Những câu chuyện đằng sau máy quay trong phim "Dòng sông thương nhớ"

Có rất ít bộ phim truyền hình dành hẳn câu chuyện nói về các cậu bé, cô bé với những bài học giáo dục đầy tính nhân văn như phim "Dòng sông thương nhớ". Ngoài nội dung hấp dẫn, bộ phim còn ẩn chứa những câu chuyện thú vị.

Có "thương nhớ" nhưng không phải tình yêu

Thể loại tình cảm, tâm lý xã hội vốn là mảnh đất màu mỡ, khai thác hoài không hết đối với các nhà làm phim. Đôi khi cùng một chủ đề, nhưng nếu biên kịch, đạo diễn, diễn viên… khéo tay, hoàn toàn có thể tạo nên những bộ phim có màu sắc riêng biệt.


Dòng sông thương nhớ là câu chuyện dí dỏm về những đứa trẻ hồn nhiên

Với tựa đề Dòng sông thương nhớ, có người nói, nếu không đọc qua phần giới thiệu nội dung, hẳn phần nào họ sẽ nghĩ về một câu chuyện tình lãng mạn bên dòng sông quê hương, gợi nhớ bao kỷ niệm êm đềm, hạnh phúc. Một mô-típ quen thuộc với phim truyền hình dễ làm khán giả chuyển kênh.

Những suy đoán đi lệch nội dung càng khiến người xem cuốn hút bởi sự mới mẻ, nhẹ nhàng và dung dị khi câu chuyện trong Dòng sông thương nhớ được bật mí.

Cũng là hình ảnh dòng sông êm ả với bao kỷ niệm, nhưng đó là một dòng sông tuổi thơ với những đứa trẻ lớn khôn từng ngày, được bồi dưỡng tâm hồn bằng những bài học chập chững đầu đời về tình bạn cao đẹp, lòng nhân ái, yêu thương con người. 

Ngoài ra, Dòng sông thương nhớ không chỉ là bộ phim dành cho thiếu nhi mà còn là góc hoài niệm của người lớn. Khi khán giả theo dõi những trải nghiệm thú vị của những cậu bé, cô bé hồn nhiên, ắt hẳn sẽ tìm thấy một phần ký ức về một thời tuổi thơ thương nhớ.

Diễn viên chính là trẻ em

Khi người lớn lùi ra tuyến sau, và trẻ em trở thành nhân vật chính trong phim, liệu diễn xuất của các diễn viên nhí có đủ độ hấp dẫn người xem? Câu trả lời là hoàn toàn có thể!


Khi diễn viên người lớn chỉ là tuyến phụ

Sáu diễn viên nhí là Thiên Kim, Trí Thảo, Đình Trí, Khải Hoàn, Trà My, Thành Tâm lần lượt hóa thân thành những đứa trẻ với cái tên ngộ nghĩnh như: Bình nước mắt; Nghĩa hiệp, tốt bụng; Nhân mập nóng tính, Thi hung dữ; Xuyến Tranh nhạy cảm; Sông Xanh ốm yếu.


 … nhường chỗ cho các diễn viên nhí trở thành nhân vật trung tâm của bộ phim

Có diễn viên nhí quen thuộc, từng tham gia nhiều phim, cũng có những gương mặt mới, nhưng diễn xuất không thua kém bất kỳ ai. Điển hình như cảnh Bình nước mắt hai tay ôm chú vịt Hoa Tím vừa chạy, vừa khóc. Trên đường đi, Bình lo sợ người bạn của mình sẽ chết nên em chạy thật nhanh đến nhà thầy thuốc Nam để nhờ ông cứu sống.


Diễn xuất của diễn viên “nhí” Thiên Kim vai cô bé Bình nước mắt nhận được nhiều lời khen ngợi

Khi thực hiện cảnh quay này, ê-kíp e ngại mọi thứ sẽ quá sức với Thiên Kim, nhưng ngược lại, cô bé đã rơi nước mắt như mưa mà không cần đến sự hỗ trợ. 

Để có những giọt nước mắt chân thực đó, Thiên Kim nói, cô vốn là người yêu mến các con vật nên khi nhìn thấy vịt con “ngất xỉu” trên tay, em thấy rất buồn và lo lắng nên đã không cầm được nước mắt.

Học làm người dân vùng sông nước

Bộ phim mang đặc trưng của vùng sông nước miền Tây Nam bộ, nên 80% các cảnh quay đều thực hiện trên các con sông ở An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre… và các diễn viên đều phải tập chèo xuồng.


 80% bối cảnh trong phim là cảnh sông nước miền Tây Nam bộ

Không chỉ các bạn nhỏ mà ngay cả người lớn cũng rất hào hứng khi được cầm mái chèo. Nhưng khi xuống xuồng, mọi chuyện lại không dễ như đứng trên bờ quan sát. Bởi khi chèo, chiếc thuyền có di chuyển nhưng để đi đúng hướng thì diễn viên cũng vã mồ hôi.

Để quay những cảnh sông nước, chèo thuyền, ê-kíp đa phần là những người bơi rất cừ. Tổ thiết kế cũng đã biến màu cam đặc trưng của áo phao thành màu đen để khi ghi hình không bị “lộ hàng”.

Ngoài việc lần đầu tiên được cầm mái chèo, các diễn viên còn được học đàn tranh, hát cải lương, và hơn hết là, các bạn nhỏ còn phải học cách sống, cách nói chuyện như những đứa trẻ miền Tây.


Diễn viên hào hứng khi lần đầu được cầm mái chèo

Đau đầu với "diễn viên quần chúng"

Điểm thú vị là trong phim có sự trợ giúp của các “diễn viên” đặc biệt, đó là các chú vịt, khỉ, trăn, rắn… Nếu “diễn viên” đó chịu hợp tác, cảnh quay đó diễn ra rất nhanh chóng. Nhưng đôi lúc, các “diễn viên” này nổi hứng khó tính, chạy loạn xạ, không “hiểu ý” với bạn diễn khác, khiến cho ê-kíp gặp không ít vất vả hoặc một phen hú vía.


Cảnh Bình nước mắt ôm chú vịt chạy trốn mẹ

Ngay từ tập đầu tiên, cảnh Bình nước mắt hai tay ôm chú vịt Hoa Tím bị què chân cố gắng chạy trốn khỏi mẹ chỉ vì mẹ đòi giết thịt chú vịt này. 

Với dáng chạy tất tả của Bình đằng sau là hình ảnh người mẹ vừa đuổi theo vừa nói: “Trời đất quỷ thần ơi, có ai nuôi vịt mà không cho mần thịt không”, diễn xuất của Thiên Kim cùng với màn phối hợp ăn ý của “diễn viên” vịt, cảnh này khiến người xem vừa buồn cười vừa nhận được sự chia sẻ và đồng cảm.

Bộ phim Dòng sông thương nhớ đang phát sóng lúc 22g hàng ngày trên kênh HTVC Thuần Việt.
Trang Minh