Những công nghệ tiên tiến và nỗi lo động đất, sóng thần ở Olympic Tokyo 2020

Tổ chức Thế vận hội hay bất kỳ một sự kiện thể thao lớn nào luôn là vinh dự cho mỗi quốc gia vì đây là cơ hội để họ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hoá ra toàn thế giới.


Diễn tập chống động đất tại Nhật Bản

Nỗi lo động đất, sóng thần

Dù đã có kinh nghiệm trong công tác tổ chức Olympic mùa hè 1964, nhưng thành phố chủ nhà Tokyo 2020 cũng có những nỗi lo riêng. Bên cạnh những công nghệ tiên tiến sẽ xuất hiện trong kỳ Olympic 2020, lo ngại lớn nhất của thành phố chủ nhà chính là nguy cơ động đất và sóng thần. 

Tổ chức Thế vận hội là điều khiến các thành phố chủ nhà phải đau đầu. Khó khăn này còn lớn hơn khi Olympic diễn ra tại Tokyo 2020, bởi đây là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên đường ranh giới của ba mảng kiến tạo. Theo dự báo, nguy cơ động đất khoảng 7 độ richter ở thủ đô Nhật Bản trong 30 năm tới đạt 70%, điều này đồng nghĩa động đất vẫn có thể ập đến trong khoảng thời gian tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020.

Nguy cơ động đất không phải là mối lo duy nhất bởi nếu động đất xảy ra ngoài khơi có thể dẫn đến nguy cơ sóng thần. Vì vậy, các cơ sở hạ tầng phục vụ Olympic ở vịnh Tokyo được chỉnh trang để chống lại những cơn sóng có chiều cao 2mét. Đây là chiều cao tối đa được các chuyên gia dự báo. Dù vậy, điều tồi tệ vẫn có thể xảy ra.

Theo chuyên gia địa chấn Naoshi Harata thuộc trường Đại học Tokyo thì từ thời điểm này đến khi diễn ra Olympic Tokyo 2020, nếu có động đất với cường độ lớn, tác động và hậu quả của nó cũng khó lường: "Nếu một trận động đất có cường độ lớn xảy ra ở Tokyo từ nay cho đến năm 2020, thì vấn đề đặt ra không phải là Nhật Bản có nên tổ chức Olympic hay không mà là liệu kinh tế Nhật Bản có phục hồi được hay không?".

Vào tháng 3 năm 2011, Nhật Bản từng chịu động đất và sóng thần ở các bờ biển Đông Bắc. 18 ngàn người đã trở thành nạn nhân trong thảm hoạ này, đồng thời sóng thần cũng gây ra thảm hoạ ở các nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima. Mới đây nhất, lở đất dữ dội do động đất 6,7 độ richter vào 9/2018 trên đảo Hokkaido của Nhật Bản đã vùi lấp rất nhiều ngôi nhà dưới chân một ngọn đồi.

Những công nghệ tiên tiến

Bên cạnh nỗ lực tìm kiếm những giải pháp giảm thiểu nỗi lo động đất và sóng thần, Nhật Bản cũng hy vọng sẽ mang đến cho đại gia đình Olympic một kỳ Thế vận hội với nhiều công nghệ tiên tiến. 

Tại phòng trưng bày các công nghệ Nhật Bản CEATEC, các doanh nghiệp xứ hoa Anh Đào cho trình làng các máy thu hình có độ phân giải 4k, nhưng khi các gia đình tại Nhật Bản vừa bắt đầu trang bị những chiếc tivi HD thì kênh truyền hình NHK cũng hướng đến công nghệ có độ phân giải 8K, và hy vọng nó sẽ được ứng dụng ở kỳ thế vận hội Tokyo 2020. Kỹ sư Hironori Demoen đang công tác tại Đài truyền hình NHK  cho biết: "Chúng tôi đã thử nghiệm công nghệ 8k ở Olympic Rio và hy vọng mọi thứ sẽ sẳn sàng để phát sóng các môn thi đấu Olympic ở 2020 hoàn toàn bằng công nghệ có độ phân giải cao 8k".


Máy thu hình độ phân giải 8k

Hình ảnh chưa phải tất cả. Công ty Kyocera dự định tung ra những chiếc loa có âm thanh sắc sảo, tinh tế nhất và có độ mỏng được ví như những tờ giấy, được thiết kế lấy cảm hứng từ đặc tính vừa đẹp, vừa sắc sảo như các loại sành sứ. Trưởng ban dự án công ty Kyocera Yuhei Miyauchi tiết lộ: "Những chiếc loa được thiết kế cho các tivi sẽ được đưa ra thị trường, nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng dự tính phát triển chúng cho các thiết bị khác như máy tính, máy tính bảng và các điện thoại thông minh nữa".

Bên cạnh các công nghệ kể trên, trong kỳ Olympic ở Tokyo 2020 còn xuất hiện những chiếc kính thông minh. Thiết bị của NTT Docomo được thiết kế với nhiều tính năng rất đa dạng. Một trong những chức năng của chiếc kính đó là có thể dịch thuật ngay một đoạn văn bản, ví dụ như dịch một thực đơn trong nhà hàng sang ngôn ngữ được chọn lựa của người dùng.


Mắt kính có khả năng dịch thuật

"Tại kỳ Thế vận hội Tokyo 2020, rất nhiều người đổ về Nhật Bản, nhất là các du khách. Họ đến Tokyo, vì vậy, những chiếc kính dịch thuật sẽ rất có ích cho các du khách", Chuyên gia nghiên cứu công nghệ tiên tiến Shoji Kurakake của NTT Docomo cho biết.

Có thể nói, Olympic Tokyo 2020 sẽ là cú hích và cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp điện tử và nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác. Rất nhiều công ty Nhật Bản lấy Olympic 2020 là cột mốc cho mục tiêu phát triển công nghệ của mình.


Mô hình xe bay thắp sáng ngọn đuốc Olympic 2020 

Điển hình như hãng sản xuất xe Nissan, dự kiến cho ra lò những chiếc xe không người lái vào dịp thế vận hội Tokyo 2020. Vẫn chưa hết, hãng ô tô Toyota Nhật Bản đã đầu tư khoảng 350.000 USD vào Cartivator để nghiên cứu xe bay và cho ra đời chiếc ô tô bay có tên Skydrive, hiện có thể bay ở độ cao 10m so với mặt đất với tốc độ 100km/giờ và bay liên tục khoảng 50 km. Mục tiêu của Toyota là đưa chiếc xe bay này thắp sáng ngọn đuốc cho thế vận hội 2020. 
Hoàng Châu