Những “bông hoa” trẻ mãi

Các thí sinh lớn tuổi của chương trình “Mãi mãi thanh xuân” không chỉ có tài năng ca hát, thể thao..., mà họ còn có niềm đam mê tham gia các hoạt động xã hội. Cùng gặp gỡ những “bông hoa” việc thiện của chương trình sau 8 tập phát sóng.


Chương trình “Mãi mãi thanh xuân”, phát sóng lúc 19g, Chủ nhật hàng tuần trên HTV7 đã giới thiệu đến khán giả nhiều thí sinh có chung niềm đam mê làm việc thiện 

Cô Kim Thia với mục đích sống tốt đẹp

Cô Kim Thia, 66 tuổi, đã dạy bơi cho trẻ em được 16 năm. Mỗi năm, cô nhận dạy khoảng 200 em, và chỉ trong 10 ngày ngắn ngủi, cô có thể giúp các em biết bơi. Điều đặc biệt là cô không nhận thù lao, bởi cô nghĩ, dạy trẻ biết bơi là bổn phận, trách nhiệm và là việc làm có ý nghĩa nhất. Trước đây, cô từng đi bán vé số, nhưng hễ nghe tin có trẻ nào chết đuối là cô tự cảm thấy không an lòng. 

Nhiều người tỏ ra bất ngờ và thán phục khi biết cô Kim Thia không có kinh tế khá giả. Hiện tại, cô vẫn một thân một mình đi về sớm hôm. Cô chia sẻ: “Nếu lập gia đình thì tôi chỉ có thể lo cho chồng, cho con, không có thời gian lo cho xã hội. Tôi mong muốn giúp được các em, giúp cho mọi người và chỉ cần nghe lời chào từ các em là tôi cảm thấy mãn nguyện”.

Chứng kiến câu chuyện của cô Kim Thia, khán giả không khỏi xúc động trước nghĩa cử và lý tưởng sống cao đẹp của người phụ nữ đất Đồng Tháp. Cuộc đời cô tuy không hưởng hạnh phúc từ gia đình, nhưng lại được sự kính trọng, yêu quý từ mọi người trong xã hội. Và đó cũng chính là cuộc sống mà cô Kim Thia mong muốn. 

Để giúp đỡ cho cuộc sống của cô thêm đủ đầy, diễn viên – người dẫn chương trình Sam đã tặng cô 5 triệu đồng để cô có một cái Tết trọn vẹn hơn. Quyền Linh cũng tặng cô thêm một khoản tiền để sữa chữa lại hồ bơi, giúp cô an tâm hơn cho lý tưởng của mình.


Cô Trần Thị Kim Thia tự nguyện dạy bơi cho các bé và không nhận tiền công. Đối với cô, được nghe những lời chào của các bé là cô cảm thấy vui và hạnh phúc

“Ông già Chocolate” và hành trình để lại tiếng thơm 

Chú Bùi Durassamy, 68 tuổi, mang 2 dòng máu Việt - Ấn là người làm chocolate. Chú Durassamy vốn dĩ định cư ở Canada, sau đó nghỉ hưu, chú trở về Việt Nam và bắt đầu hành trình sản xuất chocolate. Để làm ra được thỏi chocolate đầu tiên, chú Durassamy đã trải qua vô vàn khó khăn, từ việc tìm kiếm vật liệu, chế tạo máy móc, xin giấy phép,... và cũng đã có lúc chú muốn từ bỏ. Nhưng với tinh thần của người Việt, như một người dân nơi đây với tình yêu quê hương đủ mạnh để chú vượt qua tất cả khó khăn, một mình vươn lên cuộc sống. 

Hiện tại, chú cảm thấy hạnh phúc khi có thể làm chút gì đó cho đời và để lại cho thế hệ mai sau. Chú xúc động chia sẻ rằng, chú làm chocolate không phải để kiếm tiền mà là muốn mang ngành sản xuất mới vào Việt Nam, giúp cho người sản xuất giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm mà họ vất vả tạo ra, cũng như trả ơn cho người dân Việt Nam – nơi đã sinh ra chú Bùi Durassamy và người mẹ thân yêu của mình.


Chú Bùi Durassamy ở lại Việt Nam sinh sống và làm việc bởi quyết tâm muốn làm một việc có ích cho đất nước và con người nơi đây 

“Cụ bà xì teen” khiến khán giả phát cuồng 

Đã hơn 80 tuổi, nhưng cô Trung Tuyết vẫn chưa “an hưởng tuổi già”. Cô vẫn rong ruổi khắp nơi, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cống hiến hết mình cho xã hội. Hiện cô là tổ trưởng tổ công tác giảm nghèo của khu phố, trong cô luôn cháy bỏng tình yêu thương người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. 

Cô mong rằng, tất cả mọi người nên yêu thương và đùm bọc nhau nhiều hơn. Trước đây, cô từng là lính giao liên nên cô thích văn nghệ, mê ca hát. Đối với cô, ca hát như một liều thuốc tinh thần để cho mình trẻ mãi không già. Đến với chương trình, cô Trung Tuyết thể hiện tài năng ca hát với ca khúc Kiên Giang mình đẹp lắm. 

Để thực hiện tâm nguyện của mình, cô luôn giữ sự vô tư, vô tư trong cuộc sống, trong công việc và trong chính tâm hồn của mình. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, cô Trung Tuyết nói rằng, tuy sống một mình nhưng cô luôn cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Nhờ vậy, cô mới dễ dàng tham gia công tác xã hội và có điều kiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.


Cô Trung Tuyết từng thi hát trong chương trình “Tiếng hát mãi xanh” để giúp đỡ người nghèo. Nay cô trở lại chương trình “Mãi mãi thanh xuân” cũng với mục đích tương tự

Chú Phan Quang Đán hết lòng với công việc thiện nguyện 

Chú Phan Quang Đán, 68 tuổi, mang đến với chương trình những kiến thức bổ ích về kĩ năng thoát hiểm, tiêu biểu là 3 cách cứu người ở ban công chung cư. Sau đó, chú hướng dẫn những kĩ năng sống cần thiết và thị phạm tình huống chỉ với một sợi dây thừng và những công cụ đơn giản nhất, ai cũng có thể học theo và áp dụng một cách hiệu quả. 

Chú Quang Đán làm hướng đạo sinh từ năm 16 tuổi vì thấy tính chất công việc rất hay và ý nghĩa, mang đến cho chú nhiều trải nghiệm hữu ích ngay từ khi còn nhỏ. Hiện tại, công việc của chú tuy không trực tiếp dạy các em nhỏ nhưng chú phụ trách hướng dẫn và làm việc với các trưởng trại  - những người trực tiếp dạy dạy kĩ năng cho các em. 

Giờ đây, điều mà chú Quang Đán tự hào nhất là các con đều thành đạt, chú luôn tuân thủ và sống theo kiểu “tốt đời đẹp đạo” không làm gì sai trái và góp hết sức mình để làm điều có ích cho xã hội.


Chú Phan Quang Đán (đeo kính), 68 tuổi, duy trì sức khỏe và sự trẻ trung với Yoga

Thanh Nga