Chuyện tình ly kì như phim của họa sĩ vẽ tranh ngược kính bằng tay không và hành trình đi tìm nốt nhạc bằng chén của người nghệ sĩ 62 tuổi là những câu chuyện cảm động ở chương trình “Mãi mãi thanh xuân”.
Có một tình yêu mà khi đúng người, đúng thời điểm thì khoảng cách về tuổi tác không còn là trắc trở, đó chính là câu chuyện tình yêu của chú Việt Tiến và vợ là chị Cẩm Nhung (thứ 2 từ trái sang)
Chuyện tình ly kì như phim của họa sĩ vẽ tranh
Có lẽ, chú Đoàn Việt Tiến - một họa sĩ vẽ tranh ngược kính bằng tay không đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc đến với khán giả từ câu chuyện nghề đến chuyện đời ly kì mà ít ai nghĩ sẽ có thật trên đời.
Trong suốt khoảng thời gian mấy chục năm làm việc, chú Việt Tiến đã có hơn 1000 tác phẩm vẽ tranh ngược kính. Chú từng đạt kỉ lục Guinness khi vẽ bốn bức tranh bằng tay không trong vòng 7 phút, cùng hàng loạt các chứng nhận khác.
Chia sẻ với chương trình, chú Việt Tiến tiết lộ cơ duyên “trời ban” khiến chú bước chân vào con đường nghệ thuật là từ sau một cơn mưa năm 1989. Chú vô tình thấy một tấm thủy tinh lấp lánh, từ đó chú phát hiện những không gian đang in bóng trên tấm kính đó. Sau đó, chú Tiến cứ trằn trọc suy nghĩ tìm cách để vẽ chân dung của những người mà mình ngưỡng mộ. Cũng chình từ giây phút ấy, chú tập trung để truyền tải tư duy, năng khiếu và nghệ thuật của mình vào tấm kính ngược.
Trải qua cơn bạo bệnh kéo dài suốt 10 năm trời, tưởng rằng không bao giờ trị khỏi thì trong một lần tình cờ, khi chú nhìn vào dòng kênh bên cạnh nhà thấy đàn cá bơi lội, chú lao xuống dòng nước. Như một điều thần kỳ, sau cú nhảy đó, chú Tiến thoát khỏi căn bệnh nấc đã hành hạ mình trong suốt nhiều năm liền.
Sau khi khỏi bệnh, chú trở lại với niềm đam mê mãnh liệt hơn với hội họa. Không chỉ chuyện nghề, mà chuyện tình của chú cũng thần kì không kém, trong cơn quằn quại của tiếng nấc, người họa sĩ được một người phụ nữ cùng cháu gái cứu giúp. Lúc ấy cô gái chỉ mới 20 tuổi đã dùng bàn tay của mình để làm ấm đôi chân lạnh ngắt và cứu sống chú. Và như một sự đồng điệu, thấu hiểu, một mối nhân duyên kỳ lạ để rồi từ ân nhân cứu mạng, cô gái ấy đã đồng ý trở thành vợ của chú.
Trong suốt khoảng thời gian mấy chục năm làm việc, chú Việt Tiến đã có hơn 1000 tác phẩm vẽ tranh ngược kính
Có một tình yêu mà khi đúng người, đúng thời điểm thì khoảng cách về tuổi tác không còn là trắc trở, đó chính là câu chuyện tình yêu của chú Việt Tiến 60 tuổi và vợ là chị Cẩm Nhung 30 tuổi. Dù chênh nhau tận 30 tuổi nhưng giữa 2 người dường như có một sợi dây vô hình gắn kết hai con người xa lạ để rồi trở thành mối lương duyên và khoảng cách tuổi tác chỉ còn là con số không. Chính tình cảm chân thật, sự hồn nhiên, vô tư của chú Tiến và chị Nhung đã lay động mọi người xung quanh và tất cả đều có niềm tin rằng, họ sẽ cùng nhau đi đến cuối con đường.
Chia sẻ về ý định cho con nối nghiệp họa sĩ của mình, chú Tiến không dám nghĩ đến điều đó mà chỉ âm thầm tìm hiểu xem con mình thích gì, tôn trọng sở thích và mong ước của con. Chú Tiến tự tin rằng sau này khi con 20 tuổi hay 30 tuổi, chú vẫn còn đủ sức để dõi theo từng bước chân của con. Chú Tiến luôn quan niệm rằng, “cứ vui vẻ, cứ làm việc, cứ chăm sóc và kết quả của ngày mai chính là sự cố gắng của ngày hôm nay”.
