Hàng năm, gần đến 30/4, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì đông đảo công chúng và khán giả đều háo hức chờ đợi những màn tranh tài hấp dẫn của Cuộc đua Xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM. Qua 33 mùa, cuộc đua đã để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ.
Cuộc đua xe đạp đầu tiên của Cúp Truyền hình TP.HCM diễn ra năm 1989
Cuộc đua Xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM do ông Nguyễn Hồng - Nguyên Trưởng Ban Thể thao HTV - đề xướng và đã được cố Anh hùng Lao động, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Khắc - Nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM - chấp thuận, duy trì và phát triển. Từ khi ra đời vào năm 1989 đến nay, giải đua vẫn đều đặn, liên tục được tổ chức, đến nay đã qua 33 mùa. Với tiêu chí vì sự nghiệp phát triển thể thao và phát triển truyền hình, Cuộc đua Xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM đã đóng góp nhiều dấu ấn cho hành trình phát triển chung của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV) và thể thao nước nhà.
Sau nhiều năm tổ chức, Cuộc đua Xe đạp Cúp HTV trở thành thương hiệu truyền hình được cả nước biết đến. Trưởng thành từ cuộc đua, nhiều vận động viên đã đạt được thành tích, huy chương ở các giải đấu Đông Nam Á, châu Á. Đến nay, có thể xem sự phát triển của Cúp Truyền hình đồng bộ với sự phát triển chung của đất nước.
Chúng ta cùng điểm lại những cột mốc đầu tiên và mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong hành trình 33 năm của cuộc đua.
Ảnh góc trái: Ông Nguyễn Hồng (ngồi sau) đang điều hành cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM năm 1993, người lái xe là ông Ngô Quang Vinh, hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn Mô-tô Xe đạp Việt Nam. Ảnh góc phải: Ông Nguyễn Hồng, Nguyên Trưởng Ban Thể thao, Nguyên Phó Trưởng Ban tổ chức - Trưởng Ban Điều hành Cúp Truyền hình tại Cuộc đua Xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM lần thứ 32.
* Năm 1989, lần đầu tiên tổ chức giải đua.
Tiền thân của Cuộc đua Xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM là một cuộc đua xe đạp do Phòng Thời sự HTV phối hợp với Phòng Thể dục - Thể thao quận Gò Vấp tổ chức vào năm 1989. Cuộc đua này chỉ gồm 4 chặng đua TP.HCM - Bảo Lộc - Đà Lạt - TP.HCM với 15 đội đua tham dự.
Ông Nguyễn Hồng, Nguyên Trưởng Ban Thể thao HTV, Nguyên Phó Trưởng Ban tổ chức - Trưởng Ban Điều hành Cúp truyền hình kể lại: Lúc đó chúng tôi được sự hỗ trợ của anh Tôn Thành Cang, cựu cua-rơ miền Nam từng đoạt Huy chương bạc Đông Nam Á, cũng là Phó Phòng Thể Dục Thể Thao Gò Vấp lúc bấy giờ và các anh Tuấn Lâm, Hồ Nguyễn, Huy Quân là những nhà báo cựu trào cùng suy nghĩ và tổ chức cuộc đua. "Vạn sự khởi đầu nan", nhưng may mắn giải đua tổ chức thành công tốt đẹp, các vận động viên thi đấu tốt, bước đầu khó khăn đã được chúng tôi vượt qua.
Năm 1989, Cuộc đua Xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM chính thức khởi động với những lộ trình đua ngày càng mở rộng. Năm 1990-1992, giải đấu mở rộng lộ trình ra miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ rồi vượt đèo lên các tỉnh Tây Nguyên. Đến năm 1991, giải được Tổng cục Thể dục Thể thao công nhận nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia.
Hành trình đua xuyên Việt góp phần đem đến cho khán giả những hình ảnh đẹp của đất nước
* Năm 1993, lần đầu tiên giải đấu tổ chức hành trình xuyên Việt
Lần đầu tiên, giải đấu tổ chức hành trình xuyên Việt từ Hà Nội vào TP.HCM với tổng lộ trình 1.900 km và đi qua 8 ngọn núi, sau nhiều năm ấp ủ kể từ mùa đua đầu tiên.
Ông Nguyễn Hồng cho biết: Từ những năm 1989-1992, chúng tôi đã nung nấu tổ chức cuộc đua xuyên Việt với tên gọi Hà Nội - Huế - Sài Gòn, chưa phải khẩu hiệu "Non sông liền một dải" như bây giờ. Hành trình xuyên Việt mang ý nghĩa chính trị, thông qua cuộc đua trải dài cả nước, đoàn đua không chỉ cổ động tinh thần rèn luyện thân thể, học tập tấm gương của Bác Hồ mà còn ghi lại những nét đẹp đổi mới của các địa phương trong phát triển nông nghiệp và kinh tế, văn hóa, xã hội.
