Những chi tiết khiến “Hậu cung Như Ý truyện” kém sắc hơn “Diên Hy công lược”

Trong khi “Diên Hy công lược” đi được hơn nửa chặng đường thì “Hậu cung Như Ý truyện” chỉ mới khởi động. Vốn được sản xuất sau “Hậu cung Như Ý truyện”, nhưng “Diên Hy công lược” lại ra mắt khán giả sớm hơn khiến “người đến sau” bị đem ra so sánh.


Diên Hy công lược có mạch phim nhanh, hấp dẫn và hiện đại 

Nội dung kịch bản

Nếu lấy nội dung đặt lên bàn cân so sánh, cán cân có vẻ nghiêng về phía Diên Hy công lược bởi cốt truyện hấp dẫn, mạch phim nhanh, mạnh dạn đưa vào những tình tiết hiện đại. Mặc dù đôi lúc, trong phim xuất hiện những tình huống hơi vô lý nhưng vẫn không khiến người xem nhàm chán. 

Điển hình như Nguỵ Anh Lạc tuy mồm miệng lanh lẹ, thông minh, không sợ trời, không sợ đất nhưng dù sao cô cũng chỉ là một cung nữ vậy mà sẵn sàng ra tay “trấn áp” với chủ quản các cung. Đặc biệt là cô nàng dường như không hề sợ rơi đầu khi đối đáp tay đôi với Hoàng thượng tạo nên nhiều tình huống dí dỏm.

Kịch bản Hậu cung Như Ý truyện được biên kịch Lưu Liễm Tử thực hiện trong suốt 5 năm và được chỉnh sửa rất nhiều lần trước khi hoàn chỉnh đưa vào bấm máy. Nhưng vì đây là phần tiếp theo của Chân Hoàn truyện nên bộ phim không thể thoát khỏi mạch phim chậm rãi, từ từ, khó hấp dẫn người xem ngay lập tức nhưng càng về sau cuộc chiến giữa các phi tần mang không khí cung đấu nhiều hơn so với "đối thủ” Diên Hy.

Tính cách nhân vật

Hai bộ phim đều xoay quanh hậu cung thời Càn Long nhưng lại xây dựng tính cách các nhân vật đối lập hoàn toàn. Ở Diên Hy công lược, Phú Sát Hoàng hậu là người hiền lương thục đức, Kế Hoàng hậu có vẻ ngoài trầm tĩnh nhưng nội tâm thâm sâu, còn Lệnh Phi ngay thẳng, chính trực. Trong khi đó, ở Hậu cung Như Ý truyện, Phú Sát Hoàng hậu là người khẩu phật tâm xà, Kế Hoàng hậu tâm tính hiền lành, còn Lệnh phi lại trở thành nhân vật phản diện.


Hình ảnh Càn Long của Nhiếp Viễn được lòng người xem hơn Càn Long của Hoắc Kiến Hoa

Mặt khác, mặc dù nhân vật Càn Long ở cả hai bộ phim được xây dựng vẫn bám sát nguyên mẫu là một vị vua giỏi trị quốc và đa tình nhưng vẫn có phần khác biệt. Ở Diên Hy công lược, biên kịch xây dựng hình ảnh một Càn Long đa chiều và gần gũi. Đối với những cuộc tranh sủng của các phi tần, tuy không trực tiếp can dự mà có cách giáo huấn thâm sâu. Ngoài ra, Càn Long trong bộ phim này mang những nét duyên hài hước, đặc biệt khi ông đối diện với Ngụy Anh Lạc. Nét duyên đó được diễn viên Nhiếp Viễn thể hiện rất tốt nên hình ảnh của vị vua này rất được lòng người hâm mộ.

Do cốt truyện khai thác chủ yếu là mối tình thanh mai trúc mã giữa Càn Long và Như Ý nên vị vua này không đa chiều như “đối thủ” Diên Hy. Ở một chi tiết, vì giúp Như Ý trả thù những người đã hại mình, đặc biệt là nhân vật A Nhược, cung nữ thân tín đã phản bội cô, Càn Long đã trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến thâm cung. Vì vậy, khán giả nhận xét Càn Long của Như Ý truyện có phần thiên vị, thầm trầm, đôi khi còn lắm mưu kế hơn các phi tần tranh sủng.

Nhan sắc phi tần

Ngoài những điểm trên, một số ý kiến khác cho rằng Diên Hy Công lược dễ chiếm cảm tình khán giả nhờ vào dàn diễn viên với nhan sắc được xếp vào dạng “thần tượng” như người đẹp Xa Thị Mạn trong hình tượng Kế Hoàng hậu. Còn trong Hậu cung Như Ý truyện, Châu Tấn lại bị chê tơi tả vì bị cho là quá già khi đóng thời thanh xuân của nhân vật Như Ý.

Ngoài ra, cùng đảm nhận nhân vật Phú Sát Hoàng hậu, nhưng vẻ đẹp không tuổi của Tần Lam có phần nhỉnh hơn Đổng Khiết. Bởi cho dù Tần Lam có hóa thân thành Dung Âm trước khi trở thành Phú Sát Hoàng hậu thì vẫn giữ được nét thuần khiết, dịu dàng. Trái lại, người đẹp Đổng Khiết cũng bị chê là lố tuổi khi vào vai Phú Sát Hoàng hậu thuở thanh xuân, còn khi làm chủ lục cung lại mất đi phần quý phái.

Trang phục hậu cung

Trang phục của dàn phi tần trong Diên Hy công lược từ màu sắc, họa tiết, kiểu dáng đều nhã nhặn nhưng vẫn toát lên vẻ cao quý. Theo dõi Diên Hy công lược từ những tập đầu tiên đến bây giờ, trang phục của Phú Sát Hoàng hậu, Cao Quý phi, Nhàn Phi, Thuần Phi… đều được chăm chút kĩ lưỡng từng cánh áo, trâm cài, quạt thêu tay để toát lên tính cách và khí chất cao quý của mỗi vị phi tần.


Tính cách Phú Sát Hoàng hậu trong hai bộ phim đối lập hoàn toàn

Ngược lại, trong Hậu cung Như Ý truyện, Như Ý là nhân vật bị “dìm hàng” nhiều nhất khi khoác lên mình những bộ trang phục có phần sến súa. Đặc biệt là thời thanh xuân của Như Ý, hình ảnh của cô luôn gắn liền với chiếc nơ “khủng” được thắt ngay ở cổ. Còn các nhân vật từ Càn Long, Thái hậu, Hoàng hậu cho đến những phi tần, màu sắc và họa tiết trên trang phục của họ có phần rườm rà và màu mè.


Trang phục trong “Diên Hy công lược” nhã nhặn và cao quý

Cát-sê diễn viên

Những điểm kể trên phần nào khiến Diên Hy công lược “ăn điểm”, nhưng ở phần cát-sê dành cho dàn diễn viên Hậu cung Như Ý truyện lại khá vượt xa đối thủ. Để hai diễn viên Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa gật đồng hóa thân thành nàng Như Ý và Càn Long trong Hậu cung Như Ý truyện, nhà sản xuất đã mạnh tay chi hơn 100 triệu Nhân dân tệ. Chưa kể cát-sê của các diễn viên khác, con số này đã hơn hẳn chi phí bỏ ra để thuê dàn diễn viên của Diên Hy công lược mặc dù trong phim xuất hiện những cái tên Tần Lam, Xa Thi Mạn, Nhiếp Viễn…

Để mời Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa tham gia Hậu cung Như Ý truyện, nhà sản xuất đã chi ra con số không nhỏ
Quốc Bảo