Bộ đàn chén “có một không hai”
Chú Trương Văn Thanh không chỉ là một nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ cừ khôi mà còn là người sáng tạo ra bộ đàn chén “độc nhất vô nhị” khiến nghệ sĩ khách mời Kim Tử Long mê tít.
Đến với chương trình, Mãi mãi thanh xuân, chú Văn Thanh không chỉ gây ấn tượng bởi tài độc tấu nhiều loại nhạc cụ khác nhau như: guitar, piano, sáo,... đặc biệt còn mang đến bộ đàn chén do mình sáng tạo. Loại nhạc cụ mới mẻ này khiến các nghệ sĩ: Ốc Thanh Vân và Kim Tử Long vô cùng thích thú.
Ban bình luận ngay lập tức nhanh chân bước lên sân khấu để mục sở thị
Để thỏa mãn trí tò mò của khán giả về nguyên lý hoạt động của nó, chú Văn Thanh đã chơi đàn chén trên nền ca khúc “gây bão” Vpop thời gian qua – Độ ta không độ nàng. Nghệ sĩ Kim Tử Long cũng tò mò mà gõ thử bài hát Cháu lên ba khiến khán giả cực kì thích thú.
Có thể nói, chú Trương Văn Thanh đam mê nhạc cụ như vậy một phần từ gen di truyền từ người cậu nhạc công Mandolin của mình. Khi còn đi học, chú đã rất thích tiếng đàn, cũng như hình ảnh những người nghệ sĩ đánh đàn, thế là chú tự học.
Chú Trương Văn Thanh không chỉ là một nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ cừ khôi mà còn là người sáng tạo ra bộ đàn chén “độc nhất vô nhị” khiến Kim Tử Long mê tít
Sau này, khi đoàn văn công tổ chức chiêu mộ nhạc công để thành lập đoàn văn công huyện Cầu Kè, chú đã trở thành một thành viên của đoàn nhưng không phải đảm nhận vai trò nhạc công mà thuộc... top múa. Khi đoàn văn công tan rã, chú lại tìm đến đoàn cải lương và bắt đầu vai trò chính của mình. Tuy nhiên, dù đã cố gắng thay đổi nhưng chú vẫn chưa tìm ra nơi để có thể sống hết mình với đam mê nghệ thuật.
Năm 1993, chú quyết định ôm đàn lên Sài Gòn, lúc vừa 33 tuổi, đến nay, gần 30 năm chú sinh sống và làm việc ở mảnh đất này. Trong quãng thời gian dài, chú làm nhạc công cũng thành lập riêng một ban nhạc chuyên hát aucoustic để biểu diễn ở các tụ điểm như nhà hàng, quán bar,... Song song với việc đi làm, chú còn nhận không ít học trò để truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức của mình.
Chú Văn Thanh gây ấn tượng với bộ đàn chén do mình sáng tạo
Giờ đây khi đã qua số tuổi 60, chú chọn quay trở về vùng đất mình sinh ra – Trà Vinh và tiếp tục niềm đam mê âm nhạc. Ít biểu diễn hơn, chú bắt đầu sưu tầm những vật liệu để tạo nên những bộ nhạc cụ có một không hai như đàn chén từng xuất hiện trên sân khấu “Mãi mãi thanh xuân”. Để hoàn thành bộ đàn chén này, chú mất gần một năm tìm kiếm, trải qua hành trình vất vả mới có thể sưu tập các loại chén khác nhau để chọn ra những nốt nhạc chuẩn mực nhất. Ngoài đàn chén, chú đang tiếp tục hoàn thành bộ đàn bằng lon sữa, một năm nay đã tìm được 7 nốt.
Đối với công việc này của chú, ba mẹ, bạn bè, cả gia đình ai ai cũng ủng hộ chú hết mình. Thậm chí khi mới bắt đầu đi vào nghề, chú còn được ba hộ tống biểu diễn, ông vô cùng tự hào vì tài năng của chú Văn Thanh. Tuy nhiên, bây giờ điều chú trăn trở là tìm một người nối nghiệp vì chú luôn mong muốn có thể truyền lại hết nền âm nhạc của mình. Hiện tại, ngoài việc dạy nhạc cụ, đi biểu diễn, chú Văn Thanh còn nhận may đồ trang trí nội thất. Thế nhưng, dù có bao nhiêu năm trôi qua, dù có làm bao nhiêu nghề đi nữa, đối với chú chiếc đàn vẫn luôn bên cạnh như hình với bóng, âm nhạc vẫn là quan trọng hơn cả.
Thúy Nga