Những chương trình đậm tính nhân văn của HTV (Phần 2)

Khởi đầu là phim tài liệu Trở về điểm hẹn đầu những năm 1980 và sau này là những chương trình như: Ngôi nhà mơ ước, Câu chuyện ước mơ, Vượt lên chính mình, Hát mãi ước mơ...


Một nhân vật trong chương trình “Ngôi nhà mơ ước” được hỗ trợ

Những “câu chuyện cổ tích”

Bên cạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, tạo việc làm, chỗ ở cho người có công, gia đình chính sách, người nghèo... của chính quyền và các đoàn thể của Thành phố, HTV đã sớm có hai chương trình: Ngôi nhà mơ ước và Câu chuyện ước mơ mang tính cộng đồng, nhân đạo xã hội sâu sắc, thu hút sự quan tâm theo dõi của khán giả truyền hình. 

Bắt đầu lên sóng từ tháng 12/2005, trong hành trình gần 11 năm, chương trình Ngôi nhà mơ ước đã có 541 ngôi nhà mơ ước được xây dựng. Chủ nhân của những ngôi nhà mới khang trang có khi là những người lính kháng chiến giờ sức khỏe suy yếu, là những người lao động lam lũ quanh năm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau,... Cũng có khi là người bị tâm thần, hoặc lụi tàn với một cơ thể đang yếu dần trong cơn suy thận, suy tim...

Dù phải sống trong những mái nhà rách nát, nhưng họ cũng luôn nở nụ cười và khiến cho chúng ta phải suy nghĩ. Khi xem chương trình, nhiều khán giả đã khóc vì xúc động, vì đồng loại được thương, được bớt khổ. Và thấy cái nghèo, mới biết cuộc đời chúng ta thật may mắn, quên dần những trách oán, than thở để làm việc nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn...


Quay chương trình “Ngôi nhà mơ ước” năm 2006

Chương trình truyền hình thực tế Ngôi nhà mơ ước đã trở thành một mô hình, một cách làm hiệu quả với hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cả nước. Để rồi không dừng lại nơi đây, HTV cùng với cách làm xã hội hóa, phát huy nguồn lực, sự đóng góp trong nhiều thành phần xã hội, đã xây dựng thêm chương trình Câu chuyện ước mơ đậm tính nhân văn, đến với những vấn đề an sinh xã hội đang còn nhiều trăn trở trong bộ phận người nghèo một cách cụ thể và đầy giá trị thiết thực. 


Chương trình “Câu chuyện ước mơ”

Biến ước mơ thành hiện thực

Lên sóng số đầu tiên vào tháng 4/2017, tiêu chí của chương trình Hát mãi ước mơ dành cho mọi lứa tuổi, giúp người chơi tự tin bước lên sân khấu, tỏa sáng và giành lấy giải thưởng cao nhất, biến ước mơ chưa được thực hiện của người mình yêu thương trở thành hiện thực.

Giữa hàng loạt gameshow giải trí, thì tính nhân văn, thiết thực của một cuộc thi hát karaoke dành cho mọi đối tượng lại nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng. Điểm đặc biệt của Hát mãi ước mơ là người chơi sẽ mang về giải thưởng cho những hoàn cảnh mà họ muốn giúp đỡ. Số tiền thưởng tuy không quá lớn nhưng phần nào giúp họ trang trải cuộc sống, giải quyết những khó khăn đang gặp phải.

Người xem hẳn vẫn còn nhớ chú Nguyễn Thiện Đức với tiết mục Để gió cuốn đi cùng chất giọng vô cùng đặc biệt. Người đàn ông truyền cảm hứng này đã nhận được tiền thưởng và trao tặng ba mẹ con chị Hiền. Giờ đây, bé Yến Nhi đã được tiếp tục cắp sách đến trường. Còn chị Hiền có một số tiền để chữa bệnh.