Chúng tôi cũng mong muốn thông qua cuộc đua có thể đưa thương hiệu HTV đến với đông đảo khán giả. Có thể nói, sau năm 1993, HTV đã trở nên quen thuộc với khán giả cả nước. Giờ đây, Cuộc đua Xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM ngày một phát triển hơn với khẩu hiệu mạnh và giàu ý nghĩa: "Non sông liền một dải".
Đài Truyền hình TP.HCM là đơn vị truyền hình đầu tiên và đang là duy nhất trực tiếp được tất cả các chặng đua của cuộc đua đường trường
* Năm 2018, lần đầu tiên giải đấu được truyền hình trực tiếp
Năm 2018, sau nhiều ấp ủ và mong mỏi, cuối cùng, Ban tổ chức giải đua đã có thể truyền hình trực tiếp tất cả những chặng đua xe đạp đường trường không gián đoạn. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong lịch sử ngành truyền hình thể thao tại Việt Nam.
Một năm sau, vào năm 2019, lần đầu tiên, toàn bộ các chặng đua của giải được truyền hình trực tiếp. Theo đó, Đài Truyền hình TP.HCM là đơn vị truyền hình đầu tiên và đang là duy nhất trực tiếp được tất cả các chặng đua của cuộc đua đường trường. Đây là một bước tiến rất dài kể từ năm đầu tiên tổ chức cuộc đua.
Ông Nguyễn Hồng chia sẻ: Cuộc đua đầu tiên, chúng tôi quay phim bằng băng VHS, lên đến Bảo Lộc phải nhờ chiếc mô-tô chạy free tốc độ về TP.HCM để kịp đưa về đài phát sóng trong giờ tối. Qua quá trình phát triển, từ vệ tinh, từ cách dàn dựng và gửi file qua hệ thống tại mỗi địa phương, các bước phát triển kĩ thuật, truyền thông đã giúp cuộc đua tiếp cận ngày càng sâu rộng hơn đến khán giả.
Việc truyền hình trực tiếp giúp người xem có thêm nhiều trải nghiệm chân thực và lý thú cùng cuộc đua
Việc truyền hình trực tiếp đã giúp khán giả có thêm nhiều trải nghiệm mới, lý thú. Ông Nguyễn Hồng nhận định: Nếu chỉ đứng một chỗ coi thì đoàn đua cái vèo rồi qua. Nhưng khi trực tiếp từng chặng từng chặng, khán giả có thể cảm nhận và hình dung được tính hấp dẫn của cuộc đua. Hệ thống truyền hình truyền thống, truyền hình số giúp ta cảm nhận trọn vẹn và hiểu hơn về đua xe đạp. Bởi đua xe đạp giống bóng đá vậy. Một đội 5 tay đua đường trường, khi thi đấu phải tính toán, mỗi người một nhiệm vụ, ai mặc Áo vàng thì phải đua như thế nào và nhiệm vụ của các đồng đội phải bảo vệ danh hiệu ra sao...
Những năm trở lại đây, khán giả không chỉ có thể tiếp cận cuộc đua qua kênh truyền hình truyền thống mà còn có những trải nghiệm chân thực, gần gũi và ngay lập tức cùng đoàn đua qua các kênh livestream trên mạng xã hội như Facebook, YouTube.
Cuộc đua Xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM qua mỗi năm luôn có những đổi mới và ngày một phát triển
Ngoài ra, Cuộc đua Xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM còn có những dấu ấn đầu tiên đáng nhớ khác. Đó là các sự kiện: Năm 1996, lần đầu tiên giải đấu có đội đua xe đạp khách mời quốc tế; Năm 2006, lần đầu tiên giải đấu có giải Áo trắng - giải dành cho VĐV trẻ xuất sắc nhất theo từng chặng và chung cuộc; Năm 2006-2007, lần đầu tiên giải đấu mở rộng lộ trình ra nước ngoài với các điểm đến ở thủ đô Viêng Chăn và Phnôm Pênh; Năm 2018, lần đầu tiên giải đấu có linh vật chính thức...
Qua hơn 30 năm tổ chức, Cuộc đua Xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM đến nay không đơn thuần chỉ là sự kiện của Đài Truyền hình TP.HCM. Cuộc đua còn là sự kiện hoạt động văn hóa thể thao lịch sử, chính trị ý nghĩa của từng địa phương. Ông Nguyễn Đình Khôi, Trưởng Ban Thể dục Thể thao HTV cho biết: Nhờ kế thừa truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước, Cuộc đua Xe đạp Cúp truyền hình TP.HCM ngày nay được tổ chức thuận lợi hơn. Việc cuộc đua được đưa vào lịch hoạt động thường niên của các địa phương không chỉ mang nhiều ý nghĩa quan trọng mà còn hỗ trợ cho công tác phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đua diễn ra tốt đẹp.
Thiên Bình