãi vào ngày quốc khánh của Pháp (14/7), Thầy Thông Chánh mang súng đi vào bàn tiệc, bắn Jaboin chết ngay tại chỗ. Thầy Thông Chánh bị bắt, bị tra tấn rồi bị giải lên Sài Gòn. Bởi thầy không chịu khai điều gì, nên tòa đại hình phải giải thầy ra Huế cho triều đình xử tội. Nhưng triều đình lại trả thầy về cho Pháp ở Sài Gòn, sau giải trả về Trà Vinh để chịu hình phạt xử chém bằng gươm máy.


Cây xanh trên đường Taberd, nay là đường Nguyễn Huệ

Nội dung chính trong thơ Thầy Thông Chánh là nói lên hành động trong thế tuyệt vọng của một thông ngôn Việt Nam buộc lòng phải chống lại một quan chức Pháp đã dựa vào thế lực của chế độ thực dân để hiếp đáp thuộc cấp người bản xứ. Ngoài việc thỏa mãn tư thù đối với cá nhân việc biện lý người Pháp là Jaboin, hành vi sát hại của Thầy Thông Chánh trong sâu xa còn có tính cách phản kháng, chống lại những viên chức của chính quyền thuộc địa.

Trần Vĩnh An