Trao tiền hỗ trợ nhân vật trong chương trình “Hát mãi ước mơ”

Khác với những gameshow khi mà những người chơi phải đạt thứ hạng thật cao mới có tiền thưởng, ở Hát mãi ước mơ, chỉ cần thí sinh có tấm lòng hát vì người khác thì đều nhận được một khoản tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Như chị Lê Thị Hà đi thi vì ba đứa trẻ mồ côi cha mẹ và phải đi bán vé số. Tuy phải dừng cuộc chơi khá sớm nhưng chị Hà vẫn có giải thưởng hơn 15 triệu đồng cho ba đứa trẻ. 

Có thể thấy, các nghệ sĩ khi đến với chương trình đều không kiềm được cảm xúc và bày tỏ mong muốn giúp đỡ những số phận không may. NSƯT Thoại Mỹ, Trấn Thành, Cẩm Ly đã trao tặng cô Thanh Lan - người bà cao tuổi làm nghề lái xe ôm để kiếm tiền nuôi cháu số tiền 14 triệu 900 nghìn đồng. Cô Lan cho biết, số tiền này đã dùng sửa sang lại ngôi nhà bị mối mọt nặng để cho đứa cháu gái được sống dưới mái nhà kiên cố. 

Để động viên tinh thần lạc quan của người mẹ mù lòa và bị mất một chân – Nguyễn Thị Mẫn, nghệ sĩ Cát Phượng đã tặng cô 14 triệu 400 nghìn đồng. Nữ ca sĩ Cẩm Ly cũng từng khiến khán giả vỡ òa khi dành tặng cho chàng trai mù lòa Văn Thọ số tiền 10 triệu đồng để tiếp tục theo đuổi mơ ước. Đặc biệt, giám khảo Trấn Thành đã rất nhiều lần rút tiền túi tặng cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như anh em chú Dương Văn Gấm được nam nghệ sĩ tặng số tiền 14 triệu 400 nghìn đồng để mua xe hỗ trợ công việc…

Không chỉ được hỗ trợ về mặt tài chính, các nhân vật trong cuộc thi còn có cơ hội nhận được việc làm phù hợp để trang trải cuộc sống. Con gái của cô Nguyễn Thị Mẫn là chị Bé Em đã được nghệ sĩ Cát Phượng giới thiệu việc làm tại một công ty để giúp đỡ gia đình. Hay như anh chàng Trang Liêu Phi Hải - người anh hết lòng lo cho em gái ăn học đã được Ốc Thanh Vân tin tưởng trao công việc giao hàng và còn ngỏ ý hỗ trợ cả phương tiện đi lại. Trung Hiếu – người con hát kiếm tiền cho cha chữa bệnh tai biến hiện đã trở thành MC cho một chương trình truyền hình.


Khá lâu rồi, người xem truyền hình mới đồng loạt bày tỏ sự cảm thương, chia sẻ và ủng hộ một gameshow nhiều đến vậy. Đáng quý hơn, nhiều người xem sau đó đã liên hệ với Ban tổ chức mong muốn được giúp đỡ, hỗ trợ thêm các nhân vật có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài số tiền thưởng nhận được từ chương trình, những nhân vật có hoàn cảnh không may cũng được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ để trang trải cuộc sống hay làm một số vốn thoát nghèo. Một số nhân vật đã nhận được sự giúp đỡ của các tấm lòng vàng.

Qua chương trình Hát mãi ước mơ, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được sự giúp đỡ từ xã hội. Những câu chuyện đẹp về tình gia đình, tình bạn, tình hàng xóm sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, lan tỏa những suy nghĩ, nghĩa cử tương thân tương ái đến tất cả mọi người. Có thể nói, Hát mãi ước mơ đã kế thừa truyền thống nhân ái qua các chương trình truyền hình trên sóng HTV, mà điển hình nhất là sự lan tỏa tình thương yêu, mang mọi người xích lại gần nhau hơn, cùng nhau sẻ chia và đồng cảm trước những mảnh đời bất hạnh.
Minh Nguyễn